Cơ hội khẳng định vị thế
Thế giới - Ngày đăng : 05:51, 12/06/2016
Thời hạn cuối cùng để 34 quốc gia thành viên của MTCR phản đối sự gia nhập của Ấn Độ đã kết thúc vào ngày 6-6 mà không có bất kỳ nước nào đưa ra phản bác. Bốn nhà ngoại giao giấu tên của MTCR khẳng định sự im lặng của các quốc gia thành viên MTCR là tín hiệu cho thấy New Delhi đã chính thức gia nhập cơ chế đa phương này. Trở thành thành viên thứ 35 của MTCR sẽ giúp Ấn Độ có quyền được tiếp cận các công nghệ tên lửa tiên tiến bậc nhất trên thế giới, cũng như mua thêm các máy bay giám sát không người lái hiện đại của Mỹ.
Tên lửa BrahMos của Ấn Độ có cơ hội xuất khẩu cho nhiều quốc gia. |
Là quốc gia trong nhóm "các nền kinh tế mới nổi" (BRICS), Ấn Độ có nền công nghiệp quốc phòng tương đối phát triển. Nước này đã làm chủ công nghệ sản xuất một số loại vũ khí do nước ngoài thiết kế; trong đó có máy bay MiG-27, xe tăng T-72, xe tăng Arjun, tiêm kích hạng nhẹ và trực thăng nhẹ tiên tiến... Đặc biệt, New Delhi đã chế tạo, thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo "Prithvi", "Agni-5" và đang tiếp tục nghiên cứu, phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (Agni-6) có khả năng mang từ 4 đến 6 đầu đạn hạt nhân, đồng thời có thể tiến công tiêu diệt các mục tiêu ở cự ly lên đến 6.000km. Nhờ thành tựu nội lực nổi bật trong công nghệ chế tạo tên lửa, Ấn Độ không chỉ ghi tên vào danh sách các quốc gia sở hữu tên lửa liên lục địa mà còn trở thành cường quốc "tên lửa" như lời tuyên bố của Tổng Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu - Phát triển quốc phòng Ấn Độ Vijay Kumar Saraswat. Quyết tâm hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng là một trong những hướng phát triển kinh tế của quốc gia Nam Á này trong nhiều năm qua…
Giới truyền thông quốc tế Mỹ nhìn nhận việc Ấn Độ luôn ưu tiên cho công nghiệp quốc phòng không chỉ nhằm cạnh tranh với láng giềng Trung Quốc trên thị trường xuất khẩu vũ khí. Sự kiện Ấn Độ gia nhập MTCR là cơ hội không thể tốt hơn để quốc gia này đẩy mạnh xuất khẩu hệ thống tên lửa hành trình tiên tiến cho nhiều nước, động thái phản ánh mối quan ngại của New Delhi trước sự lớn mạnh của Trung Quốc.
Thực tế, Ấn Độ không phải một bên trong tranh chấp trên Biển Đông, nhưng có biên giới đất liền với Trung Quốc. Những năm gần đây, sự hiện diện của quốc gia láng giềng trên Ấn Độ Dương đang làm gia tăng mối lo ngại. Đặc biệt, việc Bắc Kinh viện trợ quân sự cho Pakistan và tàu ngầm Trung Quốc cập cảng Sri Lanka đã khiến New Delhi cảnh giác. Dù các nhà lập pháp Ấn Độ cho rằng, hợp tác quốc phòng Mỹ - Ấn và một số nước có thể kéo theo phản ứng không mong muốn từ một số quốc gia. Nhưng, Thủ tướng N.Modi và các cố vấn cho rằng, quan hệ hợp tác quốc phòng mạnh mẽ với Mỹ hay Nhật Bản sẽ thực sự giúp Ấn Độ có vị thế trước đối thủ nếu có. Quan trọng hơn, New Delhi chắc chắn không thể không quan tâm đến các vấn đề liên quan đến Biển Đông bởi nước này có lợi ích lớn ở đây. Do đó, với tư cách là một cường quốc Châu Á, Ấn Độ không muốn từ bỏ vai trò tương xứng tại Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên. Cùng với sự phát triển kinh tế, New Delhi đã mạnh tay đầu tư cho quốc phòng, trở thành nước mua sắm vũ khí nhiều nhất thế giới trong 5 năm qua.
Bên cạnh đó, Ấn Độ đang nỗ lực chạy đua vào vị trí thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi hội đồng được mở rộng. Vì thế, sự ngang bằng với 5 cường quốc trong Hội đồng Bảo an hiện nay, gồm: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh và Pháp là cần thiết với New Delhi. Mặt khác, Ấn Độ cũng cần thể hiện là một quốc gia có trách nhiệm, có ảnh hưởng trong khu vực cũng như trên thế giới, nhất là khi sự phô trương sức mạnh của Trung Quốc khiến không ít nước lo ngại.
Như vậy, cơ chế đa phương MTCR đang đem đến cho Ấn Độ cơ hội mới để phát triển tiềm lực quốc phòng cũng như giúp mở rộng khả năng nước này tham gia Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG), vốn gặp nhiều khó khăn vì sự cản trở của Trung Quốc.