Xây dựng cơ chế hợp tác quốc tế về an ninh trên biển

Đối ngoại - Ngày đăng : 21:23, 10/06/2016

(HNMO)- Tin từ Bộ Ngoại giao, chiều 10-6, tại Hạ Long, Hội thảo Quốc tế với chủ đề “An ninh và Phát triển biển: Hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm Á-Âu” do Học viện Ngoại giao (DAV) và Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam tổ chức đã kết thúc tốt đẹp. Sau hai ngày làm việc, đã có hơn 20 tham luận và trên 250 ý kiến thảo luận đã được trình bày tại Hội thảo.


Bắt đầu ngày làm việc thứ hai, phiên thứ tư của Hội thảo đã xem xét cấu trúc an ninh khu vực và một số cơ chế quản lý hợp tác biển đa phương tiêu biểu trên thế giới và bài học áp dụng đối với khu vực. Các đại biểu chia sẻ nhu cầu cấp thiết xây dựng cơ chế hợp tác quốc tế về an ninh và an toàn trên biển ở Đông Á để phát huy vai trò kết nối của môi trường biển giữa các nước trong khu vực. Hội thảo khuyến nghị các nước trong khu vực cần tăng cường đối thoại về việc nâng cao năng lực, thiết lập hệ thống chia sẻ thông tin và xây dựng chương trình hành động chung giữa các nước, học hỏi từ những mô hình hợp tác, thực tiễn thành công trong khu vực như mô hình hợp tác nghiên cứu khoa học biển chung giữa Việt Nam và Philippines (JOMSRE) từ 1995 đến 2008 với mục tiêu tăng cường hiểu biết chung về biển cũng như để xây dựng lòng tin giữa hai nước.

Hội thảo nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có một cơ chế an ninh tập thể. Trong đó, bài học về mô hình an ninh tập thể ở châu Âu được thảo luận và đề xuất khả năng áp dụng ở châu Á. Tuy nhiên, một số đại biểu nhận định quá trình hình thành cơ chế an ninh tập thể cần có thời gian, thông qua trao đổi trực tiếp, liên tục và thực chất giữa các chủ thể liên quan, trong đó cần tận dụng vai trò của ASEAN và các cơ chế mà ASEAN là trung tâm hiện nay.

Hội thảo có hai tham luận đặc biệt của Giáo sư Erik Franck, Thành viên Toà trọng tài, Trưởng khoa Luật pháp Châu Âu và quốc tế, Đại học Tự do Bỉ và Tiến sĩ Raul C.Pangalangan, Thẩm phán Toà án Hình sự quốc tế tại The Hague, Hà Lan về kinh nghiệm tham gia, thực hiện Công ước luật biển quốc tế và giải quyết các tranh chấp biển quốc tế thông qua toà án và trọng tài. Theo Giáo sư Franck, ASEAN với tư cách là một tổ chức quốc tế có thể tham khảo mô hình của Liên minh Châu Âu (EU), trở thành một chủ thể của quan hệ quốc tế, một thành viên của Công ước của LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS). Theo hướng phát triển này, ASEAN sẽ hội nhập sâu hơn về luật pháp và sử dụng luật pháp là công cụ để thúc đẩy hợp tác và giải quyết tranh chấp.

Tại phiên thứ năm, các đại biểu tranh luận về cách thức áp dụng luật quốc tế và việc giải quyết các tranh chấp thông qua Toà Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước. Đại biểu Trung Quốc cho rằng Trung Quốc hoàn toàn có quyền từ chối tham gia Toà trọng tài thường trực thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS để xem xét vụ kiện của Philippines và sẽ không thực hiện phán quyết do Toà trọng tài đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc và đi ngược lại nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Đại biểu Trung Quốc cũng đưa ra các lập luận về nghĩa vụ đàm phán song phương, nghĩa vụ thành lập trọng tài mang tính khách quan, không thiên vị và nội dung của vụ kiện về phân định biển, một vấn đề Trọng tài không có thẩm quyền, để bác bỏ tính hợp pháp của trọng tài.

Tuy nhiên, các lập luận này đều không nhận được sự đồng tình của các đại biểu tại hội thảo. Ý kiến chung tại Hội thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước Luật biển nói chung và cơ chế giải quyết của Công ước nói riêng. Các đại biểu nhấn mạnh đến tính ràng buộc của Trọng tài theo Phụ lục VII. Bản thân Trọng tài đã có kết luận rất rõ ràng và bác bỏ các lập luận phản đối của Trung Quốc.Trung Quốc đã có cơ hội đóng góp vào sự khách quan và công bằng của Trọng tài nhưng đã từ chối tham dự.

Kết thúc Hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận về các đề xuất cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác về an ninh và phát triển trên biển. Điểm nhấn xuyên suốt của các phiên thảo luận của hội thảo là ý chí chính trị, các biện pháp xây dựng lòng tin và tôn trọng các quy tắc, chuẩn mực pháp lý quốc tế, tôn trọng lẫn nhau là chìa khoá để vượt qua những khác biệt về yêu sách chủ quyền, vùng biển, khoảng cách về năng lực ứng phó để hợp tác nhằm bảo vệ không gian biển, không gian sinh tồn chung của các quốc gia.

Đình Hiệp