Xóa quảng cáo rao vặt trái quy định: Vẫn trong tình trạng “đuổi - bắt”

Đời sống - Ngày đăng : 07:11, 14/06/2016

(HNM) - Đã có một thời gian, bộ mặt các ngõ ngách, phố phường của Hà Nội bị bôi bẩn bởi các thể loại quảng cáo, rao vặt (QCRV). Trước Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, để làm sạch bộ mặt đô thị, Hà Nội đã đồng loạt ra quân bóc xóa QCRV, cùng với đó là triển khai xây dựng và lắp đặt thí điểm các điểm thông tin QCRV hợp pháp miễn phí. Mặc dù vậy, thực tế những năm qua cho thấy, việc xóa QCRV tràn lan, trái quy định vẫn đang trong tình trạng đuổi - bắt…

Nhiều điểm quảng cáo rao vặt làm mất mỹ quan đô thị.


"Quản" được bao nhiêu?

Điểm thông tin QCRV miễn phí là giải pháp hạn chế nạn QCRV tràn lan, "gom" về những điểm hợp pháp. Được triển khai xây dựng và lắp đặt thí điểm bằng hình thức xã hội hóa từ năm 2006 (Công ty CP Marketing Mặt Trời Vàng lắp đặt 25 cabin tại 5 quận: Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Long Biên), cho đến nay theo thống kê từ Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Hà Nội, đã có 1.054 điểm thông tin QCRV được lắp đặt trên toàn địa bàn thành phố. Trong đó, những quận, huyện đầu tư mạnh cho việc tăng "chỗ đứng" cho QCRV để hạn chế vi phạm như: Cầu Giấy có 130 điểm, Phúc Thọ 87 điểm, Hoài Đức 52 điểm… Cùng với sự quyết liệt của các cấp chính quyền trong việc mạnh tay xử lý nạn QCRV trái phép, việc lắp đặt các điểm thông tin QCRV đã góp phần làm cho bộ mặt phố phường sạch đẹp hơn, hạn chế nhiều việc dán QCRV tràn lan, đặc biệt trong các đợt "cao điểm", xử lý mạnh.

Đánh giá hoạt động của các điểm thông tin QCRV, ông Trần Văn Thưởng - Phó phụ trách Phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT Hà Nội) cho biết: Đến nay, các điểm thông tin QCRV vẫn đang phát huy tác dụng do nhu cầu giải quyết thông tin vẫn còn. Quận, huyện chính là "nhà đầu tư" và cũng chịu trách nhiệm trước thành phố về hoạt động của các điểm QCRV này. Trong đó một số quận: Ba Đình, Long Biên còn lập quy chế quản lý, trên tinh thần phát huy việc tham gia của cộng đồng dân cư sở tại. Một số quận, huyện thực hiện giao việc quản lý các điểm thông tin QCRV này cho tổ dân phố, chịu trách nhiệm kiểm tra, tổ chức định kỳ bóc xóa và vệ sinh làm sạch.

Mặc dù vậy, thực tế thời gian qua cho thấy, nhu cầu dán tờ rơi QCRV khá lớn, song do việc bố trí địa điểm cũng như quản lý chưa hiệu quả nên hình thức của các điểm thông tin QCRV khá nhếch nhác. Theo ghi nhận, nhiều bảng dán thông tin QCRV ở trong tình trạng bị dán chằng chịt bởi các tờ rơi, mạnh ai nấy dán. Nhiều điểm ở tình trạng tờ dán sau đè tờ dán trước, chẳng theo bất kỳ thứ tự, hàng lối nào hay nhiều tờ bị xé bỏ nhôm nhoam khiến các điểm thông tin này lẽ ra là nơi quy QCRV về một mối, góp phần làm đẹp bộ mặt thành phố lại biến thành nơi bị… mất mỹ quan.

Đâu là giải pháp căn cơ?

Từ năm 2010 đến nay, thành phố cùng các ban, ngành, các cấp chính quyền đã rất nỗ lực trong việc quản lý hoạt động QCRV, dẹp nạn QCRV dán bừa bãi, trái phép. Từ kế hoạch 167/KH-UBND ngày 15-12-2009, UBND thành phố luôn quan tâm, chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã và các ban, ngành, đoàn thể vào cuộc tổ chức thực hiện, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi QCRV trái quy định. Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) xử lý nghiêm, yêu cầu nhà mạng ngừng cung cấp dịch vụ đối với các số điện thoại vi phạm về QCRV. Năm 2014, thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị", Hà Nội chỉ đạo các sở: VH-TT, Xây dựng, GTVT, TT-TT, Điện lực tháo dỡ QCRV vi phạm tại các cột đèn chiếu sáng, cây xanh và các thiết bị đặt trên đường phố. Công an thành phố chỉ đạo CSGT ngăn chặn hành vi phát tán tờ rơi quảng cáo tại các nút giao thông. Theo thống kê của Sở TT-TT, từ năm 2010 đến nay, đã 54 lần đơn vị này ra văn bản đề nghị nhà mạng ngừng cung cấp dịch vụ với trên 10.000 số thuê bao điện thoại do quảng cáo sai quy định.

Mặc dù vậy, việc quản lý QCRV trên thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua đã và đang xuất hiện nhiều loại hình biến tướng, gây khó khăn cho công tác quản lý. Không xuất hiện dày đặc ở các đường phố lớn, QCRV len lỏi trong các ngõ ngách với đa dạng khổ in to, nhỏ; cái được dán vào tường, vào ống thoát nước; cái lại được in màu giống những băng rôn nhỏ treo lủng lẳng trên dây điện, dây điện thoại chạy dọc ngõ, ngách.

Thậm chí, QCRV còn được in nhỏ như cái kẹo, dán vào chuông cửa hay gần ổ khóa của nhà dân. Trong khi đó, tình trạng "đuổi - bắt" vẫn là thực trạng chung xảy ra tại nhiều địa bàn mà cho đến nay các địa phương vẫn chưa tìm ra được biện pháp ứng phó hiệu quả khi tại các vị trí đã được bóc xóa, chỉ vài ngày hay 1 tuần, 1 tháng sau lại tái xuất QCRV mới. Thực hiện cắt số điện thoại này, thì lại xuất hiện số điện thoại khác, trong đó có rất nhiều số điện thoại QCRV thường là sim rác. Trong nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi nạn QCRV trái phép, bản thân công tác xử lý vi phạm lại gặp nhiều khó khăn do đối tượng vi phạm thường dán quảng cáo vào buổi đêm. Ngay cả mức phạt đối với đối tượng thực hiện việc dán QCRV cũng không đủ sức răn đe. Do vậy, dù các quận, huyện đều cố gắng xóa QCRV song trước những biến tướng, luồn lách và "ẩn hiện" của loại hình này, có lẽ chẳng biết đến bao giờ QCRV mới "tụ" được hết về những điểm thông tin đã được quy hoạch?

Đề xuất các giải pháp để tạo chuyển biến trong công tác quản lý QCRV, ông Trần Văn Thưởng cho biết: Bên cạnh các đợt ra quân tổ chức bóc xóa QCRV, thống kê và xử lý các số điện thoại vi phạm; cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân, thông qua cuộc vận động xây dựng Tổ dân phố không có QCRV, xây dựng các tuyến đường xanh - sạch - đẹp, nâng cao ý thức trách nhiệm chung trong cộng đồng dân cư. Hy vọng rằng, từ những giải pháp căn cơ ấy thì dần dần QCRV sẽ đi vào nền nếp.

Bài, ảnh: Dạ Khánh