Quan hệ NATO - Nga: Căng thẳng tiếp tục leo thang

Thế giới - Ngày đăng : 07:30, 08/06/2016

(HNM) - Dư âm cuộc tập trận Briliant Jump diễn ra cuối tháng 5 vừa qua tại Ba Lan, do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành còn chưa nguôi, quân đội Ba Lan vừa bước vào cuộc thao luyện mới mang tên Anakonda-16.

Cuộc đối đầu xen kẽ NATO - Nga gia tăng khiến thế giới lo ngại.


Diễn ra từ ngày 7-6, đây được xem là đợt tập dượt phòng thủ - phản công quy mô nhất từ trước đến nay, với hơn 31.000 binh sĩ từ 24 quốc gia NATO (riêng Mỹ đóng góp 14.000 lính) và một số nước thành viên của Liên Xô cũ.

Dù là tập trận định kỳ 2 năm/lần và được đăng ký với Liên hợp quốc, nhưng Anakonda-16 trở nên đặc biệt với quy mô lớn chưa từng có và diễn ra ngay trước thềm cuộc họp thượng đỉnh của NATO ở Warsaw vào đầu tháng 7 tới. Với nội dung ưu tiên sẽ thảo luận về việc triển khai nhiều binh sĩ hơn ở các nước Đông Âu, cuộc gặp thượng đỉnh NATO sắp tới được cho là nhằm trấn an các đồng minh Đông Âu sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea năm 2014.

Ngay trước đợt thao luyện, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz khẳng định chỉ là phép thử để "kiểm tra khả năng sẵn sàng bảo vệ sườn biên giới phía Đông" mà thôi. Anakonda-16 đánh dấu lần đầu tiên lực lượng bán quân sự cũng tham dự tập trận và được coi là một cấu thành trong chiến lược của Warsaw nhằm đối phó với một cuộc "chiến tranh hỗn hợp". Cuộc thao luyện đang diễn ra tại Ba Lan dường như vượt xa "dự kiến" khi chỉ vài ngày trước, chính ông A.Macierewicz đã tự tin rằng, chỉ cần một tiểu đoàn NATO tại biên giới là đủ để "kiềm chế sự hiếu chiến của Nga" và bảo vệ an toàn cho quốc gia này.

Không thể phủ nhận rằng cuộc tập trận có quy mô thuộc hạng lớn nhất của NATO kể từ thời kỳ Chiến tranh lạnh - kéo dài trong suốt 10 ngày - song song với hàng loạt các cuộc thao luyện khác gồm Saber Strike, Swift Response và Baltops trong "lãnh thổ" NATO càng khiến quan hệ vốn không êm ả giữa Nga và phương Tây thêm u tối. Trong khi đó, các thành viên trong liên minh NATO cũng có những động thái khiến Kremlin phải quan tâm. Mới đây nhất, Sách trắng quốc phòng sửa đổi của Chính phủ Đức được công bố đã đưa Nga vào 1 trong 10 thách thức lớn của Berlin và rằng Mátxcơva "không còn là một đối tác, mà là đối thủ"...

Trong nỗ lực đáp lại nguy cơ bao vây ngày càng sâu rộng từ nhiều phía, Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra cảnh báo với Romania và Ba Lan khi hai nước lắp đặt hệ thống lá chắn tên lửa Mỹ; đồng thời cho triển khai 3 sư đoàn mới tới biên giới phía Tây nước này như một trong những biện pháp đối phó mới của xứ Bạch Dương. 24 giờ trước khi Anakonda khai cuộc, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố dù không coi sự tồn tại của NATO là mối đe dọa nhưng Kremlin không thể không quan ngại trước những hành động của liên minh này và sẽ có những phản ứng ở quy mô "chưa biết trước" đối với việc NATO gia tăng hoạt động tại Baltic.

Ngoại trưởng Nga cũng nhấn mạnh quan điểm của Nga về sự mở rộng và phát triển "chương trình đối tác" bằng cách lập cơ sở hạ tầng quân sự của NATO tại các quốc gia giáp biên giới với Nga và mở các cuộc tập trận là không thay đổi. Từ lâu, Nga luôn coi mối đe dọa chính với an ninh quốc gia là việc NATO tiếp tục mở rộng về phía Đông. Thực tế, kể từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, liên minh quân sự lớn nhất thế giới này đã mở rộng ba lần, thu nạp thêm 12 thành viên gồm cả các lãnh thổ vốn nằm dưới sự ảnh hưởng của Nga và gần đây nhất là chuẩn bị thu nhận thêm Montenegro.

Không khó để nhận thấy cuộc tăng cường lực lượng quân sự quy mô lớn dọc biên giới "mềm" của Nga như một tất yếu sau các cuộc triển khai vũ khí và tập trận ngày càng lớn trong thời gian gần đây của NATO. Những đợt triển khai quân đội trên diện rộng của cả NATO lẫn Nga cần những khoản chi phí khổng lồ. Và các "hóa đơn" quân sự như vậy đang gây áp lực lớn tới sự ổn định chính trị của nhiều quốc gia và khu vực vốn đang chìm trong khó khăn, nhất là tại các nước vùng Baltic. Thậm chí, nó cũng không khỏi khiến dư luận lo ngại về một cuộc Chiến tranh lạnh kiểu mới đã ở ngay phía trước.

Hoàng Linh