Xóa nhà "ổ chuột" ven kênh rạch: “Đau đầu” chuyện giải tỏa, tái định cư
Bất động sản - Ngày đăng : 08:07, 08/06/2016
TP Hồ Chí Minh quyết tâm xóa nhà trên và ven kênh rạch. |
Hầu hết nhà xây không phép
Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, phần lớn nhà "ổ chuột" trên và ven kênh rạch hiện nay trên địa bàn đều xây dựng không phép hoặc trái phép, không bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn như kết cấu tạm bợ, chắp vá, lụp xụp... Không những thế, nhiều hộ không có đồng hồ điện (phải câu nhờ hộ khác), không có nước sạch sinh hoạt, xả thải trực tiếp xuống kênh, ảnh hưởng môi trường. Chỉ riêng địa bàn Quận 8 có hơn 9.500 căn nhà trên và ven kênh rạch, tập trung tại các tuyến kênh như Kênh Đôi, Tàu Hũ, Lò Gốm, Ruột Ngựa, Ông Bé... Theo UBND Quận 8, trong số những nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn, có gần 1.100 căn nằm hoàn toàn trên kênh rạch, hơn 8.400 căn còn lại nằm ven kênh. Những căn nhà này không những gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường mà vấn đề an toàn của những người đang sống trên các căn nhà này đặt ra cấp thiết, cần phải khẩn trương di dời trong thời gian sớm nhất.
Đại diện Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, số lượng nhà trên và ven kênh rạch được khảo sát thực tế cao hơn thống kê trước đó. Bên cạnh đó, số lượng nhà trên và ven kênh không phép phát sinh thêm từng năm. Ngoài Quận 8, các quận huyện khác như Quận 4, 7, Nhà Bè, Bình Chánh... cũng tồn tại hàng nghìn căn nhà trên và ven kênh rạch tập trung ở 67 tuyến kênh. Theo các cơ quan chức năng, vấn đề giải tỏa, di dời cũng như tái định cư (TĐC) hàng nghìn hộ dân sống trên và ven kênh rạch trong khoảng thời gian sớm nhất đang đặt ra nhiều thách thức, trong khi nguồn ngân sách trong ngắn hạn không thể đáp ứng được yêu cầu này.
Bảo đảm hộ nào cũng có nhà mới
Mới đây, kiểm tra dọc các tuyến kênh rạch trên địa bàn Quận 8, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã chỉ đạo không thể để người dân sống trong môi trường không an toàn. Ông Đinh La Thăng yêu cầu phải hoàn thành công tác di dời, TĐC cho bà con trong vòng 3 năm và hoàn thành công tác xây lắp trong vòng 4 năm tới. Dù vậy, từ chỉ đạo đến thực hiện là cả một câu chuyện dài, bởi không phải đến bây giờ TP Hồ Chí Minh mới quyết tâm giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch. Từ năm 2006, thành phố đã có kế hoạch di dời khoảng 15.000 hộ thuộc diện cần phải "xóa" này. Tuy nhiên, đến nay số lượng hộ được di dời không nhiều, trung bình mỗi năm thành phố chỉ di dời khoảng 1.000 hộ.
Ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP Hồ Chí Minh cho biết, để di dời và TĐC các hộ sống trên và ven kênh rạch, thành phố đang đưa ra các nhóm giải pháp như: tiến hành công tác giải tỏa, đền bù, TĐC thành một dự án độc lập với hướng tiếp cận mới là không xem đây chỉ đơn thuần là dự án đền bù, giải tỏa để chỉnh trang đô thị mà là dự án xây dựng nhà mới, ổn định cuộc sống cho bà con với mục tiêu bảo đảm mỗi hộ dân đều có nhà để ở; thành lập tổ công tác đặc biệt do lãnh đạo thành phố đứng đầu để rút ngắn thời gian ra quyết định cũng như kịp thời kiến nghị trung ương tháo gỡ các vướng mắc; cho phép thành phố có cơ chế đặc thù như tự thẩm định và phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu... nhằm bảo đảm tiến độ đề ra. Về nguồn vốn, mới đây, tại buổi làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về dự án cải thiện môi trường nước thành phố (giai đoạn 3), UBND TP Hồ Chí Minh đã đề nghị JICA hỗ trợ vốn vay ODA khoảng 9.459 tỷ đồng để xây dựng dự án TĐC còn nguồn vốn giải phóng mặt bằng sẽ do thành phố tự cân đối.
Tuy nhiên, nhằm đẩy nhanh tiến độ của dự án giải tỏa, di dời và TĐC các hộ dân sống trên và ven kênh rạch, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện nghiên cứu các giải pháp huy động nguồn vốn, ưu tiên mời gọi doanh nghiệp tham gia, không quá phụ thuộc vào ngân sách nhà nước hay nguồn vốn hỗ trợ ODA. "Hạng mục nào doanh nghiệp tham gia được thì để doanh nghiệp làm, còn lại thì Nhà nước làm", ông Đinh La Thăng nhấn mạnh.
UBND Quận 8 đang tính toán 2 phương án giải tỏa, di dời và tái định cư hơn 9.500 hộ sống trên và ven kênh rạch. Theo đó, phương án 1 là chính quyền sẽ di dời toàn bộ với tổng kinh phí khoảng 13.763 tỷ đồng. Phương án 2, di dời từng khu vực theo mức độ ưu tiên từ cao đến thấp, sau đó tính toán các phương án di dời những khu vực còn lại. |