Bát nháo thị trường nước uống tinh khiết
Xã hội - Ngày đăng : 05:51, 13/06/2016
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này sản xuất 3 nhãn hiệu nước gồm Fancy, Miru và Lavijoy. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở mới xuất trình được đăng ký kinh doanh, không xuất trình được giấy cam kết bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận cơ sở bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, chưa đăng ký nhãn mác và sử dụng bao bì, không đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Chủ cơ sở là Phan Văn Trung (SN 1983, ở Sung Yên, Đô Thành, Yên Thành, Nghệ An) khai báo, cơ sở mới đi vào hoạt động từ tháng 1-2016 và sử dụng phương pháp là nước được hút từ giếng khoan qua quá trình tẩy lọc, được đóng bình, dán tem nhãn bằng phương pháp thủ công rồi đem đi tiêu thụ tại các đại lý. Điều đáng bàn là việc chủ cơ sở khai có sử dụng axít sunfuric và soda để ngâm tẩy nắp bình, người thực hiện quy trình tẩy rửa này là một công nhân tại xưởng, không qua trường lớp đào tạo, chỉ ngâm tẩy hóa chất theo… kinh nghiệm.
Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề nước tinh khiết kém chất lượng được đề cập. Trước đó, các lực lượng chức năng tại Hà Nội đã bắt giữ hàng nghìn lô nước đóng bình kém chất lượng, chủ yếu là các lô nước bị nhiễm vi sinh, có điều kiện, quy trình sản xuất chưa bảo đảm chất lượng… Tháng 4-2015, Hiệp hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas) thống kê cho biết, trên thị trường hiện có 130 sản phẩm nước uống đóng chai giám sát được chất lượng; nhưng vẫn tồn tại một số lượng không nhỏ sản phẩm nước đóng chai chưa được kiểm soát chất lượng do các cơ sở nhỏ lẻ sản xuất.
Trên thực tế, theo quy định, nếu sử dụng nước giếng để sản xuất nước uống đóng bình phải kiểm định hàng trăm chỉ tiêu lý, hóa, vi sinh. Các chỉ tiêu lý, hóa thông thường như: Độ dẫn, màu, đục, kiềm Mg, Ca... chỉ tiêu kim loại nặng: Al, Cu, Zn, Cr… hay chỉ tiêu vi sinh, như E.Coli, Clostridium… Sau khi nước được xử lý bằng thiết bị lọc phải bảo đảm các chỉ tiêu trước khi đưa vào bình. Quy trình sản xuất nghiêm ngặt như vậy nên không phải cơ sở nào cũng đáp ứng được đủ các tiêu chí. Hơn nữa, một điều cần nhấn mạnh, đó là các cơ sở sản xuất nước tinh khiết hiện nay vì hám lợi đã bỏ qua các thủ tục về kiểm tra chất lượng nhằm giảm thiểu chi phí. Đơn cử như bình nước lọc Fancy (47kg) bán với giá 7.000 đồng/bình, hay Miru (47kg) bán với giá 22.000 đồng/bình… Điều này đã dấy lên câu hỏi về chất lượng và đối tượng bị ảnh hưởng là người tiêu dùng.
Đã đến lúc cơ quan chức năng cần quản lý chặt thị trường nước uống đóng chai, nhằm tạo minh bạch cho các doanh nghiệp sản xuất chân chính. Khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế nhấn mạnh, các địa phương cần lập danh sách những cơ sở hoạt động sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn; xây dựng kế hoạch, chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn theo quy định nhằm phát hiện sớm tình trạng ô nhiễm sản phẩm; cung cấp thông tin và cảnh báo kịp thời cho cộng đồng. Trước mắt, để bảo đảm sức khỏe, người tiêu dùng nên sử dụng các sản phẩm nước đóng chai, đóng bình đã được cơ quan chức năng kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, không sử dụng những sản phẩm không nhãn mác, không rõ nguồn gốc.