Mua sắm tài sản công tập trung sẽ tiết kiệm chi tiêu công, nâng cao hiệu quả quản lý
Xã hội - Ngày đăng : 06:00, 12/06/2016
Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Hà Minh Hải, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội để làm rõ hơn chủ trương này cùng những giải pháp sẽ triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố.
Ông Hà Minh Hải - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội. |
Bảo đảm chất lượng hàng hóa với giá mua thấp nhất
- Bộ Tài chính vừa có công văn yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung. TP Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện những chủ trương của Đảng, Nhà nước, ông có thể chia sẻ về ý tưởng thành lập Trung tâm MSTT tại Thủ đô Hà Nội?
- Mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung là một chủ trương xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg, ngày 26-2-2016, quy định về việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung. Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 35/2016/TT-BTC, ngày 26-2-2016, hướng dẫn việc triển khai mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung. Trên cơ sở đó, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Tài chính, phối hợp với các đơn vị liên quan, chủ động tham mưu cho UBND thành phố triển khai việc mua sắm công theo hình thức này.
Để triển khai MSTT, hiện nay có một số vấn đề cần làm ngay. Trước hết là ban hành danh mục tài sản MSTT và giao nhiệm vụ cho đơn vị có chức năng thực hiện. Hiện nay, trình tự MSTT được thực hiện trên cơ sở dự toán mua sắm tài sản được cấp có thẩm quyền giao. Các tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản, bao gồm các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội... có trách nhiệm lập danh sách các nhu cầu đăng ký mua sắm, gửi đơn vị được giao nhiệm vụ MSTT tổng hợp, lập kế hoạch mua sắm, lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản thuộc danh mục MSTT đã được UBND thành phố phê duyệt, ký thỏa thuận khung với nhà thầu được lựa chọn cung cấp tài sản. Trên cơ sở thỏa thuận khung, các đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản ký hợp đồng mua sắm với nhà thầu cung cấp (không bao gồm các tài sản thuộc chương trình ODA, nguồn viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, mua vắc xin phục vụ tiêm chủng). Sở Tài chính đang đề xuất UBND thành phố giao nhiệm vụ MSTT cho đơn vị có chức năng.
- Theo đánh giá của Bộ Tài chính, sau 5 năm thí điểm hình thức MSTT tại 23 bộ, ngành và địa phương, số tiền dự toán và số tiền thực tế mua sắm giảm hàng trăm tỷ đồng. Chất lượng hàng hóa mua sắm đầu vào tốt, giá thống nhất và quan trọng hơn là bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động mua sắm công. Ông có thể chia sẻ quan điểm về điều này?
- Việc thực hiện MSTT có những ưu điểm so với hình thức mua sắm hiện nay. Khi triển khai phương thức này, cơ quan chức năng sẽ thông qua một đơn vị đầu mối để tổ chức đấu thầu rộng rãi, nhằm MSTT một lượng lớn hàng hóa, dịch vụ cho nhiều cơ quan khác nhau. Do đó, sẽ lựa chọn được các nhà cung cấp tốt nhất, với chất lượng sản phẩm tối ưu, giá thành hợp lý, dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng bảo đảm hơn hình thức cũ.
Bên cạnh đó, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện MSTT sẽ ký thỏa thuận khung với nhà thầu được lựa chọn. Khi các cơ quan, đơn vị sử dụng tài sản có nhu cầu mua sắm, chỉ cần căn cứ vào thỏa thuận khung đã ký giữa nhà thầu được lựa chọn với đơn vị MSTT để ký hợp đồng trực tiếp. Điều này sẽ tiết kiệm được thời gian, nhân lực, chi phí so với việc phải tổ chức đấu thầu riêng lẻ từng đơn vị.
Ngoài ra, các thông tin về MSTT sẽ được công khai, từ nhu cầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu đến kết quả mua sắm, do đó sẽ bảo đảm tính minh bạch, thuận tiện cho công tác kiểm tra, giám sát phòng chống tham nhũng, lãng phí trong mua sắm công. Như vậy, có thể thấy nếu triển khai tích cực, tổ chức bài bản, việc MSTT sẽ góp phần tiết kiệm chi tiêu công, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Quản lý công sản: Công tâm, đúng quy định
- Vậy trước khi có chủ trương thành lập Trung tâm MSTT, công tác quản lý tài sản nhà nước nói chung và mua sắm công nói riêng đã được TP Hà Nội thực hiện như thế nào, nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và chủ trương tiết kiệm của Chính phủ, Bộ Tài chính cũng như UBND TP Hà Nội, thưa ông?
- Công tác quản lý tài sản nhà nước nói chung và mua sắm tài sản công nói riêng trong những năm qua luôn được thành phố quan tâm chỉ đạo. Việc đầu tư, xây dựng và mua sắm tài sản được thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch, định mức, tiêu chuẩn của Trung ương, của thành phố, được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm và quản lý, sử dụng theo quy định của Luật Ngân sách. Trình tự mua sắm tài sản bảo đảm thực hiện đúng quy định về đấu thầu và thực hiện báo cáo thống kê hằng năm. Việc quản lý, theo dõi, ghi chép trên sổ sách, tính giá trị hao mòn theo quy định, quy trình quản lý, theo dõi và xử lý tài sản cố định hiện hành của Nhà nước.
Ngoài ra, thực hiện quy định về công khai tài sản nhà nước, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, đoàn thể và các đơn vị trực thuộc được giao quản lý, sử dụng tài sản có Quy chế quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được giao, đúng chế độ quy định, bảo đảm tính công khai, dân chủ, minh bạch, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Về cơ bản, việc thực hiện chế độ báo cáo công khai tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước nghiêm túc, kịp thời.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, Sở Tài chính Hà Nội đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành các quyết định về quản lý công sản. Bên cạnh đó, Sở đã chủ trì, phối hợp với Tổ công tác liên ngành thành phố kiểm tra, rà soát các cơ sở nhà, đất chuyên dùng và quỹ nhà tầng 1 thuộc sở hữu nhà nước, nhằm rà soát, thống kê hiện trạng nhà, đất công, đất xen kẹt trên địa bàn.
- Tăng cường công khai minh bạch, phòng chống tham nhũng lãng phí và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý công sản là mục tiêu chính của đề án thành lập Trung tâm mua sắm tài sản. Song, việc hiện thực hóa mục tiêu này hẳn còn không ít việc phải làm. Với vai trò cơ quan tham mưu cho UBND thành phố trong lĩnh vực này, ông có thể chia sẻ một vài dự định Sở Tài chính sẽ thực hiện để công tác quản lý công sản được thực hiện một cách công tâm, đúng quy định pháp luật?
- Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND thành phố trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công, từ khâu lập, phê duyệt dự toán mua sắm đến mua sắm và quản lý, sử dụng tài sản. Sở Tài chính xác định, việc triển khai MSTT là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý tài sản công. Do đó, Sở Tài chính đang tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc tham mưu UBND thành phố triển khai chủ trương này.
Căn cứ các quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, ngày 26-6-2014 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và Thông tư số 34/2016/TT-BTC, ngày 26-2-2016, của Bộ Tài chính, công bố danh mục tài sản mua sắm tập trung, hiện nay, Sở Tài chính đang tổng hợp tình hình mua sắm tài sản, giai đoạn 2011 đến 2015, làm cơ sở đề xuất UBND thành phố ban hành danh mục tài sản thực hiện MSTT, trên nguyên tắc là tài sản hàng hóa có số lượng lớn, chủng loại phổ biến, đồng bộ, hiện đại (theo hình thức ký thỏa thuận khung).
Bên cạnh đó, để triển khai việc MSTT căn cứ quy định tại Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung, Sở Tài chính đang đề xuất UBND thành phố giao đơn vị có chức năng thực hiện việc MSTT (trừ thuốc) của TP Hà Nội.
Ngoài ra, Sở Tài chính tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý tài sản, nhằm phục vụ tốt hơn công tác quản lý công sản trên địa bàn thành phố.
Đúng quy định của Trung ương, phù hợp thực tiễn địa phương
- Tại cuộc họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính về việc thành lập Trung tâm mua sắm tài sản tập trung, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định sẽ công khai những khoản giảm giá, khuyến mãi, thậm chí cả khoản hoa hồng trong các hợp đồng mua sắm tài sản, nhằm bảo đảm công khai, minh bạch... Quan điểm của ông về chủ trương này ra sao?
- Chủ trương này phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg ngày 26-2-2016, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong cải cách thủ tục hành chính. Việc thực hiện theo phương thức MSTT, mức giá được cập nhật thường xuyên, công khai sẽ bảo đảm giá mua ở mức thấp nhất.
- Khi khởi động thực hiện một chủ trương mới cũng đồng nghĩa với việc xóa bỏ những suy nghĩ cũ, cách làm cũ và thường vấp phải khá nhiều khó khăn, thậm chí có những ý kiến không đồng thuận. Vậy Sở Tài chính đã có những bước chuẩn bị như thế nào, để vừa thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ, của Bộ Tài chính, vừa dung hòa linh hoạt cách làm mới và cũ trong công tác quản lý công sản?
- Để thực hiện chủ trương về mua sắm tài sản tập trung, yêu cầu sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành. Trong quá trình triển khai, Sở Tài chính đã và đang phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã; trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng tình hình triển khai mua sắm tài sản trong thời gian qua, nhằm đề xuất UBND thành phố các giải pháp thực hiện mua sắm tài sản tập trung theo các quy định của Trung ương, đồng thời phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Cùng với đó, Sở Tài chính đang tích cực, chủ động xây dựng, hoàn chỉnh các quy trình, thủ tục trong việc mua sắm tài sản tập trung; sẽ thực hiện việc công khai, minh bạch (tuyên truyền, hội thảo, phổ biến...) các quy trình, thủ tục trong việc mua sắm tài sản tập trung, tạo thuận lợi cho các đơn vị trong việc triển khai. Ngoài ra, đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục phối hợp, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện chủ trương này.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!