Khôi phục thương hiệu chè Long Phú

Kinh tế - Ngày đăng : 07:44, 11/06/2016

(HNM) - Từ những nương chè bị bỏ quên hàng chục năm, HTX Long Phú, xã Hòa Thạch (Quốc Oai) đã xây dựng thành công mô hình sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Vùng chè Long Phú đã trở thành vùng nguyên liệu lớn cung cấp cho nhiều doanh nghiệp chế biến cả nước.

Thu hái chè tại Hợp tác xã Long Phú, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai. Ảnh: Anh Tuấn


Theo chân Giám đốc HTX Long Phú Lê Đình Long đến thăm nương chè rộng hơn 10ha được sản xuất theo mô hình VietGAP mới thấy không khí tất bật của nông dân trồng chè. Ông Long cho biết, chè Long Phú vốn nổi tiếng một thời được xuất khẩu sang thị trường Đông Âu. Sau khi khối Đông Âu tan rã, việc tiêu thụ chè Long Phú trở nên khó khăn.

Đặc biệt, từ sau khi Công ty Chè Long Phú không thu mua chè cho nông dân thì sản xuất chè tại Long Phú gần như đình trệ. Nhiều năm trở lại đây, chè Long Phú sản xuất chủ yếu để phục vụ nhân dân địa phương dưới dạng chè tươi. Phần lớn các nương chè được trồng từ năm 1988 đến nay đã già cỗi, năng suất, chất lượng kém. Tuy nhiên, nghề trồng chè vẫn là nguồn thu nhập của người dân địa phương. Cách đây gần 3 năm, HTX Long Phú ra đời với 228 hộ trồng chè - tiền thân là công nhân Nhà máy Chè Long Phú với mục đích củng cố lại diện tích trồng chè.

Bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội cho biết: Vùng chè Long Phú vốn có truyền thống từ lâu nhưng do nhiều năm không được thâm canh, cải tạo nên chất lượng kém, hiệu quả kinh tế thấp. Thực hiện đề án "Phát triển sản xuất và tiêu thụ chè sạch an toàn của TP Hà Nội", năm 2014, Trung tâm phối hợp với UBND xã Hòa Thạch, HTX Long Phú triển khai mô hình sản xuất chè an toàn. Năm 2016, Trung tâm đã xây dựng thành công mô hình trồng mới, cải tạo giống chè già cỗi với diện tích 4ha và mô hình trồng 10ha sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Trương Văn Hồng, xã Hòa Thạch cho biết: Hạch toán kinh tế cho thấy, mô hình sản xuất chè VietGAP cho năng suất chè khô trung bình đạt 1,5 tấn/ha/năm, giá trị đạt 225.000 đồng/kg, cao gấp 1,5 lần so với chè sản xuất đại trà. "Điều quan trọng là khi tham gia mô hình, nông dân được hướng dẫn các khâu kỹ thuật, từ chăm sóc đến thu hái cũng như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; được hướng dẫn các biện pháp xử lý tránh tồn dư thuốc trừ sâu trên sản phẩm. Người trồng chè cảm thấy yên tâm, còn người thu mua thì hài lòng với chất lượng chè thương phẩm. Đây là thuận lợi để chúng tôi tiếp tục nhân rộng và sản xuất chè an toàn" - ông Hồng cho biết.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Chè Kim Anh, Long Phú hoàn toàn có thể phát triển trở thành vùng nguyên liệu lớn cung cấp cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất chè tại Thái Nguyên tìm nguồn nguyên liệu từ các vùng chè Hà Nội. "Nếu nông dân Long Phú cam kết sản xuất chè sạch, an toàn, có chứng nhận, Công ty sẵn sàng thu mua sản phẩm cho nông dân" - ông Nguyễn Quốc Anh khẳng định.

Ông Nguyễn Quang Thắm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cho biết: Toàn huyện có hơn 300ha sản xuất chè, Long Phú chiếm 180ha. Đến nay thương hiệu chè Long Phú dần được khôi phục trên thị trường qua mô hình sản xuất chè VietGAP. Hiện sản phẩm chè Long Phú hoàn thành các thủ tục để gửi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể, trong tháng 6 sẽ công bố. Đây không chỉ là thành công của HTX Long Phú mà còn là bước phát triển đột phá cho kinh tế huyện Quốc Oai nói chung và người trồng chè Long Phú nói riêng. 

Việt Phong