Vì một lòng yêu chung mang tên Hà Nội

Xã hội - Ngày đăng : 05:15, 13/06/2016

(HNM) - “Thành phố muốn có thêm nhiều đóng góp hơn nữa” - đó là khẳng định của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải sau 180 phút cùng lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố trực tiếp lắng nghe văn nghệ sĩ, trí thức Hà Nội chia sẻ, hiến kế xây dựng Thủ đô, tại buổi gặp mặt diễn ra sáng 11-6.

Trong số hơn 70 đại biểu văn nghệ sĩ, trí thức có mặt tại cuộc gặp, GS.AHLĐ Vũ Khiêu, một trí thức có nhiều đóng góp cho Hà Nội đã qua tuổi 100. Ông đến trong buổi sớm ấy với tâm huyết: "Tôi không thể vắng mặt vì đây là cuộc gặp gỡ đặc biệt cho thấy tinh thần của lãnh đạo thành phố thực sự cầu thị, muốn phát triển Thủ đô trên nền tảng kinh tế tri thức và văn hóa".

Thăng Long - Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử, từ khi đức vua Lý Công Uẩn ban chiếu dời đô từ Hoa Lư về chốn này, trải qua nhiều phen binh lửa, tới lúc hòa bình, vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa… vẫn luôn là nơi "bồi lắng phù sa" văn hóa, thu hút hiền tài. Đây cũng chính là hai yếu tố quan trọng hình thành nên khái niệm và các giá trị truyền thống nghìn năm văn hiến - anh hùng - hòa bình - hữu nghị, làm nên một Thăng Long - Hà Nội sừng sững những tầm cao.

Cuộc gặp gỡ của lãnh đạo thành phố nói trên không nằm ngoài việc nối mạch nguồn chung của tinh thần trọng dụng văn nghệ sĩ, trí thức; của sức hấp dẫn ngàn đời nay ở đất địa linh nhân kiệt, của quy luật hội tụ, kết tinh, lan tỏa ở nơi được xem là "trọng yếu để bốn phương sum họp" này.

Thực tế, hơn 3.000 văn nghệ sĩ Hà Nội thuộc 9 hội chuyên ngành như văn học, điện ảnh, âm nhạc, múa, sân khấu, hội họa, kiến trúc… trong suốt thời gian qua đã đồng hành cùng thành phố sáng tạo nhiều tác phẩm chất lượng, âm thầm bồi đắp các giá trị tinh thần của đất và người Hà Nội. Lực lượng trí thức với hơn 50 nghìn người hoạt động trên các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội cũng không chỉ hoạt động nghiên cứu mà còn tham gia tư vấn, phản biện xã hội đối với các vấn đề nóng của đô thị như giao thông, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới…

Một đặc điểm dễ nhận thấy, vì Hà Nội là trái tim của cả nước nên nhiều văn nghệ sĩ, trí thức của thành phố đồng thời là những tên tuổi đầu ngành của văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật của quốc gia. Hà Nội luôn mời gọi và trân trọng những văn nghệ sĩ, trí thức dù sinh hoạt ở đâu, nhưng là công dân Thủ đô hoặc có tấm lòng hướng về Thủ đô vào mọi hoạt động vì sự phát triển chung của thành phố.

Ví dụ tiêu biểu nhất, đúng như Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nêu là dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Trong đó giai đoạn I của dự án công bố kết quả năm 2010 đã cho thấy sức quy tụ mạnh mẽ một lực lượng đông đảo các chuyên gia tham gia vào hàng trăm Hội đồng khoa học chuyên ngành để biên soạn, xây dựng Tủ sách. Đặc biệt, giai đoạn II của dự án này cũng tiếp tục được thành phố phê duyệt khẳng định một chủ trương đúng đắn, cũng như hiệu quả của tinh thần hợp tác giữa Thành phố và đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức Hà Nội.

Có thể nói tinh thần tâm huyết của các văn nghệ sĩ, trí thức đã đồng hành cùng thành phố suốt chặng đường qua, cũng như các đại biểu có mặt tại buổi gặp gỡ đã gợi nhắc chúng ta về những "binh đoàn văn nghệ", các trí thức, nhà khoa học… từng góp sức cho Thủ đô và đất nước đi đến ngày hòa bình, dựng xây Thủ đô và đất nước.

Cùng tâm thế gặp nhau ở lòng yêu Hà Nội, sự đông vui, chân thành, tâm huyết của các văn nghệ sĩ, trí thức có mặt tại buổi gặp gỡ đã gợi nhắc chúng ta về những "binh đoàn văn nghệ", các trí thức, nhà khoa học… từng góp sức cho Thủ đô và đất nước đi đến ngày hòa bình, thống nhất non sông. Trước niềm cảm hứng ấy, với tinh thần trọng thị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chân thành bày tỏ: "Các đại biểu văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô dự cuộc gặp mặt hôm nay là những người đã, đang và sẽ có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô và đất nước".

Có thể nói, với vị trí đặc biệt quan trọng của mình, Hà Nội đang phát huy ngày càng tốt hơn vị thế, vai trò trách nhiệm của Thủ đô, xứng đáng là trung tâm chính trị hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế, giao dịch quốc tế của cả nước. Trải qua 30 năm đổi mới, Hà Nội đã đạt được những thành tựu lớn trên nhiều lĩnh vực, đời sống văn hóa tinh thần được cải thiện rõ rệt… Vai trò vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao.

Dễ thấy, có được những kết quả ấy cũng là nhờ các thế hệ lãnh đạo thành phố luôn nỗ lực duy trì lối ứng xử mang tinh thần văn hiến Thăng Long - Hà Nội; coi trọng những ý kiến, những phản biện tâm huyết, trách nhiệm của văn nghệ sĩ, trí thức trong việc xây dựng những quyết sách để giải quyết nhiều bài toán "đau đầu" như: Bảo tồn và phát triển, tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường cũng như việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân…

Tuy nhiên, trong xu thế vận động chung của thế giới, cả nước, thành phố đang phải đối mặt với nhiều khó khăn đặc thù trong quá trình phát triển với khối lượng công việc ngày càng lớn cùng những yêu cầu cấp bách. Tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số tăng cao, cơ sở hạ tầng quá tải… đang tạo áp lực lớn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Thủ đô.

Đại hội XVI Đảng bộ Hà Nội đã vạch rõ hướng đi, thể hiện qua 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá; trong đó có một nội dung quan trọng là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thách thức lớn, mục tiêu rõ ràng, tất phải có cách ứng xử phù hợp!

Bên cạnh việc xác định phải có quyết tâm chính trị cao nhất, sự cố gắng, nỗ lực, đoàn kết nhất trí trong Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các tầng lớp nhân dân Thủ đô…, thành phố nhấn mạnh hai chữ "đặc biệt" đối với vai trò đóng góp quan trọng của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức Hà Nội, nhất là trong việc phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao đang có và sẽ tiếp tục có.

Sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố trong cuộc gặp văn nghệ sĩ, trí thức sáng 11-6 là minh chứng cho tinh thần cầu thị ấy. Như Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải bày tỏ: "Thành phố muốn lắng nghe những đóng góp của văn nghệ sĩ, trí thức, nhất là những kế sách, giải pháp, sáng tạo phù hợp với Hà Nội". Không chỉ có 14 ý kiến phát biểu trực tiếp được ghi nhận mà lãnh đạo thành phố còn muốn văn nghệ sĩ tiếp tục dốc lòng hiến kế bằng văn bản, không chỉ hôm nay mà còn về sau.

Thước đo và lời đáp lại tinh thần cởi mở, cầu thị ấy chính là thái độ và chất lượng của các ý kiến đóng góp trực tiếp, cụ thể, nhiều bất ngờ của các đại biểu văn nghệ sĩ, trí thức. Những đóng góp mà Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã nhận định "đa phần xác đáng, khiến thành phố phải suy ngẫm. Trong đó có những giải pháp Hà Nội đang thực hiện, nhưng cũng có nhiều đóng góp hoàn toàn mới…".

Có thể kể đến quan điểm của nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội về việc Hà Nội phải là "Thủ đô nhân ái, thanh lịch, văn minh - làm đầu tàu cho cả nước"; những dự báo, đề xuất của Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn hay Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm về khuyến khích ứng dụng công nghệ xanh trong kiến trúc; xây dựng hệ thống thoát nước phải tương ứng với đô thị dự báo có 10 triệu dân; có tiêu chí đặc thù với một số địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới… Rồi ý kiến của PGS.TSKH Đặng Huy Huỳnh đề xuất các giải pháp khoa học và công nghệ để bảo tồn, sử dụng bền vững hệ sinh thái độc đáo của Hà Nội, hay ý kiến cụ thể của họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam về việc nên thêm nhiều biển chỉ đường khoa học thay vì treo quá nhiều băng rôn, khẩu hiệu… Tuy chưa thể đầy đủ hết, song thực sự văn nghệ sĩ đã tích cực hiến kế, từ những vấn đề vĩ mô có tính sống còn của thành phố đến những việc nhỏ nhưng tinh tế, hiệu quả vì một Thủ đô sáng - xanh - sạch - đẹp.

Đó là bởi những nhân tố tinh hoa, nhạy cảm và giàu tinh thần cống hiến ấy đã nhận ra những chuyển động suốt quá trình dài và đặc biệt là trong thời gian gần đây của thành phố. Những chuyển động tạo ra nhiệt năng đốt nóng bầu nhiệt huyết, khơi dậy mạch nguồn cống hiến của văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô.

Nhiều đại biểu gọi đây là một "Hội nghị Diên Hồng" của văn nghệ sĩ, trí thức Hà Nội; hay "một tín hiệu tích cực cho quá trình tiếp tục gắn kết, cảm nhận, hợp tác chặt chẽ giữa nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, nhà khoa học… với lãnh đạo Thủ đô"…

Con đường phát triển đi lên của Thủ đô và cả nước tất yếu sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức. Song, tinh thần cầu thị, trách nhiệm công dân sẽ luôn tạo ra cơ hội gặp nhau giữa đường lối lãnh đạo, chỉ đạo, tấm lòng, tình cảm thực sự của những người đứng đầu thành phố với đội ngũ nắm giữ các giá trị tinh hoa của Thủ đô, cả nước.

Tất cả vì một lòng yêu chung mang tên Hà Nội, giản dị như câu thơ Bằng Việt từng viết: "Bao từng trải về sau càng gắn liền ta lại/Thành phố của tình yêu tươi mới mãi/Nơi cuối cùng lắng lại hóa hồn tôi".

Cao Hải Giang