Thi thực chất, học thực chất
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:53, 09/06/2016
Dĩ nhiên, kết quả riêng biệt của một kỳ thi không thể đánh giá hết chất lượng thực của một môi trường giáo dục. Nhiệm vụ đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đã được chúng ta đặt ra từ nhiều năm. Trên thực tế, các kỳ tuyển sinh đầu cấp, từ tiểu học đến trung học cơ sở, trung học phổ thông và cả đại học nhiều năm qua vẫn tồn tại không ít bất cập, nhiều tranh luận dường như chưa có hồi kết. Một loạt những "đề xuất", "thí điểm" đã được triển khai và cũng đã tạo ra những cuộc tranh luận quyết liệt trong dư luận. Tất cả, suy cho cùng cũng là để tìm ra một "con đường sáng" cho nền giáo dục nước nhà. Xã hội chúng ta đang cố gắng để vượt qua một "nhận thức", hay nói chính xác hơn là một "căn bệnh", đó là "bệnh thành tích" vốn đã ăn sâu bám rễ từ lâu trong tư duy của bao người, gồm cả giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Chắc chắn, trong một tương lai không xa khi nhận thức xã hội đạt đến một tầm mức nào đó, "căn bệnh" này sẽ bị triệt tiêu. Thế nhưng, ngay từ lúc này, những nhà quản lý giáo dục, những thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và từng học sinh cần khởi tạo hoặc thúc đẩy từ trong suy nghĩ của riêng mình, hướng về một nền giáo dục mang lại tri thức thực sự. Chỉ có sự thay đổi căn bản trong học tập, giảng dạy, cách thức tổ chức mỗi kỳ thi, và đặc biệt là thay đổi nhận thức của xã hội đối với mỗi kỳ thi, thay đổi về cách thức đánh giá chất lượng học sinh thì mới có thể mang lại sự thực chất trong giáo dục. "Dạy thêm, học thêm", "chạy trường, chạy tuyến", rồi "căn bệnh bằng cấp”, “căn bệnh thành tích" một thời bùng nổ, đến nay cũng đã có phần lắng dịu, thế nhưng chừng nào những điều ấy còn tồn tại trong môi trường giáo dục, ắt hẳn chúng ta sẽ chưa có được sự "thực chất" trong học hành và thi cử.
Từ thi vào trung học phổ thông đến kỳ thi quốc gia được xem là giai đoạn bản lề quan trọng của học sinh, nó quyết định cả tương lai của các em. Toàn bộ kiến thức quan trọng nhất tích lũy làm hành trang để các em bước vào đại học chính là ở giai đoạn này. Các em có giỏi giang hay không ở môi trường đại học, hoặc đơn giản là học nghề để ra đời cũng cần có nền tảng từ bậc học này. Và khi "đầu vào" chất lượng thì "đầu ra" chắc chắn sẽ cho quả ngọt. Một kỳ thi rồi sẽ qua, hàng ngàn hàng vạn em sẽ chuẩn bị bước vào môi trường học mới. Điều đó cũng đặt ra biết bao trách nhiệm nặng nề cho ngành giáo dục. Chúng ta hy vọng, giáo dục sẽ có những đột phá quan trọng, thay đổi cơ bản và toàn diện, cùng với sự cổ vũ của toàn xã hội để hướng tới mục tiêu dạy thực chất, học thức chất và thi thực chất…