Bảo tồn Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn: Hai vấn đề “nóng”

Văn hóa - Ngày đăng : 07:54, 08/06/2016

(HNM) - Công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn và lễ hội Chùa Hương (thuộc huyện Mỹ Đức - Hà Nội) luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Ở thời điểm hiện tại, để khu di tích này vừa phát huy được giá trị toàn diện, vừa là điểm đến xanh, sạch, đẹp của Thủ đô, vấn đề xử lý rác thải và lập quy hoạch chi tiết là hai nội dung

Tình trạng neo đậu xuồng đò lộn xộn tại Bến Yến cần được giải quyết dứt điểm. Ảnh: Khánh Huy


"Ngóng" quy hoạch chi tiết

Lâu nay, hệ thống hàng quán, dịch vụ la liệt từ đường vào cổng Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn cho đến Bến Yến, đường lên chùa Thiên Trù và khu vực động Hương Tích trong 3 tháng diễn ra xuân hội Chùa Hương thường bị dư luận lên án là phản cảm, gây ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan trang nghiêm của di tích. Dư luận không sai, bởi Chùa Hương được đánh giá là chốn "đẹp nhất trời Nam", là một trong những trung tâm văn hóa, tín ngưỡng của Thủ đô và đất nước, rõ là không nên để tồn tại những hình ảnh phản cảm đó.

Bởi thế, câu hỏi "Tại sao các cơ quan chức năng, trực tiếp là UBND huyện Mỹ Đức không tiến hành quy hoạch khu vực dịch vụ riêng biệt, cách xa các điểm di tích chính?" đang rất cần câu trả lời thỏa đáng. Ngoài ra, nhiều vấn đề khác tại Chùa Hương cũng cần được quan tâm giải quyết dứt điểm, như việc sắp xếp lại bãi gửi xe, bến neo đậu xuồng đò, kế hoạch gìn giữ, phát huy giá trị của các di tích thành phần…

Nói về những băn khoăn trên, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, trong thời gian từ năm 1962 đến 2002, Chùa Hương không có bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích, không có quy hoạch bảo tồn, việc quản lý, phát huy giá trị của di tích và lễ hội Chùa Hương thiếu cơ sở khoa học, pháp lý nên khó tránh cảnh phát triển tự phát. Hiện tại, việc khoanh vùng bảo vệ di tích Chùa Hương được mở rộng, diện tích lên tới 4.300ha, bao gồm quần thể di tích, không gian núi rừng, sông, suối và một số điểm dân cư. Bản đồ bảo vệ di tích cũng đã được lập, song, quy hoạch chi tiết thì vẫn chưa có. "Phạm vi bảo vệ di tích rất rộng, trong khi Chùa Hương nằm ở vị trí đặc thù.

Muốn vào lễ chùa, du khách mất khá nhiều thời gian vì phải vượt sông, suối. Trong điều kiện đó, nếu chúng tôi đưa hệ thống dịch vụ ra ngoài phạm vi khoanh vùng bảo vệ thì sẽ không đáp ứng được các nhu cầu tối thiểu của khách hành hương, còn để hệ thống dịch vụ như hiện nay thì rõ là không hợp lý. Bởi thế, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm lập quy hoạch chi tiết đối với khu di tích. Chỉ khi nào có quy hoạch chi tiết, phân rõ ranh giới khu vực nào là điểm bán hàng, bãi đỗ xe, khu vực nào được xây dựng các công trình mới, khu vực nào bất khả xâm phạm, di tích nào cần được bảo tồn, tôn tạo và tôn tạo những gì, theo hướng nào… thì những vấn đề tồn tại mới có thể được khắc phục triệt để", ông Nguyễn Văn Hậu nói.

Nan giải việc giữ gìn môi trường di tích

Nói đến Chùa Hương, nhất là trong mùa lễ hội, chuyện xây dựng môi trường văn hóa ứng xử, chuyện thu gom và xử lý rác thải, giữ gìn cảnh quan xanh, sạch, đẹp nan giải không kém việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

Những năm gần đây, tại Chùa Hương, công tác tuyên truyền, hướng dẫn du khách thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự có sự tiến bộ rất nhiều so với trước. Hệ thống bảng, biển, băng rôn, loa đài hướng dẫn du khách được lắp đặt dọc đường đi; thùng rác được bố trí từ khu vực tập kết xuồng đò đến khu nội tự tại các điểm di tích. Nhờ đó, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan của khách hành hương có sự chuyển biến tích cực. Song, do lượng khách về Chùa Hương trong dịp lễ hội quá đông, thói quen vứt rác bừa bãi chưa được khắc phục triệt để nên ít nhiều đã ảnh hưởng xấu tới hình ảnh "Nam thiên đệ nhất động". Ông Nguyễn Văn Phận, Giám đốc Công ty CP xây dựng Yến Hương - đơn vị quản lý việc thu gom rác trong kỳ tổ chức lễ hội Chùa Hương cho biết: Trong ba tháng diễn ra xuân hội, hơn 100 người của Công ty phải làm việc cả ngày lẫn đêm, bảo đảm thu gom 30-35m3 rác/ ngày.

Tuy nhiên, sau khi thu gom, hệ thống lò đốt rác hiện chỉ có thể xử lý được khoảng 40-45% lượng rác dễ cháy. Số rác hữu cơ được chôn lấp tại một số nơi trong khu vực di tích, sẽ tự phân hủy sau một khoảng thời gian nhất định. Như vậy, lượng rác chôn lấp trong khu vực di tích Chùa Hương là con số không nhỏ, tích tụ từ năm này qua năm khác. Tuy chưa có đánh giá khoa học nào về mối nguy hại của rác thải tại Chùa Hương, cũng chưa có dịch bệnh xảy ra do nguyên nhân rác thải, nhưng, có thể khẳng định chắc chắn rằng lượng rác khổng lồ này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường di sản và sức khỏe con người.

Vấn đề không đơn giản, cần phải có quyết tâm hành động, có kế hoạch và giải pháp đồng bộ nhằm tạo chuyển biến cơ bản, bền vững chứ không phải thông qua hoạt động kiểm tra, tuyên truyền theo kiểu "đến hẹn lại lên", phục vụ cho một mùa lễ hội rồi thôi. Như giới khoa học đã nhiều lần lên tiếng, giải pháp cơ bản là tăng cường tuyên truyền, vận động, kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi sai phạm, giúp khách hành hương nâng cao ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh, môi trường; nghiên cứu xây dựng mô hình xử lý rác thải phù hợp hơn. 

Minh Ngọc