Bảo tồn thiên nhiên: Nhiệm vụ cấp thiết
Đời sống - Ngày đăng : 08:33, 11/06/2016
Tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã gia tăng đang làm suy kiệt tài nguyên đa dạng sinh học (ĐDSH), đe dọa sự sống còn của các loài động vật trên thế giới. Ở Việt Nam, diện tích rừng bị thu hẹp, nạn buôn bán động vật hoang dã diễn ra phức tạp. Vì vậy, bảo tồn thiên nhiên trở thành nhiệm vụ cấp thiết.
Theo thống kê, nước ta xếp thứ 16 trên thế giới về ĐDSH, với hệ sinh thái bao gồm gần 11.500 loài động vật, hơn 21.000 loài thực vật và khoảng 3.000 loài vi sinh vật… Tuy nhiên, UNEP đã chỉ rõ, hiện diện tích các khu vực có hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị thu hẹp dần. Số loài và lượng cá thể của các loài hoang dã suy giảm mạnh. Nhiều loài động, thực vật đã tuyệt chủng, 882 loài động, thực vật có giá trị suy giảm về số lượng, bị đe dọa tuyệt chủng ở mức cao. Theo ông Trần Trọng Anh Tuấn, Trưởng phòng Bảo tồn loài, Cục Bảo tồn ĐDSH, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), những áp lực chính tổn hại ĐDSH là thay đổi nơi cư trú; khai thác quá mức tài nguyên sinh vật; ô nhiễm môi trường; sinh vật ngoại lai xâm hại; biến đổi khí hậu.
Thực tế ở Việt Nam, việc chuyển đổi đất, đặc biệt đất rừng sang đất trồng cây công nghiệp, lương thực diễn ra hằng năm. Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng như đường, công trình đập thủy điện đã gây ra sự suy thoái, chia cắt, hình thành rào cản sự di cư và làm mất các sinh cảnh tự nhiên. Việc khai thác trái phép gỗ và lâm sản, đặc biệt săn bắn, buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã, cũng như khai thác thủy sản bằng các biện pháp hủy diệt, vẫn tồn tại là thách thức đối với các cơ quan quản lý, bảo tồn ĐDSH. Bên cạnh đó, các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, như xả chất thải chưa qua xử lý ra sông hồ, không khí đã gây ô nhiễm môi trường sống ở các thủy vực, kể cả một số vùng ven biển. Tình trạng di nhập các loài sinh vật ngoại lai vào nước ta vẫn chưa được kiểm soát, quản lý chặt chẽ và có các chế tài xử lý hiệu quả...
Tại hội thảo "Vai trò của Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong bảo tồn ĐDSH và bảo vệ các loài nguy cấp, quý hiếm tại Việt Nam", diễn ra đầu tháng 6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, bảo tồn ĐDSH cần nhận được sự quan tâm, ủng hộ và tham gia của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội, chứ không chỉ riêng cơ quan quản lý. Đặc biệt, sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội trong các hoạt động tuyên truyền, giám sát thực thi pháp luật sẽ góp phần thay đổi nhận thức, hành vi; khuyến khích người dân tham gia bảo vệ các loài động vật hoang dã, không sử dụng, tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã.
Để nâng cao hiệu quả tài nguyên ĐDSH, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị, đa dạng hóa nguồn tài chính, từ ngân sách nhà nước, từ nguồn tài trợ quốc tế và các nguồn thu khác. Trong đó, chú trọng huy động sự đóng góp của khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ cho nhiệm vụ này. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ ĐDSH trong đánh giá tác động môi trường và đánh giá môi trường chiến lược; tiếp tục nhân rộng các mô hình cộng đồng tham gia bảo tồn ĐDSH, như tuần tra, bảo vệ, giám sát ĐDSH tại các khu bảo tồn.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, định hướng đến năm 2020, Việt Nam giảm đáng kể các áp lực trực tiếp lên ĐDSH, nhằm bảo tồn, phục hồi và sử dụng hợp lý các hệ sinh thái, các loại sinh vật và nguồn gen. Các chương trình ưu tiên gồm: Quy hoạch ĐDSH, thiết lập hệ thống khu bảo tồn; bảo tồn các loại nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ... với các giải pháp về chính sách, tổ chức, phát triển nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ, hợp tác quốc tế, đầu tư, tài chính.