Nhiều bất cập trong quản lý, khai thác đường bộ cao tốc

Giao thông - Ngày đăng : 16:26, 08/06/2016

(HNMO) - Ngày 8-6, tại Hà Nội, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với Báo Lao Động tổ chức hội thảo “Quản lý, khai thác đường bộ cao tốc-Một số vấn đề đặt ra

Trong thời gian qua, cùng với quá trình phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế trong nước, Chính phủ và Bộ GT-VT đã có nhiều nỗ lực cải thiện về chính sách, môi trường đầu tư trong việc huy động các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và đặc biệt là đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện tại hóa đất nước. Đến nay, đã có 745km đường cao tốc được hoàn thành và đưa vào khai thác, gồm 12 tuyến: Đại lộ Thăng Long (29,2km), Liên Khương - Đà Lạt (19km), Pháp Vân - Cầu Giẽ (29km), Cầu Giẽ - Ninh Bình (50km), Vành đai 3 đoạn Phù Đổng - Mai Dịch (28km), Nội Bài - Lào Cai (264km), Hà Nội - Thái Nguyên (63,8km), Hà Nội - Hải Phòng (105,5km), Hà Nội - Bắc Giang (45,8km), TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương (39,8km), TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (55km) và tuyến nối Nội Bài - Nhật Tân (khoảng 15/21km). Việc đưa các tuyến trên vào khai thác, sử dụng đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là các địa phương có tuyến cao tốc đi qua.

Ảnh minh họa.


Bên cạnh những mặt tích cực, tại hội nghị, nhiều ý kiến chỉ rõ vẫn còn một số tồn tại về hệ thống đường cao tốc hiện nay. Đó là hệ thống đường dân sinh, đường kết nối, trạm dịch vụ, hệ thống giao thông thông minh (ITS), các tuyến hoàn trả địa phương chưa xây dựng hoàn chỉnh, công tác giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng... Ngoài ra, trong quản lý, khai thác và bảo trì còn tồn tại các hành vi vi phạm trật tự, hành lang bảo vệ kết cấu hạ tầng, an toàn giao thông đường cao tốc như phương tiện thô sơ, xe máy, người đi bộ vào đường cao tốc; phá rào, lấn chiếm hành lang an toàn; bắt xe khách dọc đường; bán quán ven đường...

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường đánh giá, hệ thống đường bộ cao tốc đã mang lại hiệu quả to lớn như giảm thời gian hành trình, tiết kiệm chi phí, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng tại nhiều vùng miền trên cả nước. Quản lý khai thác bảo trì hệ thống đường bộ cao tốc là công việc mới mẻ nên đã nảy sinh nhiều khó khăn vướng mắc, vì vậy việc đánh giá thực trạng cũng như trao đổi thảo luận để đề ra những giải pháp thực tế góp phần giải quyết một cách có hiệu quả những hạn chế trong quản lý khai thác bảo trì đường bộ cao tốc.

Các chuyên gia cho rằng, trong tương lai, để nâng cao hiệu quả các tuyến cao tốc, cần nghiên cứu ban hành hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên đường cao tốc, phân công phân cấp rõ ràng trách nhiệm của các bộ ban ngành và các cấp trong công tác trong công tác xây dựng, quản lý, bảo trì, bảo dưỡng và thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về đường cao tốc...

Tuấn Lương