Tình trạng trẻ bị đuối nước dịp hè tại TP HCM: Cảnh báo rồi... vẫn thế!

Xã hội - Ngày đăng : 05:56, 12/06/2016

(HNM) - Kỳ nghỉ hè 2016 mới chỉ bắt đầu, nhưng những ngày qua đã liên tiếp xảy ra tình trạng trẻ bị đuối nước dẫn đến tử vong. Sau mỗi vụ việc như thế, tiếng chuông cảnh báo lại được gióng lên, nhưng rồi... vẫn thế khi số vụ đuối nước không hề thuyên giảm.


Chết đuối trong... nhà!

Đã một tuần trôi qua nhưng cái chết thương tâm của bé trai P.T.T chưa đầy 2 tuổi ngụ tại Quận 8, TP Hồ Chí Minh vẫn khiến người dân bàng hoàng. Người nhà bé T cho biết, trong một vài phút sơ suất của người lớn T đã một mình đi ra khỏi nhà và rơi xuống ao nuôi tôm gần đó. Dù được đưa ngay đến bệnh viện gần nhà để cấp cứu, sau đó chuyển về Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp tục điều trị nhưng bé đã tử vong sau 4 giờ nhập viện. Cùng ngày, một bé gái ở Đồng Nai mới 13 tháng tuổi bị đuối nước trong chính ngôi nhà của mình. Bé đã bò vào nhà vệ sinh nghịch xô nước và sau đó ngã vào xô... dẫn đến ngạt thở. Khi người nhà phát hiện thì bé đã tím tái. Bé đã ra đi sau 2 ngày được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Liên tục chứng kiến những trẻ em bị tai nạn đuối nước nguy kịch chuyển về, bác sĩ Đinh Tấn Phương, Phó khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho rằng, đây là hồi chuông cảnh báo cho các bậc phụ huynh về tai nạn đuối nước xảy ra với trẻ trong kỳ nghỉ hè. Trung bình mỗi năm Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhận điều trị nhiều ca tai nạn trẻ em do đuối nước, trong đó khoảng 20-30 ca chết đuối, chiếm 10% trẻ nhập viện. Từ đầu năm 2016 đến nay đã có 14 trẻ nhập viện vì đuối nước.

Điều đáng nói, tình trạng đuối nước trong chính ngôi nhà của mình được cảnh báo từ lâu nhưng vẫn tiếp tục xảy ra. Thời gian qua, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã cấp cứu nhiều trường hợp trẻ bị ngã vào xô nước trong nhà vệ sinh, hồ nuôi cá cảnh, hòn non bộ chứa nước và bể bơi trong nhà. Những tai nạn này chủ yếu xuất phát từ các gia đình thành phố và phụ huynh hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa.

Thiếu trầm trọng bể bơi

Theo các bác sĩ, đối với trẻ nhỏ chưa có khả năng tự bảo vệ thì người nhà phải giám sát kỹ. Còn với các trẻ lớn hơn thì dạy bơi là một trong những biện pháp hữu hiệu phòng chống đuối nước. Nhiều năm nay, việc phòng chống đuối nước cho học sinh được Bộ Giáo dục - Đào tạo quan tâm, nhưng việc triển khai dạy bơi trong nhà trường còn gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, vào kỳ nghỉ hè, trẻ vui chơi tự do, gia đình thiếu kiểm soát dẫn đến tình trạng trẻ bị đuối nước lại gia tăng.

Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều phụ huynh lo lắng đăng ký cho con đi học bơi trong hè này, nhưng không ít gia đình trì hoãn việc cho con học bơi vì hồ bơi quá tải, không bảo đảm vệ sinh. Chị Phan Thùy Sương, ngụ tại Quận 3, TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Tôi đăng ký cho hai cháu học lớp 5 và lớp 2 học bơi tại hồ bơi Kỳ Đồng, Quận 3, nhưng khi đến hồ bơi thì quá tải, trẻ phải chen chúc dưới nước đành dẫn cháu đi về để tìm địa điểm khác. Khắp các hồ bơi ở nội thành TP Hồ Chí Minh đều xảy ra trường hợp quá tải tương tự".

Sự lo lắng của chị Sương là hoàn toàn có cơ sở. Mới đây, Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra 38 hồ bơi công cộng trên địa bàn, trong đó chỉ 14 hồ được xếp loại tốt, 9 hồ thuộc loại trung bình và kém. Trước đó vào giữa năm 2015, Trung tâm Y tế dự phòng đã kiểm tra 146 hồ bơi công cộng tại trường học, chung cư và khách sạn và các điểm công cộng khác. Qua lấy 32 mẫu nước để kiểm nghiệm, thì có 18/32 mẫu không đạt tiêu chuẩn sinh hóa (chiếm 56%) có khả năng gây kích ứng, dị ứng da. Mặc dù, hồ bơi được Sở Y tế TP Hồ Chí Minh kết hợp cùng Sở Văn hóa - Thể thao phối hợp kiểm tra định kỳ, thế nhưng vẫn tồn tại hồ bơi kém chất lượng ngang nhiên hoạt động.

Trẻ em vùng nông thôn không được dạy bơi, trẻ em thành phố có điều kiện học bơi nhưng hồ bơi quá tải, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh là nỗi lo có thực. Câu hỏi đặt ra cho nhiều cơ quan chức năng, đến bao giờ trẻ em TP Hồ Chí Minh nói riêng, trẻ em Việt Nam nói chung mới có thể học kỹ năng sinh tồn trong tự nhiên, trong đó bơi lội là kỹ năng tối thiểu đã được nhiều quốc gia trên thế giới phổ cập giáo dục cho trẻ từ khá sớm?

Tuệ Diễm