Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành bổ sung thêm Thẩm phán cao cấp
Chính trị - Ngày đăng : 21:22, 13/06/2016
Trang phục mới của Thẩm phán do Tòa án nhân dân giới thiệu xin ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Cho ý kiến về việc bổ sung số lượng Thẩm phán cao cấp tại Tòa án nhân dân cấp cao, các ý kiến cho rằng, 3 Tòa án nhân dân cấp cao là các đơn vị mới được thành lập, có khối lượng công việc rất lớn, dẫn đến tình trạng quá tải, ảnh hưởng tới chất lượng công tác xét xử, không kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Hiện 3 Tòa án nhân dân cấp cao mới được giao chỉ tiêu 103 Thẩm phán. Để đáp ứng yêu cầu công việc, cần bổ sung thêm 67 Thẩm phán cao cấp cho các Tòa án này như đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao.
Qua thảo luận, các ý kiến tán thành với đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ sung 65 Thẩm phán cao cấp cho 63 Tòa án nhân dân cấp tỉnh (mỗi Tòa án nhân dân cấp tỉnh có 1 Thẩm phán cao cấp; riêng Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có 2 Thẩm phán cao cấp) tương tự như số lượng Kiểm sát viên cao cấp tại 63 Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo Nghị quyết số 1155/NQ-UBTVQH ngày 2/3/2016.
Về việc bổ sung Thẩm phán trung cấp tại Tòa án nhân dân cấp huyện, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định: căn cứ vào số lượng các vụ án mà Tòa án nhân dân cấp huyện phải giải quyết hàng năm là rất lớn.
Vì vậy, cần tăng Thẩm phán cho Tòa án nhân dân cấp huyện nhằm nâng cao chất lượng xét xử, khắc phục tình trạng quá tải, án tồn đọng. Đồng thời, để phục vụ công tác điều động, luân chuyển Thẩm phán, mỗi Tòa án nhân dân cấp huyện có 2 Thẩm phán trung cấp. Theo đó, sẽ có 1.420 Thẩm phán trung cấp bổ sung cho Tòa án nhân dân cấp huyện.
Góp ý việc bổ sung Thẩm phán sơ cấp, có ý kiến cho rằng, số lượng vụ án tại các Tòa án nhân dân cấp huyện có tăng nhưng không nhiều, vì vậy, trước mắt chỉ bổ sung 243 Thẩm phán sơ cấp là phù hợp. Sau khi có Đề án về vị trí việc làm theo yêu cầu của Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét.
Ý kiến khác cho rằng, Tòa án nhân dân cấp huyện đã được giao thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án, loại việc này đang có xu hướng tăng. Do đó, ngoài việc bổ sung 243 Thẩm phán sơ cấp như trên, cần bổ sung thêm 111 Thẩm phán sơ cấp tại Tòa án nhân dân cấp huyện để giải quyết các vụ việc.
Đối với việc bổ sung Thẩm phán cao cấp của các Tòa án quân sự, các ý kiến tán thành với đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc điều chỉnh giảm số lượng Thẩm phán cao cấp tại Tòa án quân sự Trung ương xuống còn 15 Thẩm phán (giảm 4 Thẩm phán so với hiện nay) trên cơ sở Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án quân sự các cấp theo tinh thần cải cách tư pháp do Tòa án Quân sự Trung ương xây dựng, đã được Quân ủy Trung ương và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí với đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao bổ sung 12 Thẩm phán cao cấp tại các Tòa án quân sự cấp quân khu.
Thảo luận về chế độ lương, phụ cấp đối với Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, các ý kiến đồng ý với mức 1,25, vì đây không phải là chức danh lãnh đạo. Các chức vụ lãnh đạo khác của Tòa án nhân dân tối cao thực hiện như quy định hiện hành./.