Bộ Công thương: Năm 2016, nhập siêu nằm trong mức kiểm soát

Kinh tế - Ngày đăng : 14:17, 09/06/2016

(HNMO) - Tháng 5, nhập siêu đã trở lại với mức khoảng 400 triệu USD, bằng 2,7% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, năm 2016 Việt Nam sẽ tiếp tục nhập siêu với mức nằm trong mức kiểm soát.


Ngày 9/8, Bộ Công thương cho biết, nhập siêu tháng 5 ước 400 triệu USD, bằng 2,7% kim ngạch xuất khẩu (KNXK). Mặc dù vậy, tính chung 5 tháng đầu năm 2016, Việt Nam vẫn xuất siêu khoảng 1,36 tỷ USD.

Cán thương mại hiện đang có thặng dư bằng khoảng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo Bộ Công thương, với việc nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu phục vụ xây dựng các cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất còn cao; hơn nữa, việc nước ta tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do, thu hút vốn đầu tư cả trong nước và nước ngoài của Việt Nam sẽ tăng, từ đó phát sinh nhu cầu nhập khẩu các thiết bị, máy móc công nghiệp để mở mang sản xuất, đón đầu tận dụng các lợi thế ưu đãi của các Hiệp định mà nước ta đã, đang và chuẩn bị tham gia.

(Ảnh minh họa,nguồn: Internet)


Do vậy, “năm 2016 Việt Nam tiếp tục nhập siêu với mức nhập siêu nằm trong kiểm soát dưới 5% tổng KNXK”, Bộ Công thương dự báo.

Theo số liệu thống kê của cơ quan quản lý này, tháng 5 KNXK ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng 4 và tăng 7% so với tháng 5/2015. Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 10,14 tỷ USD, tăng 1,7% và 9%. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, KNXK ước đạt 67,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, tương đương với tăng 4,187 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng trưởng khoảng 8,6% so với cùng kỳ năm 2015, tuy tăng trưởng của nhóm này không cao so với cùng kỳ nhưng xuất khẩu của nhóm vẫn giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung. Các mặt hàng trong nhóm công nghiệp chế biến tăng, tập trung vào một số mặt hàng như: điện thoại các loại và linh kiện, sản phẩm nội thất, kim loại thường, đồ chơi, dụng cụ thể thao, máy móc, thiết bị phụ tùng...

Nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản xuất khẩu có mức giảm sâu (giảm 42,4%) là yếu tố chính góp phần khiến cho KNXK của cả nước tăng trưởng thấp hơn so với mức tăng trưởng của cùng kỳ năm ngoái.

Khu vực FDI tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng xuất khẩu. Các mặt hàng có kim ngạch lớn và có tốc độ tăng trưởng cao đều do sự đóng góp chủ yếu của các doanh nghiệp FDI gồm: sản phẩm gỗ, điện thoại các loại và linh kiện…

KNXK 5 tháng đầu năm ước đạt khoảng 37,9% kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ giao. Mặc dù những tháng đầu năm chưa phải thời điểm và mùa vụ xuất khẩu đối với một số hàng nông sản cũng như hàng công nghiệp chế biến, chế tạo nhưng Bộ Công thương cho rằng, để đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra (tăng 10%), trong các tháng tiếp theo, cần phải nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, thị trường, tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do mới để khai thác sâu hơn các thị trường xuất khẩu truyền thống và phát triển các thị trường mới, thị trường tiềm năng.

Về nhập khẩu, tháng 5 kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hóa ước đạt 15 tỷ USD, tăng 6,6% so với tháng 4 và tăng 0,9% so với tháng 5 năm 2015. Tính chung 5 tháng đầu năm, KNNK ước đạt 66,3 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Nhập khẩu giảm chủ yếu là do giá dầu thô giảm, dẫn đến giá nhập khẩu của các nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, phân bón, sắt thép, chất dẻo nguyên liệu, lúa mì, ngô… giảm.

Thanh Hương