Cách nào phòng bệnh hô hấp đầu mùa mưa?

Sức khỏe - Ngày đăng : 14:01, 08/06/2016

(HNMO) - Mặc dù đây là căn bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa nhưng nhiều người dân thờ ơ và thiếu hiểu biết dẫn đến nhiễm virus và có biến chứng.

Bệnh hô hấp có thể chủ động phòng ngừa.


Để giúp người dân hiểu rõ cách phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, phóng viên báo Hà Nội Mới đã phỏng vấn bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh - Trung tâm chăm sóc Hô hấp Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh để giúp bạn đọc chủ động phòng tránh các bệnh

Thưa bác sĩ, những bệnh nào liên quan đến hô hấp khi đầu mùa mưa?

Bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh: Hiện nay, thời tiết thay đổi chuyển từ mùa nắng sang mùa mưa. Đây là thời gian tạo điều kiện cho vi trùng, virus sinh trưởng mạnh, dễ tấn công vào hệ hô hấp của mọi người. Người dân thường sẽ bị cảm sốt, nhức người, ho đàm… hay đối tượng đang có những bệnh mãn tính về hô hấp thì càng dễ bị các bệnh như nhiễm trùng hô hấp trên, viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi ở người lớn tuổi.

Xin bác sĩ cho biết, những trường hợp nào dễ mắc các bệnh hô hấp?

Bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh: Trẻ nhỏ là đối tượng có hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh virus, vi khuẩn tấn công gây ra các bệnh về hô hấp. Do đó trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp nhất. Tiếp theo là đối tượng người lớn tuổi có hệ miễn dịch đã suy yếu, khi chuyển mùa như vậy vừa phải thích ứng với thay đổi của thời tiết, vừa phải chống đỡ các virus, vi khuẩn. Ngoài ra, nhóm phụ nữ đang mang thai cũng là một nguy cơ để virus tấn công, họ cũng có hệ miễn miễn dịch suy yếu, dễ mắc bệnh khi thời tiết thay đổi. Bên cạnh đó, những người dân sống ở vùng ô nhiễm, khu công nghiệp, vùng núi cao, vùng ở trên cao – nơi có không khí lạnh. Khi đó, người dân phải thích ứng với sự thay đổi của thời tiết. Và khi thay đổi thời tiết đột ngột thì cũng có thể làm cho người dân bị bệnh.

Bác sĩ có lời khuyên nào cho người dân để phòng tránh bệnh đường hô hấp?

Bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh: Để phòng ngừa bệnh hô hấp, chúng ta cần chuẩn bị ứng phó với giai đoạn đầu mùa. Trong đó có những biện pháp tăng cường hệ miễn dịch như chích ngừa cảm cúm (chích vào tháng 3, tháng 4 để phòng ngừa cảm cúm vào mùa mưa và chích vào tháng 9 hay tháng 10 để phòng ngừa mùa lạnh), chích ngừa viêm phổi.Cần giữ ấm cơ thể cho trẻ nhỏ để không bị cảm lạnh.Đối với những loại viêm nặng nề hơn như viêm phế quản hay viêm phổi thì người bệnh cần phải khám bác sĩ để có chẩn đoán đúng, từ đó sẽ có các loại thuốc phù hợp. Ngoài ra nên tăng cường những khẩu phần ăn phù hợp (vitamin, hoa quả, trái cây, các loại rau xanh, hải sản…) để cơ thể tăng sức đề kháng.

Tuệ Diễm