Điều chỉnh phù hợp với lộ trình tăng học phí

Giáo dục - Ngày đăng : 07:20, 09/06/2016

(HNM) - Sau nhiều năm thực hiện với mục đích hỗ trợ một phần chi phí học tập của học sinh, sinh viên (HSSV), chính sách cho vay tín dụng đã đem lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện tín dụng HSSV cần có sự điều chỉnh để phù hợp với lộ trình tăng học phí cũng như để đáp ứng được mục tiêu mang tính nhân văn của chương trình.

Học sinh, sinh viên cần được hỗ trợ nhiều hơn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: Trần Việt


Còn tâm lý ngại vay vốn

Chương trình tín dụng HSSV được thực hiện từ năm 2007, đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần tạo động lực học tập cho nhiều HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Kết quả khảo sát của một số trường đại học khối kinh tế cho thấy, có 43% số SV được hỏi cho rằng chương trình có ý nghĩa khuyến khích việc học tập. Điều này cũng được thể hiện qua con số thống kê, theo đó, 63% số HSSV vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội có kết quả học tập khá, giỏi.

Tuy nhiên, theo ThS Trần Thị Minh Trâm (ĐH Công nghiệp Hà Nội), khả năng tiếp cận với nguồn tín dụng của HSSV vẫn còn hạn chế. Trong số các em có hoàn cảnh khó khăn, nằm trong diện được vay và có nhu cầu vay vốn, tỷ lệ vay vốn chỉ chiếm 34%. Như vậy, còn tới 66% số HSSV chưa được vay vốn dù thuộc nhóm đối tượng đủ điều kiện vay. Một trong số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là nhiều HSSV chưa biết đến sự hiện diện của chương trình tín dụng. Khi được hỏi, chỉ có khoảng 10% HSSV cho biết có nắm rõ thông tin, quy định của chương trình này.

Theo quy định về chương trình tín dụng HSSV của Ngân hàng Chính sách xã hội, khoản vay đứng tên SV và chính những SV đó phải là người hoàn vốn vay chứ không phải là cha mẹ hay người bảo lãnh. Tuy nhiên, do gia đình thường đứng ra thực hiện các thủ tục đi vay nên nhiều HSSV nghĩ rằng bố mẹ mình mới là người phải trả nợ khoản vay đó. Điều này dẫn tới tình trạng khi tới hạn trả nợ, nhiều SV không trả, ỷ lại vào bố mẹ, khiến ngân hàng không kịp thu hồi nợ, khó xoay vòng nguồn vốn để bảo đảm chương trình.

Cơ cấu cho vay tín dụng HSSV hiện có sự chênh lệch lớn giữa các hệ đào tạo. Thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội cho thấy, dư nợ cho vay lớn nhất hiện thuộc về nhóm học đại học và cao đẳng, chiếm 70% tổng số HSSV vay vốn. Nhóm HSSV trung cấp chiếm 23,7%. Chỉ có 6,7% số người vay vốn thuộc nhóm đối tượng học nghề trên dưới một năm. Tại các trường trên địa bàn Hà Nội, các nhóm cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề chỉ chiếm 3% trong tổng số HSSV vay vốn. Lý giải cho tình trạng này, ông Dương Đức Lân, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết: Nhóm HS học nghề có hoàn cảnh khó khăn nhất nhưng khả năng kiếm được việc làm để có thể trả nợ ngân hàng của nhóm này lại hạn chế so với nhóm học đại học hay cao đẳng. Đó có thể là lý do dẫn đến tâm lý ngại vay vốn.

Đề xuất mức vay 2.000.000 đồng/tháng

Từ khi bắt đầu thực hiện chương trình, mức cho vay tín dụng HSSV đã được điều chỉnh nhiều lần. Ở thời điểm khởi đầu, mức này là 800.000 đồng/tháng. Hai năm sau, mức vay được tăng thành 860.000 đồng/tháng, rồi lên 900.000 đồng/tháng vào năm 2010. Gần đây nhất là từ ngày 1-8-2013, mức cho vay tối đa được nâng lên 1.100.000 đồng/tháng cho mỗi HSSV. Mặc dù liên tục được điều chỉnh tăng nhưng mức vay vẫn được cho là thấp, chỉ đáp ứng được khoảng 30% chi phí học tập của HSSV tỉnh xa theo học tại các thành phố lớn.

Theo tính toán, tương ứng với mức vay 800.000 đồng/tháng vào năm 2007, với chỉ số lạm phát sau 9 năm, thì mức vay tương đương vào năm 2016 phải là hơn 1.700.000 đồng. Ngoài ra, theo lộ trình tăng học phí đã được Chính phủ phê duyệt, mức trần học phí được quy định tại các trường công lập tăng dần hằng năm khoảng 10%. Mức trần này, đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên, năm học 2016-2017, tùy từng khối ngành là 670.000 đồng, 790.000 đồng và 970.000 đồng/tháng.

Như vậy, đối với SV theo học tại các trường công lập thì mức vay tối đa 1.100.000 đồng/tháng chỉ giúp trang trải được một phần chi phí sinh hoạt và học phí ở mức thấp. Còn đối với SV theo học ở các trường ngoài công lập có mức học phí khá cao, mức vay đó chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu học phí mà thôi.

Theo ThS Trần Thị Minh Trâm, nhiều HSSV, phụ huynh và cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính đã có ý kiến đề nghị điều chỉnh mức cho vay lên 2 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, chương trình cần tiếp tục gia hạn nợ đối với những HSSV chưa tìm được việc làm, chưa có khả năng trả nợ trong khi gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn. Đồng thời, các trường cũng cần hỗ trợ việc thu hồi khoản vay cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngoài ra, việc xây dựng cơ chế thưởng cho HSSV có thành tích cao trong học tập, gắn trách nhiệm của họ với lợi ích vật chất... có thể sẽ khắc phục được tâm lý ỷ lại vào Nhà nước, tạo động lực cho HSSV vươn lên thoát nghèo. 

Khánh Vũ