Các nước Á-Âu chia sẻ kinh nghiệm về an ninh và phát triển trên biển
Đối ngoại - Ngày đăng : 21:11, 09/06/2016
Tham dự hội thảo có hơn 180 đại biểu tham dự Hội thảo, trong đó có gần 50 học giả quốc tế, đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, 130 học giả và đại biểu Việt Nam, cùng nhiều phóng viên trong và ngoài nước.
Trong bối cảnh môi trường an ninh biển thời gian qua vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, Hội thảo lần là cơ hội để học giả và quan chức chính phủ từ các nước châu Á và châu Âu thảo luận, chia sẻ khuôn khổ pháp lý, kinh nghiệm, biện pháp thúc đẩy hợp tác, ứng phó với các thách thức an ninh biển truyền thống và phi truyền thống.
Ở khía cạnh an ninh truyền thống, các đại biểu thảo luận kinh nghiệm, biện pháp quản lý và từng bước giải quyết các tranh chấp biển trong khu vực. Ở khía cạnh phi truyền thống, hội thảo là cơ hội để các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm, biện pháp tăng cường cơ chế phối hợp nâng cao nhận thức biển, đề xuất các mô hình hợp tác trong các lực vực chuyên ngành, xây dựng quy tắc ứng xử và thúc đẩy việc thực hiện và tôn trọng pháp luật quốc tế nhằm khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên phục vụ nhu cầu phát triển.
Phát biểu dẫn đề tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý nhận định: “Sự tồn tại dai dẳng của nhiều thách thức cũ và sự xuất hiện của nhiều vấn đề mới trong các không gian biển hiện nay không chỉ đòi hỏi chúng ta phải xây dựng nhận thức chung về lợi ích và các mối đe doạ chung, mà còn đặt ra nhu cầu chia sẻ kinh nghiệm và cách tiếp cận trong việc xử lý các mối quan tâm này. Khác biệt trong cách nhìn nhận về lịch sử không thể là lý do để ta tìm cách giải thích khác, phớt lờ hay thậm chí phá bỏ, viết lại nền tảng hệ thống luật quốc tế. Khoảng cách về trình độ phát triển không thể là cớ để chúng ta khoanh tay trước những thách thức đòi hỏi để ứng phó với không gian sinh tồn chung đang bị đe doạ.”
Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Ngày hôm nay, hơn bao giờ hết các vấn đề an ninh biển và khuôn khổ luật pháp quốc tế về Luật Biển có vai trò quan trọng trong việc duy trì hài hoà và hoà bình ở Đông Nam Á. Trên thế giới, vấn đề lớn hơn là giải quyết các thách thức mới đang đặt ra với cộng đồng của các quốc gia bình đẳng chủ quyền, đồng thời tuân thủ và thực thi các quy tắc chung, tôn trọng lẫn nhau, đảm bảo hoà bình ổn định trong một thế giới toàn cầu hoá.
Ngày đầu tiên của Hội thảo gồm ba phiên với 7 tham luận và gần 150 ý kiến thảo luận về các biện pháp để đối phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống trên biển cũng như các cơ chế quản lý biển. Các diễn giả tiếp cận các diễn biến gần đây ở Biển Đông và Hoa Đông từ nhiều khía cạnh khác nhau, từ quốc phòng, ngoại giao, kinh tế tới luật pháp, nhằm tìm kiếm các cơ hội và ý tưởng về quản trị chung và thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia có liên quan trực tiếp đến tranh chấp.
Trong phiên thứ nhất của Hội thảo về các thách thức an ninh truyền thống trên biển, ý kiến chung cho rằng trật tự quốc tế, an ninh, an toàn trên biển cần tiếp tục được duy trì và cải thiện, trong đó Công ước của Liên hợp quốc (UNCLOS), được coi là Hiến pháp Biển, cần được tất cả các bên tôn trọng. Các đại biểu cũng bày tỏ mong muốn các nước liên quan hành động có trách nhiệm trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đóng góp lớn hơn, thiết thực hơn vào việc duy trì hoà bình, ổn định tại khu vực. ASEAN có vai trò quan trọng trong việc định hình kiến trúc an ninh ở khu vực, là diễn đàn quan trọng để thảo luận vấn đề Biển Đông, xây dựng các cơ chế để quản lý và kiểm soát các tranh chấp biển. Hội thảo cũng nhấn mạnh về nhu cầu cần gác lại các tranh chấp về chủ quyền để tập trung vào việc quản lý các tình huống khủng hoảng và thúc đẩy các hợp tác thực chất để xây dựng lòng tin. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng Bộ Quy tắc về Ứng xử ở Biển Đông (COC) là vô cùng cần thiết.
Một đề xuất đáng chú ý tại Hội thảo là các nước ASEAN có chung lý tưởng cần thay đổi cách tiếp cận, tập trung hơn trong việc thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên biển trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trong đó, quản lý bền vững, bảo vệ nguồn cá và đa dạng sinh hoạt biển được nhìn nhận là những lĩnh vực có tiềm năng hợp tác vì ba lý do quan trọng: hải sản là nguồn thực phẩm quan trọng đối với các nước; đánh bắt cá là nguồn tạo thu nhập chính cho đa số các cộng đồng cư dân sinh sống ven biển; môi trường biển bị đe doạ và nguồn cá đứng trước nguy cơ cạn kiệt và khó thể phục hồi.
Phiên thứ hai của Hội thảo phân tích các thách thức an ninh phi truyền thống nghiêm trọng mà khu vực phải đối mặt, gồm có đánh bắt cá bất hợp pháp, buôn bán người, cướp biển và ô nhiễm môi trường biển. Theo các học giả, đa số các vấn đề an ninh phi truyền thống trên biển về bản chất là là những vấn đề xuyên quốc gia, thường xuất phát trừ các động cơ kinh tế. Từ đó, ý kiến chung tại Hội thảo nhấn mạnh các nước liên quan cần phải áp dụng cách tiếp cận toàn diện để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ từ khía cạnh kinh tế và xã hội. Bên cạnh đó, các quốc gia tăng cường sự phối hợp và thực thi qua việc tham gia và thực hiện các công ước quốc tế, tăng cường chia sẻ thông tin, và xây dựng các chương trình hợp tác cụ thể.
Tại phiên thứ ba, phiên cuối cùng trong ngày đầu tiên, các đại biểu chia sẻ chính sách quốc gia và kinh nghiệm về việc kết hợp khai thác tài nguyên với bảo vệ môi trường biển theo hướng phát triển bền vững. Đặc biệt, thực tiễn của Liên minh châu Âu (EU) cho thấy môi trường biển được quản lý hiệu quả bởi một hệ thống pháp luật nhiều tầng nấc: luật quốc tế, luật liên minh châu Âu và luật quốc gia. Sự thành công này bắt nguồn từ việc các nước thành viên EU chia sẻ nhận thức chung về sự cần thiết phải phát triển bền vững, sẵn sàng nhượng một phần “chủ quyền quốc gia”, cho phép các cơ quan liên quan của EU xây dựng và thực thi một hệ thống quản lý tài nguyên bền vững chung cho toàn bộ khu vực.
Điểm nhấn xuyên suốt của các phiên thảo luận trong ngày thứ nhất của hội thảo là ý chí chính trị, các biện pháp xây dựng lòng tin và tôn trọng các quy tắc, chuẩn mực pháp lý quốc tế, tôn trọng lẫn nhau là chìa khoá để vượt qua những khác biệt về yêu sách chủ quyền, vùng biển, khoảng cách về năng lực ứng phó để hợp tác nhằm bảo vệ không gian biển, không gian sinh tồn chung của các quốc gia.