Thị trường bất động sản: Cần hướng vào quỹ đạo
Bất động sản - Ngày đăng : 08:14, 08/06/2016
Nguồn cung bất động sản ở TP Hồ Chí Minh đang có sự lệch pha. |
Nguy cơ "trật đường ray"
Theo Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA), 5 tháng đầu năm 2016, thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh đã có dấu hiệu chững lại, tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, thời gian qua, thị trường đã phát triển nóng ở phân khúc nhà ở cao cấp, số lượng nhà đầu tư thứ cấp (mua đi bán lại) tăng gấp 3 lần, giá BĐS cao cấp theo đó đã tăng từ 5% đến trên dưới 15%... khiến có lúc thị trường này bị cuốn theo cơn sốt "ảo", người cần nhà ở không thể có nhà vì giá quá cao. Ông Trần Bá Dương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần (CP) BĐS Đại Quang Minh cũng cho rằng, hiện nay trên thị trường BĐS đang xuất hiện hiện tượng giao dịch không lành mạnh, nhiều công ty kinh doanh nhà ở theo kiểu "bán hàng đa cấp" qua việc cam kết lợi nhuận theo từng năm khiến thị trường vốn đang không minh bạch lại càng thêm rối loạn.
Nguồn cung BĐS hiện đang có sự lệch pha lớn. Cụ thể, nhà ở cao cấp (trên 2 tỷ đồng/căn) không ngừng gia tăng; trái lại, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại diện tích nhỏ (1-2 phòng ngủ) với giá trên dưới 1 tỷ đồng lại rất thiếu. Tại TP Hồ Chí Minh, cơ cấu căn hộ trên 2 tỷ đồng/căn chiếm tới 37%, căn hộ 1-2 tỷ đồng/căn chiếm khoảng 50%, trong khi căn hộ dưới 1 tỷ đồng/căn chỉ chiếm có 13%. Các chuyên gia cho rằng, cần hướng thị trường BĐS phát triển với mục tiêu phục vụ người tiêu dùng, đặc biệt là nhắm đến những người có nhu cầu bức thiết về nhà ở bởi đối tượng này rất lớn. "Nếu phát triển quá nóng nhà ở trung và cao cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Sự phát triển bền vững của BĐS chỉ có thể đạt được khi giải quyết được cơ bản nhu cầu nhà ở của số đông người có thu nhập trung bình, người thu nhập thấp đô thị, người nhập cư", ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.
Cần tổng rà soát các dự án
Sau sự việc căng thẳng giữa chủ đầu tư và cư dân tại chung cư The Harmona và Bảy Hiền Tower, nhiều ý kiến cho rằng cần tổng rà soát lại tất cả các dự án chung cư được cấp phép vào thời điểm năm 2007. Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh cho rằng, thời điểm đó thị trường BĐS phát triển quá nóng dẫn đến sự bung nở của hàng loạt dự án, sau đó khi thị trường bị đóng băng, nhiều doanh nghiệp lập tức khó khăn, thậm chí phá sản tác động tiêu cực đến thị trường BĐS cũng như quyền lợi của khách hàng.
Nhằm giúp thị trường phát triển bền vững, giảm giá thành, HoREA cho rằng, tiền sử dụng đất tuy không phải là một sắc thuế nhưng với cách thu hiện nay, vấn đề này đang trở thành gánh nặng của doanh nghiệp BĐS và cả người tiêu dùng, tạo ra cơ chế "xin - cho". Doanh nghiệp trước đó đã phải mua lại quyền sử dụng đất của người dân với giá thị trường, sau đó lại phải nộp một khoản lớn tiền sử dụng đất do việc khấu trừ chi phí giải phóng mặt bằng rất thấp, nên gần như phải mua lại quyền sử dụng đất lần thứ hai. Liên quan đến vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh thừa nhận, thẩm định giá đất là khâu rất quan trọng để thực hiện các bước tiếp theo của một dự án, tuy nhiên, một số dự án vẫn chậm do "lỗi" của một bộ phận cán bộ.
Trước nhiều ý kiến bức xúc của doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng khi giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp phải có kết quả trong vòng một tháng. Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng cho biết, thành phố đang thực hiện tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp BĐS theo Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Với đặc thù một đô thị đặc biệt, việc thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh phát triển quá nóng cũng cần phải được giải quyết bằng những cơ chế đặc thù.