Giáo dục ý thức bảo vệ rừng cho học sinh

Giáo dục - Ngày đăng : 07:43, 08/06/2016

(HNM) - Hà Nội có hơn 27.000ha rừng và đất lâm nghiệp, tuy diện tích không nhiều nhưng rừng có độ

Các em học sinh Trường Tiểu học Phụng Thượng (Phúc Thọ) tham gia cuộc thi vẽ tranh về môi trường. Ảnh: Giang Nam


Nhận thức rõ tầm quan trọng này, việc giáo dục cho học sinh ngay từ khi ngồi ghế nhà trường về bảo vệ rừng (BVR) là hết sức quan trọng.

Nói về trách nhiệm BVR, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống nhấn mạnh, BVR là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, chính quyền địa phương các cấp, trong đó có ngành GD&ĐT. Những năm qua, nhiệm vụ này được triển khai ở các trường học tại xã có rừng, đã tác động lớn đến công tác BVR. "Nếu hôm nay, các em học sinh có ý thức bảo vệ rừng, mai sau rừng sẽ tốt tươi. Không những vậy, ý thức bảo vệ rừng của các em còn lan tỏa đến gia đình và cộng đồng nơi các em sinh sống" - ông Thống chia sẻ.

Thầy Nguyễn Đình Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Mai (Chương Mỹ) cho rằng: Rừng là một phần sự sống của người dân địa phương. Xung quanh Trường THPT Xuân Mai đều có rừng. Chính vì vậy, nhà trường xây dựng một giáo trình riêng với nhiều nội dung liên quan đến công tác quản lý BVR. "Chúng tôi coi đây là việc làm thường xuyên. Nhờ vậy, ý thức của học sinh được nâng cao, tiếp tục tuyên truyền cho gia đình và cộng đồng. Từ đây, khu vực Xuân Mai đã hạn chế được những thiệt hại liên quan đến cháy rừng và hủy hoại tài nguyên rừng" - Phó Hiệu trưởng Nguyễn Đình Tiến cho biết thêm.

Hiện tình trạng chặt phá, khai thác trái phép rừng trên địa bàn thành phố hầu như không xảy ra. Qua đây cho thấy, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, ý thức về phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trong cộng đồng dân cư chuyển biến tích cực. Đáng nói, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho học sinh tại các địa phương có rừng về công tác BVR và PCCCR ngày càng thực chất, có sức lan tỏa rộng. Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên, thông qua chương trình, thanh thiếu niên, học sinh các trường học được trang bị những kiến thức cơ bản và tạo điều kiện cho các em cơ hội tìm hiểu, khám phá về rừng, nguồn tài nguyên quý của địa phương. Từ đó, giáo dục các em có ý thức tự giác BVR, không chặt, đốt, phá rừng và săn bắt động vật hoang dã...

Theo kế hoạch phối hợp giữa hai sở GD&ĐT và NN&PTNT, trong năm 2016 sẽ tiếp tục triển khai tuyên truyền tại các xã có rừng ở huyện Chương Mỹ và Quốc Oai. Theo đó, công tác tuyên truyền hướng đến các đối tượng là cán bộ, giáo viên, học sinh 11 trường THCS và THPT tại các xã có rừng. Qua đây, giúp học sinh nâng cao nhận thức về BVR, hiểu rõ vai trò, tác dụng của rừng trong cuộc sống để từ đó hình thành ý thức tự giác BVR. Ngoài ra, các nhà trường còn lồng ghép tuyên truyền BVR với các phương pháp dạy và học. Cũng trong năm 2016, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở GD&ĐT phát động cuộc thi "Tìm hiểu về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng" để tạo không khí sôi nổi trong tìm hiểu về rừng cho giáo viên và học sinh. Ban tổ chức nhận bài thi từ tháng 4 đến tháng 8 và tổng kết trao thưởng vào tháng 11-2016.

Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Mai Nguyễn Đình Tiến cho biết, sẽ tập trung vào các chủ đề, chủ điểm cụ thể như vai trò, tầm quan trọng của rừng trong phát triển kinh tế và môi trường sống của con người; tác hại của việc khai thác, chặt phá, đốt rừng, nạn săn bắt và buôn bán động vật hoang dã; những quy định của Nhà nước về BVR và phát triển rừng; hành động của cộng đồng dân cư về BVR...

Cuộc thi cũng đặc biệt nhấn mạnh đến gương "người tốt, việc tốt", những điển hình tiên tiến trong công tác trồng, chăm sóc và BVR. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hiệp Thống đề nghị các trường và giáo viên trong công tác tuyên truyền về rừng tăng cường dẫn chứng các ví dụ cụ thể gắn với những vấn đề thời sự trong BVR để tác động mạnh vào trực quan của các em. Như vậy, công tác tuyên truyền sâu sát, hiệu quả hơn.

Minh Phú