Nỗi thống khổ của người bạch tạng bị săn làm 'thuốc' ở châu Phi

Xã hội - Ngày đăng : 09:30, 09/06/2016

Hình ảnh con trai 9 tuổi bị chặt đầu để bán cho bác sĩ phù thủy vẫn thường trực trong tâm trí người mẹ trẻ Edna Cedrick ở Malawi.

Người mẹ trẻ Edna Cedrick và một trong hai đứa con song sinh mắc bệnh bạch tạng may mắn còn sống sót. Ảnh: AP


Theo AP, số lượng người bạch tạng tử vong do bị giết hoặc bắt cóc đang tăng lên chóng mặt trong tháng 2 năm nay ở đất nước Malawi, phía nam châu Phi. Bộ phận cơ thể của các nạn nhân này sẽ được bán cho kẻ hành nghề phù thủy để chế "thuốc" với hy vọng đem lại sự giàu có và may mắn.

Chồng Edna Cedrick đã mất, để lại cô một mình nuôi hai đứa con trai song sinh mắc bệnh bạch tạng. Cô đau đớn kể lại vụ bắt cóc cậu con trai 9 tuổi vào tháng trước. Cedrick thức giấc vì nghe thấy tiếng người cạy cửa lúc nửa đêm.

"Trước khi tôi kịp hiểu điều gì đang diễn ra thì bọn chúng đã cắt màn và túm lấy một đứa. Tôi cố sức kéo con đồng thời lấy lưng che cho đứa còn lại", Cedrick vừa khóc vừa nói.

Giằng co hồi lâu, một kẻ dùng dao rựa đập vào trán Cedrick.

"Tôi choáng váng và không còn giữ nổi con nữa. Bọn chúng mang thằng bé đi. Tôi hét lên cầu cứu, nhưng khi người nhà đến nơi thì bọn chúng đã biến mất", người mẹ 26 tuổi nói.

Em song sinh luôn hỏi về anh của mình nhưng Cedrick chỉ biết nói dối rằng cậu bé sẽ sớm quay về.

Fletcher Masina, một bệnh nhân bạch tạng 38 tuổi, vừa bị sát hại hôm 23/5. Thi thể nạn nhân được tìm thấy trong tình trạng mất tay chân.

Razik Jaffalie, người cha 31 tuổi ở Machinga, quyết định bỏ việc để bảo vệ con trai 3 tuổi bị bạch tạng.

"Bất cứ kẻ nào muốn cướp con tôi sẽ phải giết tôi trước", Jaffalie tuyên bố.

Mina Godfrey, bệnh nhân bạch tạng 13 tuổi, suýt chút nữa cũng mất mạng trong tay kẻ bắt cóc là chú ruột.

"Cháu đang ngủ say thì bỗng thấy mình ở bên ngoài nhà trong bộ dạng khỏa thân. Trời lúc đó đổ mưa. Cháu hét lên thì bị chú tóm cổ đến ngạt thở", cô bé nói.

Godfrey cố gắng chạy trốn nhưng không thành. Cô bé bị trói chặt vào chiếc xe đạp tên bắt cóc dùng để chở em.

"Khi tới điểm dừng tiếp theo, họ cởi trói cho cháu để thương lượng giá với người mua trước khi di chuyển. Cháu nắm lấy cơ hội, cố chạy trốn một lần nữa", Godfrey kể.

Cô bé chạy tới một ngôi nhà gần đó và ngồi ở đấy cho đến sáng lúc chủ nhà tỉnh dậy và phát hiện.

Các vụ buôn bán bộ phận cơ thể ngày một gia tăng do nhiều người châu Phi tin rằng xương của người bạch tạng chứa vàng. Một số người khác còn cho rằng quan hệ tình dục với bệnh nhân bạch tạng có thể chữa khỏi HIV. Ngoài ra, người mắc bệnh bạch tạng cũng thường bị phân biệt đối xử nặng nề, kể cả trong gia đình.

Ít nhất 18 người bạch tạng đã bị sát hại kể từ tháng 11/2014. 5 người khác bị bắt cóc mà vẫn chưa rõ tung tích. Tuy nhiên, con số thực tế thậm chí còn lớn hơn vì nhiều vụ giết người tại các vùng nông thôn không được trình báo.

Cảnh sát Malawi ghi nhận nhiều vụ khai quật mộ bệnh nhân bạch tạng để lấy thi thể đem bán. Theo cảnh sát, tình trạng này ngày càng gia tăng sau khi quốc gia láng giềng Tanzania áp đặt các biện pháp cứng rắn trước tệ nạn tương tự ở đất nước họ từ tháng 1/2015.

Hai bác sĩ đang đo chiều dài để làm tay giả cho Masanja, 17 tuổi, người Tanzania ở bệnh viện Trẻ em Shriners tại Philadelphia, Mỹ tháng 6.2015. Ảnh: AP


Nhiều người đã biểu tình yêu cầu chính phủ Malawi xử phạt nghiêm khắc những kẻ tấn công hoặc giết hại người mắc bệnh bạch tạng. Chủ tịch Quốc hội Peter Mutharika đã thành lập ủy ban điều tra về tệ nạn này.

"Ở các vùng nông thôn, nơi tệ nạn này đang lan rộng, chúng tôi không đủ lực lượng để ngăn chặn", một cảnh sát huyện Machinga cho biết.

"Đã đến lúc chính phủ Malawi phải thức tỉnh và thôi giả vờ rằng vấn đề đã được giải quyết", Deprose Muchena, giám đốc tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) khu vực miền nam châu Phi kết luận. 

Theo VnExpress