Đề xuất giải pháp tăng vốn khối ngân hàng thương mại Nhà nước

Kinh tế - Ngày đăng : 11:06, 13/06/2016

(HNMO) - Các ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) được cân đối và quyết định việc sử dụng nguồn cổ tức các năm để tăng vốn cho năm sau qua hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tùy thuộc vào năng lực tài chính và điều kiện của ngân hàng.


Đây là một trong những giải pháp tăng vốn tại NHTMNN mà Trung tâm nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa đề xuất.

Hệ số an toàn  vốn suy giảm nghiêm trọng

Theo BIDV, trong quá trình thực hiện vai trò đối với nền kinh tế, năng lực tài chính của khối NHTMNN thể hiện qua hệ số an toàn vốn (CAR) bị suy giảm nghiêm trọng. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, tài sàn có rủi ro (TSCRR) của khối NHTMNN tăng trưởng trung bình ở mức 19,4%/năm, cao hơn mức tăng 15,43%/năm của vốn tự có, dẫn đến CAR của khối giảm từ mức 10,8% năm 2011 xuống mức 9,4% hiện nay-gần chạm ngưỡng tối thiểu 9% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thấp hơn mức bình quân của ASEAN là 10,3% (đồng thời tiêu chuẩn tính của Việt Nam thấp hơn).

BIDV cho biết, tình trạng vốn tự có tăng không đủ bù đắp mức tăng TSCRR của khối NHTMNN làm suy giảm CAR chủ yếu do hai nguyên nhân.

Thứ nhất, khả năng sinh lời của các NHTMNN bị co hẹp (tỷ lệ NIM-tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (đã trừ DPRR) từ mức 2,5% năm 2011 giảm còn 2,2% năm 2012 và tiếp tục giảm xuống mức 1,7-1,8% giai đoạn 2013-2015) do đi đầu trong triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ (lãi suất cho vay thấp khoảng 7% trong khi lãi suất huy động theo giá thị trường 4-5%).

(Ảnh minh họa, nguồn: Internet)


Thứ hai, trong giai đoạn ngành ngân hàng Việt Nam triển khai nhiều biện pháp để áp dụng các chuẩn mực thông lệ quốc tế theo Basel trong tính toán CAR nên vừa làm giảm tốc độ tăng vốn tự có và vừa làm tăng tốc độ tăng TSCRR so với trước đây, từ đó tác động tiêu cực đến CAR.

Khó khăn khi tăng vốn tại các NHTMNN


CAR suy giảm là vậy nhưng hiện nay các NHTMNN đang trong tình trạng nan giải khi thực hiện các giải pháp tăng vốn nhằm đảm bảo năng lực tài chính.

Cụ thể, tăng vốn từ giải pháp giảm chi trả cổ tức: Trong giai đoạn 2013 -2014, theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước toàn bộ cổ tức của NHTMNN không được sử dụng để gia tăng năng lực tài chính của ngân hàng phải chuyển nộp về NSNN. Trong điều kiện các giải pháp tăng vốn khác chưa thực hiện được ngay thì việc tăng vốn từ nguồn lợi nhuận tạo ra của năm 2015 và 2016 là giải pháp thuận lợi nhất cho các ngân hàng, tuy nhiên giải pháp này đang gặp vướng mắc từ cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Tài chính (Thông tư 61/2016/TT-BTC yêu cầu phải chuyển toàn bộ cổ tức của cổ đông nhà nước về NSNN). Nếu xảy ra, BIDV cho rằng có vẻ như vai trò cổ đông của nhà nước tại các NHTMNN đang chưa thực sự chuyên nghiệp và điều này có thể ảnh hưởng đến cổ đông hiện hữu khác cũng như việc thu hút cổ đông mới trong tương lai. Ở khía cạnh khác, dường như các NHTMNN ngoài chức năng thực hiện chính sách tiền tệ vốn đã rất năng nề đang phải gánh thêm áp lực từ chính sách tài khóa.

Tăng vốn từ phát hành thêm cổ phần cho nhà đầu tư hiện hữu, thu hút thêm nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài: Đây là giải pháp không dễ dàng thực hiện ngay trong ngắn hạn và sự thành công của giải pháp còn phụ thuộc vào 2 yếu tố là mức độ quan tâm của nhà đầu tư và điều kiện thị trường. Hiện nay cả hai yếu tố này đều không thuận lợi cho các NHTMNN.

Tăng vốn từ giải pháp thực hiện tiết kiệm chi phí quản lý, mở rộng các nguồn thu ngoài lãi: Giải pháp này chỉ bù đắp được một phần nhỏ nhu cầu tăng vốn.

Tăng vốn từ nguồn bổ sung NSNN: Đây là giải pháp cơ bản nhất, phù hợp nhất trong tình hình hiện nay theo kinh nghiệm các nước trên thế giới cũng đã được NHNN cam kết xem xét để thực hiện. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả. Nguyên nhân cơ bản vẫn là điều kiện ngân sách hiện nay đang eo hẹp và không cho phép thực hiện.

Tăng vốn từ việc tăng khả năng sinh lời và thực hiện điều chỉnh cơ cấu bảng tổng kết tài sản giúp giảm TSCRR: Cả hai giải pháp này đều không khả thi đối với các NHTMNN hiện nay do phải thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đất nước khiến việc cấu trúc lại TSCRR hay tăng lãi suất là không thực hiện được.

BIDV lo lắng, khi tình trạng suy giảm năng lực tài chính các NHTMNN không được giải quyết  sẽ gây ra  rủi ro đối với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Trong trường hợp vốn tự có của khối NHTMNN không được tăng trong năm 2016 (tương ứng với việc Nhà nước thu về toàn bộ cổ tức năm 2015), sẽ khiến tăng trưởng GDP giảm 0,55%-0,6%/năm. Dự kiến, tăng trưởng GDP giai đoạn 2016-2020 sẽ chỉ ở mức 6,05-6,4%/năm.

Trong trường hợp vốn tự có của khối NHTMNN tăng lên từ nguồn lợi nhuận giữ lại với ước tính ở mức 8,34%/năm (căn cứ theo mức tăng vốn tự có của khối NHTMCP giai đoạn 2011-2015), không có nguồn tăng vốn bổ sung từ bên ngoài sẽ làm giảm tăng trưởng GDP là 0,18-0,2%/năm. Dự kiến tăng trưởng GDP giai đoạn 2016-2020 sẽ chỉ ở mức 6,3-6,7%/năm.

Đó là chưa kể, việc tăng trưởng tín dụng giảm so với yêu cầu ở mức 5-10% trong vòng 5 năm (2016-2020) sẽ làm giảm khoản thu của NSNN khoảng 1.800-5.000 tỷ đồng tiền thuế.

Giải pháp

Từ những phân tích trên, BIDV đề xuất một số giải pháp để tăng vốn tại các NHTMNN:

Thứ nhất, Chính phủ chỉ đạo NHNN và Bộ Tài chính chấp thuận cho các NHTM nhà nước được cân đối và quyết định việc sử dụng nguồn cổ tức các năm để tăng vốn cho năm sau qua hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tùy thuộc vào năng lực tài chính và điều kiện của ngân hàng.

Thứ hai, Chính phủ cho phép các NHTMNN sử dụng nguồn thặng dư do giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước từ bán đầu tư tài chính, bán chiến lược để tạm ứng chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.

Thứ ba, bản thân các NHTMNN cần tăng cường quản lý rủi ro để giảm được chi phí DPRR là khoản mục chi phí rất lớn trong hoạt động kinh doanh, đồng thời cần thực hiện tiết kiệm triệt để chi phí quản lý nhất là các khoản chi lễ tân, khánh tiết. Mỗi ngân hàng có thể đặt mục tiêu cắt giảm 3-4% chi phí quản lý so với dự toán ngay trong năm 2016.

Thứ tư, đối với các NHTMNN gặp khó khăn về vốn tự có, Chính phủ chỉ đạo NHNN hoàn thiện đề án nâng cao năng lực tài chính tổng thể của khối NHTMNN, qua đó xác định cụ thể kế hoạch, lộ trình tăng vốn đối với khối NHTMNN và đối với từng ngân hàng.

Thứ năm, Chính phủ đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa và giảm bớt tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các NHTMNN, hiện đang ở mức 65-95%. Giải pháp tăng vốn qua bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài rất có lợi, do nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh và nhiều kinh nghiệm quản lý. Mặc dù vậy, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài còn phụ thuộc vào điều kiện riêng từng ngân hàng, điều kiện thị trường và chính sách của Chính phủ. Do đó giải pháp này cũng khó thực hiện trong điều kiện hiện nay.

Thứ sáu, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan Nhà nước tạo điều kiện cho các ngân hàng triển khai phương án phát hành cổ phần ra công chúng trong đó cổ đông nhà nước nếu không đủ nguồn lực thì có thể từ chối quyền mua. Khi đó các ngân hàng sẽ chủ động tìm kiếm nhà đầu tư và cổ đông nhỏ lẻ để bán cổ phần, phát hành cổ phần ưu đãi cho người lao động để tăng vốn. Giải pháp này chỉ thuận lợi khi cổ đông hiện hữu có sức mạnh tài chính và không muốn giảm tỷ lệ sở hữu, trong điều kiện thị trường chứng khoán ổn định và phát triển thuận lợi.

Thứ bảy, Chính phủ cho phép các NHTMNN được tạm ứng từ quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp để tăng vốn trong năm 2016.

Đó là các giải pháp trước mắt, còn về dài hạn, theo BIDV, các NHTMNN phát hành trái phiếu tăng vốn (được tính vào vốn tự có phần giá trị trái phiếu tối đa bằng 50% vốn cấp 1), đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa hoặc thu hút nhà đầu tư tài chính, đầu tư chiến lược; Chính phủ giảm sở hữu tại các NHTMNN về ở mức tối đa 51% đến năm 2018 nhằm tạo điều kiện cho các NHTMNN thu hút thêm vốn từ nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài, từ đó nâng cao năng lực tài chính và tranh thủ tiếp cận công nghệ hiện đại, trình độ quản trị tiên tiến của các nhà đầu tư nước ngoài. Hai giải pháp khác là cần có chiến lược, giải pháp tổng thể để thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu là kênh đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn cho doanh nghiệp, giảm áp lực tăng trưởng tín dụng dài hạn từ NHTM; từng bước xây dựng NHNN độc lập nhằm thực hiện chính sách tiền tệ nhất quán, tập trung không bị ảnh hưởng bởi các mục tiêu chính sách tài khóa. 

Tính đến cuối năm 2015, khối NHTMNN gồm 4 ngân hàng (Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank) chiếm 45% tổng tài sản, 50,2% tổng dư nợ tín dụng và 46,3% nguồn vốn huy động của toàn hệ thống tính.

Trong giai đoạn 2011-2015, khối NHTMNN đã đóng góp chính vào tăng trưởng toàn ngành với mức tăng trưởng tổng tài sản bình quân ở mức 13,8%/năm cao hơn mức 10,3%/năm của toàn hệ thống, tăng trưởng tín dụng ở mức 17,1%/năm so với mức 13,5%/năm toàn ngành.

Thanh Hương