Bài cuối: Cần cơ chế đột phá

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:54, 14/06/2016

(HNM) - Cảnh vắng vẻ thường thấy ở trạm y tế (TYT) xã, phường khiến nhiều người cho rằng cán bộ TYT đang… thất nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế với cả

Bác sĩ khám bệnh tại Trạm y tế thị trấn Kim Bài.


Nhiều tiêu chí đã thay đổi

Do sự khác biệt về điều kiện kinh tế, xã hội giữa khu vực nội thành và ngoại thành dẫn đến chức năng, nhiệm vụ của TYT cũng khác nhau. Bà Trần Thị Kim Oanh, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) quận Thanh Xuân cho biết: Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020 ban hành theo Quyết định 4667/QĐ-BYT ngày 7-11-2014 đã có sự phân vùng. Theo đó, TYT được phân thành 3 vùng với những tiêu chí khá cụ thể. Các TYT vùng 1 không bắt buộc phải có điều trị nội trú, đỡ đẻ thường, kỹ thuật phụ sản, kỹ thuật nhi…; không bắt buộc phải có vườn thuốc Nam và cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.

Từ đó, chức năng khám chữa bệnh (KCB) của TYT vùng 1 được "giảm tải" so với các TYT vùng 3, nhưng công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh được đẩy mạnh. Làm tốt công tác này là giải quyết được cái gốc, góp phần hạn chế dịch bệnh phát sinh. Chính vì vậy, việc đầu tư trang thiết bị KCB cho TYT vùng 1 như hiện nay là phù hợp. Cùng chung quan điểm, bà Trịnh Thị Thanh Thủy, Giám đốc TTYT quận Đống Đa cho biết: TYT có chức năng cung cấp, thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Do vậy, mức độ đầu tư về trang, thiết bị y tế như hiện nay là hợp lý, bởi KCB chuyên sâu đã có các bệnh viện, phòng khám đa khoa đảm nhiệm.

Với đặc điểm người dân vùng ngoại thành ít có điều kiện lựa chọn các dịch vụ y tế, ông Lê Đình Chiến, Giám đốc TTYT huyện Thanh Oai cho biết: Theo mô hình hiện nay, công việc của TYT tập trung phần lớn cho công tác y tế dự phòng, phần còn lại mới tập trung KCB. Song với nhu cầu được tiếp cận các dịch vụ y tế ngày càng cao của người dân hiện nay, nhân lực và trang thiết bị của TYT không thể đáp ứng. Để thu hút người dân đến TYT, với đặc thù mỗi trạm nên có hướng đầu tư thích hợp. Người dân ở thị trấn Kim Bài rất gần Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Oai nên TYT thị trấn tập trung vào lĩnh vực KCB y học cổ truyền và hiệu quả đã được khẳng định. Bà Hà Thị Huệ, Trạm trưởng TYT thị trấn Kim Bài cho biết: "Từ đầu năm 2016 đến nay đã có 284 lượt người điều trị bằng y học cổ truyền và nhu cầu này có xu huớng tăng".

Dãy nhà chính của TYT Kim An (huyện Thanh Oai) xây dựng từ năm 1970, sau nhiều lần sửa chữa, xây thêm, đến nay đã có 12 phòng làm việc. Cơ sở vật chất tuy cũ kỹ, nhưng bình quân mỗi ngày TYT vẫn đón khoảng 12 lượt người đến khám những bệnh thông thường như cảm sốt, viêm họng, tiêu chảy… Trạm trưởng TYT xã Kim An Lê Thanh Hà cho biết: "Kim An là xã thuần nông nên người dân vẫn lựa chọn TYT mỗi khi đau ốm. Những trường hợp bệnh vượt quá khả năng, chúng tôi tư vấn để họ đến các bệnh viện đúng chuyên khoa. Người dân nghèo nên chúng tôi chú trọng tư vấn họ cách sử dụng thuốc, sao cho khỏi bệnh và chi phí thấp nhất. Chúng tôi đã nghiên cứu đặc thù và nhận thấy người dân địa phương hay mắc một số bệnh nên đã phân loại, tìm tòi để có cách điều trị hiệu quả. Vì thế, người dân đến TYT khá đều".

Theo Trạm trưởng TYT xã miền núi Khánh Thượng (Ba Vì) Nguyễn Thị Hồng Ngoan, Khánh Thượng là xã rộng, từ điểm dân cư xa nhất đến TYT mất khoảng 7km. Người dân còn nghèo, giao thông chưa thuận tiện nên TYT vẫn là lựa chọn của số đông dân cư. Bình quân, mỗi tháng khoảng 300 lượt người đến KCB tại trạm, số ca sinh đẻ từ 80 đến 90 ca/tổng số khoảng 140 ca sinh trên toàn xã. Hiện tại trạm được trang bị máy siêu âm, xét nghiệm nước tiểu, đường huyết. Trạm có 12 phòng làm việc nhưng nhiều phòng vẫn phải ghép. Những TYT miền núi cần được đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ y, bác sĩ bảo đảm người dân yên tâm KCB ngay từ tuyến cơ sở và cũng là cách để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Tạo cơ chế, đầu tư đúng hướng

Trong những năm qua, TP Hà Nội đã đầu tư rất lớn cho việc chuẩn hóa các TYT. Hiện các TYT được xây dựng chuẩn theo quy định tại Bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn đến 2020 theo Quyết định 4667/QĐ-BYT. Bà Trần Thị Kim Oanh cho biết: "Quận Thanh Xuân có 5 TYT đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020; 6 trạm còn lại đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện để đề nghị xét duyệt trong năm 2016. Trạm trưởng TYT Khương Trung (Thanh Xuân) Lê Gia Hưng cho rằng: "Phải nhìn nhận rõ chức năng KCB của TYT khác với chức năng KCB của các phòng khám, bệnh viện. Ngoài chức năng KCB ban đầu, TYT còn có chức năng khám dự phòng, khám trong các chiến dịch y tế nên máy móc trang bị cho TYT như hiện nay là thiết thực, cho dù có thời điểm sử dụng rất ít. Còn TYT đạt chuẩn quốc gia là trạm có đủ tiêu chí để đáp ứng cho các hoạt động bình thường, theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao". Như vậy, việc công nhận TYT đạt chuẩn quốc gia là tiêu chí các TYT phải đạt để thực hiện đúng vai trò, chức năng đã quy định.

Thực tế cũng cho thấy, đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại nhưng không có yếu tố con người thì cũng không thể phát huy hiệu quả. Còn Giám đốc TTYT huyện Thạch Thất Trịnh Duy Ưng cho biết: Những năm gần đây số ca đẻ thường tại các TYT ngày càng giảm. Do đó, cần khảo sát, đánh giá, cân nhắc mức độ đầu tư từng trạm cho phù hợp, tránh lãng phí.

Để giải quyết vấn đề nhân lực cho tuyến y tế cơ sở, nhiều ý kiến cho rằng cần tập trung tạo môi trường làm việc, đồng thời tạo thu nhập ổn định cho bác sĩ. Thực tế nhiều phòng khám tư nhân "sống tốt" vì được đầu tư máy móc, con người và giá dịch vụ y tế được bệnh nhân chấp nhận. Trong khi đó, các TYT không có cơ chế để bứt phá. Có ý kiến cho rằng, TYT nên duy trì mảng y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh… còn chức năng KCB nên đưa về phòng khám liên xã. Những phòng khám này sẽ đảm nhận nhiệm vụ KCB cho người dân ở 2, 3 xã lân cận, trên cơ sở tính khoảng cách đến khu dân cư. Thay vì đầu tư máy móc cho các trạm dàn trải như hiện nay, nên đầu tư có chọn lựa, theo chiều sâu cả về con người và trang thiết bị cho phòng khám liên xã. Khi đầu tư đúng hướng sẽ tạo môi trường làm việc cho bác sĩ và bản thân họ sẽ tạo dựng uy tín để "hút" bệnh nhân, từ đó sẽ có nguồn thu…

Giải pháp này còn rất nhiều điều để bàn và chưa hẳn đã nhận được đồng thuận của tất cả mọi người. Song đây là ý tưởng rất cần được xem xét, thảo luận nhằm tạo cơ chế tốt nhất để các TYT thoát cảnh hiện nay. Nói cách khác, vấn đề phát huy hiệu quả TYT xã, phường cần được đặt trong mối quan hệ tổng thể với các cơ sở y tế khác theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI: "Tiếp tục kiện toàn tổ chức mạng lưới, củng cố và hoàn thiện các trung tâm y tế, phòng khám đa khoa, TYT xã, phường... về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng dịch vụ và chất lượng phục vụ của y tế tuyến cơ sở".

Thiện Mỹ