Ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và 6 chương trình công tác lớn
Chính trị - Ngày đăng : 17:32, 14/06/2016
Theo Chương trình hành động, Đảng bộ Hà Nội tập trung lãnh đạo, phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu tổng quát 5 năm tới của Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố. Thành phố phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện 17 chỉ tiêu chủ yếu trên các lĩnh vực cơ bản trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Trong đó, thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020: 8,5-9,0%. Đến năm 2020, thành phố phấn đấu đạt cơ cấu kinh tế gồm dịch vụ 67-67,5%, công nghiệp - xây dựng 30-30,5%, nông nghiệp 2,5-3,0%. Đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người đạt 140-145 triệu đồng/người/năm (tương đương 6.700-6.800 USD); năng suất lao động xã hội bình quân tăng 6,5%/năm; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới: trên 80% tổng số xã (tăng thêm 110-130 xã so với năm 2015). Về xây dựng Đảng, thành phố phấn đấu kết nạp trên 12.000 đảng viên/năm; tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đạt 70%; tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh hằng năm trên 50%.
6 Chương trình công tác lớn của Thành uỷ khoá XVI đã được chính thức ban hành bao gồm các chương trình 01, 02, 04, 05, 07 và 08. Cụ thể, Chương trình số 01 về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh giai đoạn 2016-2020”. Chương trình đề ra chỉ tiêu: Hằng năm, có trên 50% tổ chức cơ sở đảng đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh; trên 70% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ; kết nạp trên 12.000 đảng viên mới; cán bộ diện Ban Thường vụ Thành uỷ quản lý có trình độ: 100% đạt trình độ chuyên môn đại học, trong đó 40% đạt trình độ thạc sỹ, tiến sỹ; 100% đạt trình độ cao cấp, cử nhân lý luận chính trị; cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn có trình độ: 100% đạt trình độ chuyên môn đại học, 100% đạt trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên; cán bộ diện Ban Thường vụ các cấp uỷ quản lý đảm bảo tỷ lệ cán bộ trẻ 10% trở lên, cán bộ nữ 15% trở lên; đến năm 2020, tinh giản tối thiểu 10% tổng biên chế cán bộ, công chức, viên chức Thành phố được giao năm 2015.
Chương trình 02 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 – 2020”. Mục tiêu Chương trình nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm. Chương trình đặt chỉ tiêu phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 3,5-4%/ năm trở lên; giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế đạt 250 triệu đồng/ha trở lên. Ngoài chỉ tiêu phấn đầu đến năm 2020 có trên 80% trở lên số xã đạt chuẩn nông thôn mới, Chương trình xác định chỉ tiêu phấn đấu có 10 huyện, thị xã trở lên đạt nông thôn mới. Đến năm 2020, thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 49 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1,5% (theo tiêu chí mới)...
Chương trình số 04 về “Phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020”. Chương trình nhằm xây dựng văn hóa Thủ đô tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội “Ngàn năm văn hiến, Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình”; thực hiện tốt mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm văn hóa lớn.
Chương trình 05: “Tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, giai đoạn 2016 - 2020”. Trong chương trình, Thành ủy Hà Nội xác định tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô về công tác quốc phòng - an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân; xây dựng thế trận an ninh nhân dân kết hợp với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp giữa các ngành, các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong công tác đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.
Chương trình 07 về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020”. Theo Chương trình, Thành ủy xác định nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Thủ đô, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức của các cơ quan chức năng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh, có phẩm chất, năng lực, trình độ, công minh, liêm chính, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, lãng phí và các hành vi cản trở, trù dập người chống tham nhũng, tiêu cực, giữ kỷ cương, kỷ luật của Đảng và của Nhà nước.
Chương trình 08 về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020”. Mục tiêu Chương trình đặt ra là xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở về CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, điều hành quản lý trên địa bàn, tạo thuận lợi tối đa phục vụ nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Trọng tâm CCHC là cải cách TTHC, bảo tính công khai, minh bạch, giảm thiểu thời gian và chi phí tuân thủ TTHC; tổ chức bộ máy các cơ quan được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả; cải cách chế độ công vụ, công chức theo hướng xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp; tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công.