Món khoái khẩu nguy hiểm
Xã hội - Ngày đăng : 06:04, 09/06/2016
Không mát, không bổ, không an toàn
Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2015 nước ta ghi nhận 96 ca mắc liên cầu khuẩn, trong đó có 13 ca tử vong (tăng 51 ca mắc và tăng 5 trường hợp tử vong so với năm 2014). Còn tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới trung ương, từ đầu năm 2016 đến nay, Khoa Cấp cứu đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 30 bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Đặc biệt, trong 2 tháng gần đây, khi miền Bắc bắt đầu nắng nóng, số ca nguy kịch, tử vong vì bệnh này đang có chiều hướng gia tăng. Hầu hết đều có nguyên nhân ăn tiết canh, thịt sống cũng như ăn uống chưa bảo đảm vệ sinh...
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, BV mới tiếp nhận bệnh nhân Đỗ N.L. (67 tuổi ở Phú Thọ), nhập viện trong tình trạng nguy kịch do sốc nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tử vong. Qua khai thác thông tin từ người nhà bệnh nhân, ông L. vốn rất thích ăn tiết canh, lòng lợn. Trước thời điểm nhập viện 2 ngày, ông L. ăn tiết canh ở quán gần nhà. Một ngày sau ăn, ông bị sốt cao, đau đầu, nôn, ý thức lơ mơ, nổi nhiều ban tím vùng mặt, vành tai, đùi và cẳng chân. Khi cấp cứu tại BV Đa khoa Phú Thọ, ông được chẩn đoán sốc nhiễm liên cầu khuẩn lợn nên đã được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới trung ương. "Lợi chưa thấy đâu, nhưng không ít người đã phải nhập viện, tốn kém hàng trăm triệu đồng chữa trị, thậm chí mất mạng chỉ vì món tiết canh" - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nói.
Tác nhân gây bệnh liên cầu khuẩn lợn là một loại vi khuẩn có tên là Streptococcus suis (S.suis). Vi khuẩn này thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là xoang mũi, tai, hầu họng lợn. Tuy nhiên, vi khuẩn cũng có thể có trong đường tiêu hóa và đường sinh dục lợn. Trong một đàn lợn khỏe cũng có một tỷ lệ nhất định cá thể lợn mang vi khuẩn. Khi lợn bị ốm, sức đề kháng suy giảm, liên cầu khuẩn mới gây viêm phổi hoặc nhiễm trùng huyết. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cảnh báo, ở những con lợn khỏe mang liên cầu khuẩn, khi cắt tiết ở vùng cổ, vi khuẩn liên cầu khu trú ở dịch hầu họng lợn bị nhiễm sang tiết canh nên người ăn bị bệnh. Cũng có thể, cuống họng được dùng để đánh tiết canh chưa được nấu chín có chứa liên cầu khuẩn, nên người ăn bị nhiễm. Trong máu của gia súc, gia cầm kể cả những con khỏe mạnh đều chứa rất nhiều vi rút, vi khuẩn gây bệnh. Chưa kể quá trình cắt tiết, vi khuẩn ở đường hô hấp, da, lông dễ dàng xâm nhập vào máu. Đó là lý do tại sao, có những gia đình tự nuôi lợn, thấy lợn rất khỏe mạnh, nhưng khi ăn tiết canh vẫn mắc liên cầu khuẩn.
Không nên ăn bất kỳ loại tiết canh nào
Không chỉ tiết canh lợn mà tiết canh dê, vịt, ngan… đều là món ăn có thành phần máu tươi của động vật, chứa nhiều mầm bệnh. Tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương đã có bệnh nhân sau khi ăn tiết canh dê phải nhập viện điều trị cả tháng trời.
Bình thường nấu chín thức ăn ở nhiệt độ 100 độ C, vi khuẩn liên cầu lợn mới bị tiêu diệt. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, bệnh liên cầu khuẩn lợn không chỉ lây qua đường tiêu hóa như ăn phải thịt, nem chạo, tiết canh chưa được nấu chín, mà còn lây qua cả đường tiếp xúc. "Một bát tiết canh chỉ hơn chục nghìn đồng, nhưng khi người ăn mắc bệnh ở thể nặng phải nằm viện điều trị từ vài tuần đến vài tháng với chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng. Nếu bệnh nặng có thể tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh như ngớ ngẩn, mất trí nhớ, liệt, phải cắt bỏ chi…" - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, các loại thức ăn tươi sống, tiết canh gia súc, gia cầm là nguyên nhân hàng đầu gây ra dịch bệnh nguy hiểm: Các bệnh đường tiêu hóa, nhiễm trùng máu, hoại tử tay, chân… Ngoài dịch tiêu chảy cấp, ăn tiết canh gia súc, gia cầm còn là nguyên nhân mắc bệnh cúm A/H5N1 ở người. Hầu hết người mắc cúm A/H5N1 ở nước ta đều có tiền sử tiếp xúc, ăn thịt gia cầm. Do vậy, để thực hiện tốt việc chấp hành quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh mùa hè, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, quận, huyện, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống cũng như khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh đến người dân, trong đó nhấn mạnh đến việc không ăn uống thực phẩm tươi sống, không ăn tiết canh sống…