Tạo chuyển biến trên nhiều lĩnh vực
Cải cách hành chính - Ngày đăng : 06:46, 06/04/2023
Chỉ rõ hạn chế, tồn tại
Năm 2022, Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội đã bám sát các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, của Thành ủy và HĐND thành phố để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đạt được những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
Mặc dù đạt được những kết quả nổi bật, song tại hội nghị kiểm điểm năm 2022, Ban Cán sự đảng và tập thể lãnh đạo UBND thành phố đã thẳng thắn chỉ ra 19 nội dung tồn tại, hạn chế, khuyết điểm trong công tác chỉ đạo, điều hành, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, dù tổng thu ngân sách ước cả năm vượt dự toán, nhưng kết quả một số khoản thu, khu vực thu còn thấp so với dự toán và giảm so với năm trước, như: Thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương đạt 74,1% dự toán, giảm 5,7%; các khoản thu về nhà đất chỉ đạt 60,3% dự toán, giảm 22,2%...
Nguyên nhân của tình trạng này, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải là do một số ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ; chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao do ảnh hưởng của giá xăng, dầu, nguyên liệu đầu vào, lãi suất, tỷ giá, suy giảm kinh tế trên toàn cầu… Khoản thu nhà đất bị sụt giảm do sự trầm lắng của thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, lũy kế giải ngân năm 2022 đến hết ngày 31-1-2023 của Hà Nội là 45.315 tỷ đồng, đạt 87,8% kế hoạch (năm 2021 là 79,2%). Tuy nhiên, Ban Cán sự đảng UBND thành phố nhận định, tỷ lệ giải ngân năm 2022 chưa đạt được như kỳ vọng. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, chậm thực hiện các thủ tục đầu tư dự án, một số dự án phải xin ý kiến thỏa thuận với các bộ, ngành về giấy phép thi công, điều chỉnh thiết kế… là những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân năm 2022 chưa đạt được như kế hoạch đã đề ra.
Ngoài ra, Ban Cán sự đảng UBND thành phố cũng chỉ ra một số nội dung còn tồn tại, hạn chế như việc phát huy tiềm năng, lợi thế, huy động nguồn lực xã hội phục vụ phát triển chưa đạt yêu cầu; tiến độ một số công trình trọng điểm chậm và còn nhiều vướng mắc; tiến độ lập đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn chậm...
Đồng thời, kỷ cương hành chính có chuyển biến nhưng chậm và chưa đạt yêu cầu. Sự chuyển biến trong nhận thức và việc tổ chức thực hiện của một số quận, huyện, sở, ngành có việc còn chưa chủ động, lúng túng, chậm cải cách thủ tục hành chính; công tác thanh tra công vụ đối với các sở, ngành chưa đạt hiệu quả. Việc xây dựng, triển khai đề án chuyển đổi số còn chậm, nhất là việc xây dựng, tạo lập, hình thành cơ sở dữ liệu chuyên ngành tại một số cơ quan, đơn vị còn lúng túng, chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ đề ra…
Đề cao tinh thần “5 rõ”
Thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, khuyết điểm nêu trên, Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị tham mưu xây dựng kế hoạch, đề án, chương trình nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế trên nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả”, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Ban Cán sự đảng UBND thành phố giao giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành thành phố, Văn phòng UBND thành phố căn cứ tình hình thực tiễn của từng ngành, lĩnh vực, tập trung kiểm điểm, phân tích sâu sắc hơn những hạn chế, khuyết điểm. Trên cơ sở đó, tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch, đề án, chương trình để khắc phục tồn tại, hạn chế, khuyết điểm trên các lĩnh vực.
Cụ thể, nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân cụ thể và chịu trách nhiệm toàn diện trước thành phố về kết quả giải ngân của đơn vị. Thành phố cũng sẽ kịp thời điều chuyển vốn từ các dự án chậm thủ tục đầu tư, chậm triển khai giải ngân sang các dự án có khả năng thực hiện, hấp thụ vốn tốt hơn…
Căn cứ chỉ đạo của UBND thành phố, các địa phương, đơn vị chủ động triển khai những giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tiêu biểu là quận Ba Đình. Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, trong thời gian qua, quận luôn chủ động trong công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai những phần việc liên quan đến quy trình đầu tư xây dựng, đặc biệt là công tác đền bù giải phóng mặt bằng và lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực về tài chính, thiết bị máy móc, nhân lực. Cùng với đó, công tác xây dựng hồ sơ thiết kế, hồ sơ dự toán công trình được triển khai kịp thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động về nguồn nhân lực, nguyên vật liệu triển khai xây dựng theo tiến độ đề ra.
Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội đề ra 6 giải pháp, trong đó tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố. Đồng thời, tập trung rà soát để kịp thời tháo gỡ khó khăn và thực hiện đồng bộ hoạt động hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp thông qua các khoản cho vay với lãi suất ưu đãi, các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực...; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chuyển đổi số, khuyến công, khuyến nông, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.
Tất cả các giải pháp được UBND thành phố triển khai đồng bộ, nhằm tạo chuyển biến trên các lĩnh vực, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô năm 2023 và những năm tiếp theo.