Trách nhiệm không của riêng ai

Đời sống - Ngày đăng : 07:14, 14/06/2016

(HNM) - Hè đến, nhiều gia đình

Trẻ em cần được hướng dẫn sử dụng internet an toàn. Ảnh: Huy Khánh


Trong lúc đi học thêm, em N.T.T.L ở huyện Thạch Thất, Hà Nội bị một bạn nam cùng lớp chụp ảnh chân dung, rồi ghép vào ảnh mặc áo cổ rộng, đưa lên facebook. Bị bạn bè trêu đùa, uất ức, N.T.T.L đã viết trên mạng rằng sẽ tự tử nếu tấm ảnh kia không được gỡ xuống. Vì nghĩ chỉ là trò đùa nên nam sinh đăng bức ảnh vẫn không chịu gỡ xuống. Thêm vào đó, một số bạn không những không ngừng việc trêu đùa mà còn thách thức N.T.T.L tự tử. Quẫn trí, N.T.T.L đã uống thuốc diệt cỏ. Dù được gia đình phát hiện và đưa lên Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu nhưng N.T.T.L vẫn không qua khỏi.

Câu chuyện đau lòng kể trên không phải là ngoại lệ, bởi không ít nữ sinh tìm đến cái chết chỉ vì không chịu nổi áp lực từ mặt trái của môi trường mạng. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan cho biết, hiện Việt Nam là một trong những quốc gia có số người sử dụng internet nhiều nhất thế giới, trong đó trẻ em chiếm tỷ lệ không nhỏ. Khi tham gia vào môi trường mạng, các em có cơ hội tiếp cận với nguồn thông tin phong phú, thêm nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi, phát triển kỹ năng sống, thiết lập các mối quan hệ... Nhưng mặt trái của nó là trẻ em có nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại… "Việc trẻ em bị lạm dụng, bóc lột qua mạng internet để lại hậu quả nghiêm trọng về tâm lý, sức khỏe, học tập, thậm chí nhiều em đã tự tử" - Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em Bộ LĐ-TB&XH, hiện có không ít đối tượng xấu lợi dụng việc trẻ em chia sẻ thông tin (hình ảnh cá nhân, số điện thoại, địa chỉ, trường học…) trên mạng xã hội để tiếp cận, lợi dụng, chiếm lòng tin rồi lôi kéo trẻ em tham gia một số hoạt động không lành mạnh, vi phạm pháp luật... Bên cạnh đó, việc truy cập internet không bị hạn chế về nội dung nên trẻ sẽ dễ truy cập vào các trang web xấu dẫn đến bị ảnh hưởng về tâm lý, bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo.

Theo Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em "Phím số diệu kỳ - 18001567" (Helpline) của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em thì mỗi năm Helpline tiếp nhận hơn 300.000 cuộc gọi, trong đó có nhiều cuộc gọi tố giác xâm hại, lạm dụng trẻ em dưới nhiều hình thức khác nhau, kể cả việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Báo cáo của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) tại buổi tọa đàm chính sách về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp UNICEF khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tổ chức mới đây tại Hà Nội cũng cho thấy, trong 5 năm (2011-2015), cả nước xảy ra hơn 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân.

Dù tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tổn hại đến trẻ em, tuy nhiên ở nước ta công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng còn khá mới mẻ, chưa nhận được sự quan tâm, coi trọng đúng mức. Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, điều đáng lo ngại là cả nhà trường, gia đình và bản thân các em đều chưa biết kỹ năng tự bảo vệ trên môi trường mạng. Do thiếu kiến thức và kỹ năng mà nhiều hành động của bố mẹ, thầy cô và chính các em vô tình đẩy các em đến nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng. Cũng bởi đặc thù của nhóm trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng rất khác so với các nhóm đối tượng yếu thế cần trợ giúp khác, có tính ẩn danh, nhạy cảm, vì thế, việc kiểm soát, phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em trong lĩnh vực này rất khó khăn, phức tạp.

Nhằm ngăn chặn việc trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng, Luật Bảo vệ chăm sóc và Giáo dục trẻ em (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tháng 4-2016 đã có nhiều quy định về vấn đề này. Ngoài ra, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng đang xây dựng "Đề án bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng" hướng tới mục tiêu cơ bản mọi trẻ em phải được hưởng lợi ích từ sử dụng internet mà không có nguy cơ... Tuy nhiên theo ông Đặng Hoa Nam, cùng với những nỗ lực của các cơ quan chức năng, giải pháp khả thi nhất để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là nhà trường, gia đình cần tăng cường phối hợp để quản lý, định hướng, hướng dẫn các em sử dụng internet an toàn và đạt hiệu quả cao.

Thay vì ngăn cấm trẻ em giao tiếp với bất kỳ ai trên mạng, các bậc phụ huynh hãy dạy con cái cách ứng phó an toàn khi tham gia mạng xã hội hay chơi cùng bạn bè trong mạng; hướng dẫn trẻ không nên đưa những thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ nhà hay email cho người lạ. Mặt khác, phụ huynh nên cài đặt các phần mềm an ninh bảo mật giúp phát hiện và ngăn chặn những mã độc xâm nhập vào máy tính.

Kết quả nghiên cứu về "Những trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng internet" ở 246 trẻ em và người chưa thành niên do Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số, Trung tâm Thông tin (Bộ LĐ-TB&XH) tiến hành cho thấy: Có khoảng 36,4% trẻ em có những trải nghiệm không mong muốn liên quan đến bạo lực trên môi trường mạng; 13,2% trẻ buộc phải tiếp xúc không mong muốn với tài liệu khiêu dâm; 15,7% trẻ gặp hành vi dụ dỗ tình dục qua mạng; 2% trẻ nhận được yêu cầu tiết lộ thông tin cá nhân, hình ảnh không mong muốn.

Quỳnh Anh