Những khu vực giàu có nhất thế giới: Châu Á “soán ngôi” Châu Âu
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:30, 12/06/2016
Theo Công ty Tư vấn quản lý và Chiến lược kinh doanh toàn cầu (BCG) của Mỹ, Châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ vượt Châu Âu trở thành khu vực giàu thứ hai trên thế giới. Báo cáo của BCG tổng hợp số liệu tài sản của khu vực tư nhân, bao gồm tiền mặt, tiền gửi và tài sản dưới hình thức cổ phiếu và trái phiếu, nhưng không tính bất động sản.
Số người giàu ở Châu Á gia tăng nhanh chóng. |
Nhật Bản là quốc gia duy nhất trong khối các nước phát triển có được sự tăng trưởng tài sản trong năm 2015 cao hơn tỷ lệ của năm 2014, đạt mức tăng 4%, hơn cùng kỳ năm trước 3%. Mức tăng ổn định này được cho là nhờ thị trường chứng khoán đất nước Mặt trời mọc ăn nên làm ra. Nhưng phần còn lại của Châu Á - Thái Bình Dương còn tăng trưởng mạnh hơn, khi tài sản của các hộ gia đình tăng 13% trong năm 2015, lên đến 37.000 tỷ USD, chủ yếu nhờ vào mức tăng thu nhập của cá nhân. Đây là khu vực duy nhất trên thế giới có nhịp độ tăng trưởng tài sản ở mức hai con số và dự đoán vẫn duy trì mức tăng hơn 10% cho tới năm 2020. Theo BCG, cứ đà này đến năm 2017, Lục địa già sẽ để mất vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng "khu vực giàu có nhất thế giới" vào tay Châu Á và đến năm 2020 Mỹ sẽ mất vị trí quán quân.
Cũng theo đánh giá trên, đến năm 2020 số triệu phú, tỷ phú đang nắm giữ 47% tài sản của thế giới sẽ tiếp tục giàu lên và nắm giữ đến 52% sau 4 năm nữa. Dù muốn hay không, tài sản của những người giàu có lại tiếp tục phình to ra. Những người giàu nhất trong số những người giàu - tức nhóm có tài sản trên 100 triệu USD - lại có mức tăng đáng kể là 7%, cao hơn cả năm trước đó. Đặc biệt trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, những trường hợp giàu có nhất lại còn tăng được tài sản của mình đến 21%. Số triệu phú gia tăng nhanh chóng tại các nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Trung Quốc và Ấn Độ, giúp cho giá trị tài sản của khu vực tư nhân trên toàn cầu tăng lên 168.000 tỷ USD. Hiện Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, "sở hữu" hơn 2 triệu triệu phú, tăng 27% trong năm 2015.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, số lượng tỷ phú mới ở Trung Quốc tăng vọt do những đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trong thời gian qua. Sự trì trệ của kinh tế toàn cầu, đồng USD tăng giá và giá dầu mỏ giảm mạnh là nguyên nhân khiến số lượng tỷ phú mới ở phần còn lại của thế giới quá nhỏ so với Trung Quốc.
Trong khi đó, số triệu phú tại Ấn Độ trong quý IV-2015 tăng 25%, lên 71.876 người. Nếu "quyền lực kinh tế" trên toàn cầu có phần dịch chuyển sang Châu Á - Thái Bình Dương thì ngược lại ở Lục địa già, năm 2015, tài sản của khu vực tư nhân chỉ tăng 4,3% lên 40.800 tỷ USD, do những bất ổn liên quan đến tương lai của Liên minh Châu Âu (EU) và sự đi xuống của giá cả hàng hóa gây sức ép lên các thị trường cổ phiếu và trái phiếu. BCG lưu ý trong trường hợp cử tri Anh bỏ phiếu rời EU, mức tăng tài sản của khu vực tư nhân ở Tây Âu sẽ càng chậm lại.
Trong những thập niên gần đây, Châu Á - Thái Bình Dương có những bước chuyển nhanh chóng, trở thành khu vực phát triển năng động nhất thế giới. Dù bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ, nhưng do đã được "tiêm vắc xin" từ sau cuộc khủng thoảng 1997-1998 nên châu lục này một lần nữa khẳng định sự năng động của mình. Hầu hết các nền kinh tế Châu Á đã phục hồi từ nửa sau năm 2009, trong khi nhiều nơi khác vẫn chìm trong khủng hoảng. Lịch sử chưa từng có sự biến đổi kinh tế nhanh chóng và rộng lớn như hiện nay. Do đó không quá khi nói rằng, sự trỗi dậy của Châu Á thật sự thay đổi cả thế giới và điều thần kỳ này có thể sẽ tiếp tục.