Thu hồi 76.000 tỷ đồng nợ thuế: Áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt
Tài chính - Ngày đăng : 07:31, 11/06/2016
Bên cạnh thực hiện các biện pháp thu thuế quyết liệt, ngành thuế còn triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm bảo đảm nguồn thu. Ảnh: Thanh Hải |
Phân loại rõ tiền nợ thuế và tiền phạt chậm nộp, kịp thời tháo gỡ khó khăn và động viên doanh nghiệp (DN) nộp dần nợ thuế vào ngân sách nhà nước (NSNN)… là những biện pháp sẽ được ngành thuế thực hiện trong những tháng cuối năm, nhằm bảo đảm số nợ thuế ở mức dưới 5% tổng thu NSNN.
Phân loại nợ thuế để có giải pháp cụ thể
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế cho biết, nợ thuế phải thu lên tới 76.000 tỷ đồng, trong đó số tiền nợ thuế từ 90 ngày trở lên là 36.729 tỷ đồng. Từ đầu năm tới nay, ngành Thuế đã đôn đốc, thu hồi 14.250 tỷ đồng nợ thuế của năm 2015 chuyển sang. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 10.990 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế là 3.260 tỷ đồng. Tuy nhiên, số nợ thuế tồn đọng, chưa thể thu hồi nộp NSNN còn rất lớn. Tính riêng danh sách nợ thuế đợt V năm 2016, do Cục Thuế TP Hà Nội vừa công bố trung tuần tháng 5, có 131 đơn vị đang nợ 255,3 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Thanh Xuân cho biết, DN nợ thuế có nhiều nguyên nhân. Khách quan là ảnh hưởng từ khó khăn kinh tế trong nước và thế giới, dẫn đến làm ăn thua lỗ, sản xuất đình đốn, sản phẩm hàng hóa tiêu thụ chậm; sự phục hồi chậm của thị trường bất động sản, chứng khoán, dự án thiếu vốn, thậm chí không bố trí được vốn… Nhưng bên cạnh đó, cũng có DN chây ỳ, có nguồn tiền, có dự án, vẫn cố tình dây dưa nợ thuế.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục Thuế quận Thanh Xuân đã đối thoại và thu thập thông tin từ người nộp thuế để từ đó tháo gỡ khó khăn với DN. Trường hợp vì lý do khách quan, cơ quan thuế hướng dẫn người nộp thuế lập hồ sơ gia hạn, xóa nợ thuế, không tính tiền chậm nộp theo quy định và giải quyết hồ sơ kịp thời. Trường hợp chây ỳ, cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế, trích tiền từ tài khoản người nộp thuế (với 72 đơn vị), thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng (với 24 đơn vị). Tổng số tiền nợ thuế thu được từ các biện pháp cưỡng chế từ đầu năm đến nay tại Chi cục Thuế quận Thanh Xuân là 10 tỷ đồng.
Ông Mai Sơn, Phó cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, để thu hồi khoản tiền nợ đọng thuế, Cục Thuế đã tìm hiểu tình hình sản xuất - kinh doanh của người nộp thuế, để xác định nguyên nhân nợ thuế. Từ đó, cơ quan thuế sẽ có giải pháp phù hợp với từng trường hợp cụ thể, vừa chia sẻ, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, sớm hoàn thành nghĩa vụ với NSNN, đồng thời áp dụng biện pháp quyết liệt với DN chây ỳ.
Loại bỏ bất cập để thu nợ hiệu quả
Công ty CP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) là một trong những đơn vị nợ tiền thuế đất đợt 4 năm 2016. Ảnh: Huy Hùng |
Theo tính toán của Tổng cục Thuế, 13 địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương còn tồn đọng số tiền nợ thuế là 55.951 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 73,6% tổng số tiền nợ thuế của cả nước. Để bảo đảm mục tiêu thu hồi nợ đọng thuế trong năm nay, Tổng cục Thuế đã giao chỉ tiêu thu hồi nợ thuế cho các địa phương để cân đối số thu NSNN từ nay đến cuối năm 2016. 13 cục thuế có điều tiết ngân sách về trung ương phải thu được ít nhất 19.500 tỷ đồng. Trong đó, TP Hà Nội sẽ phải thu hồi 6.720 tỷ đồng, TP Hồ Chí Minh 7.075 tỷ đồng, Đà Nẵng 468 tỷ đồng…
Tại chỉ thị về tăng cường chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2016 vừa ban hành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu, chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại và trốn thuế; tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế, phấn đấu số nợ thuế đến ngày 31-12-2016 không quá 5% so với số thực thu NSNN cả năm nay. |
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, để xảy ra tình trạng nợ đọng thuế kéo dài có phần do luật pháp chưa nghiêm, cơ chế giám sát, xử lý lỏng lẻo. DN nợ thuế, trốn thuế không bị xử lý nghiêm. Trong khi một bộ phận cán bộ thuế, những người thực thi pháp luật còn tiếp tay cho DN trốn thuế. Việc giao chỉ tiêu thu hồi nợ thuế cho từng cục thuế, nhất là những địa phương có số thu điều tiết về ngân sách trung ương, chưa phải là biện pháp hiệu quả, không thể thu thuế theo kiểu giao chỉ tiêu đồng loạt. Có những địa phương khó khăn, DN đã phá sản, sản xuất đình trệ, cơ quan thuế sẽ thu gì và lấy nguồn nào để thu?
Bên cạnh đó, biện pháp cưỡng chế nợ thông qua việc trích tiền từ tài khoản và thông báo hóa đơn của DN không còn giá trị sử dụng, thực tế cũng bộc lộ nhiều bất cập, khiến DN có thể lách luật. Theo quy định, trước khi thực hiện cưỡng chế, cơ quan thuế phải thông báo cho DN và tổ chức tín dụng trước 5 ngày. Trong khoảng thời gian này, DN hoàn toàn có thể chuyển tiền từ tài khoản đi nơi khác, khiến cơ quan thuế khó lòng thu hồi tiền nợ thuế.
Theo ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ngành Thuế đặt mục tiêu đến cuối năm 2016 sẽ đưa tỷ trọng nợ thuế có khả năng thu về dưới 5%, trên tổng thu ngân sách. Bên cạnh việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác cưỡng chế nợ thuế, cơ quan thuế sẽ phối hợp với cơ quan công an, xử lý kiên quyết các đối tượng chây ỳ. Ngành Thuế sẽ trình Thủ tướng Chính phủ, ban hành quyết định về việc dừng xuất cảnh đối với người nộp thuế còn nợ ngân sách. Tuy nhiên, việc tuyên truyền, phổ biến để người nộp thuế tuân thủ pháp luật, mới là giải pháp căn bản, nhằm hạn chế số nợ đọng thuế gia tăng.
Hà Nội: 322/655 đơn vị nộp 146,8 tỷ đồng nợ thuế (HNM) - Ngày 10-6, Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2016, sau 5 đợt công khai 655 đơn vị nợ thuế, phí và tiền sử dụng đất, đã có 322/655 đơn vị nộp trả 146,8 tỷ đồng. Bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, Cục Thuế TP Hà Nội tiếp tục công khai đợt VI năm 2016, danh sách 152 đơn vị nợ thuế, tiền thuê đất, với tổng số tiền 184,19 tỷ đồng. Trong đó, có 13 dự án nợ tiền thuê đất 35,13 tỷ đồng và 139 DN nợ thuế, phí 149,06 tỷ đồng (chi tiết danh sách các đơn vị nợ thuế được Cục Thuế đăng tải trên website: http://hanoi.gdt.gov.vn). Khánh Ly |