Nhọc nhằn nghề giao hàng
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:26, 08/06/2016
Một shipper giao hàng ngay trên đường phố Hà Nội. |
Lên xe là có tiền
Thương mại điện tử ngày càng phát triển, hình thức kinh doanh trực tuyến (online) mở ra ngày càng nhiều. Người tiêu dùng dần hình thành thói quen mua hàng qua mạng, tất cả những điều đó khiến cho nghề shipper ngày càng phổ biến.
Với một chiếc xe máy, điện thoại và thông thạo đường phố, bất kỳ ai cũng có thể trở thành một shipper nghiệp dư. Với mỗi đơn giao hàng trong nội thành giá từ 15 đến 20 nghìn đồng, ngoại thành từ 30 đến 40 nghìn đồng, mỗi ngày nhận giao vài chục đơn, trừ chi phí xăng xe, điện thoại mỗi shipper có thể kiếm được 3-4 triệu đồng một tháng. Dân làm nghề ship thường nói với nhau rằng họ là những "Người vận chuyển" (tên một bộ phim nổi tiếng) cứ lên xe là có tiền.
Nhưng 3-4 triệu đồng một tháng ấy mới chỉ là mức thu nhập trung bình của một shipper nghiệp dư. Còn với người làm chuyên nghiệp, thu nhập có thể lên tới 6-7 triệu đồng/tháng, thậm chí cao hơn nữa. Những shipper chuyên nghiệp thường hợp tác với một hoặc vài cửa hàng, được nhận lương, phụ cấp xăng xe, điện thoại. Ngoài ra còn có thể nhận thêm hợp đồng lẻ để tăng thu nhập.
Không chỉ vậy, những người làm shipper chuyên nghiệp còn lập thành nhóm, thuê kho, nhận đơn, chia cung đường hoạt động rất bài bản. Việc này giúp có thêm được nhiều khách, tăng tính cạnh tranh do hạ được cước phí, hoạt động trên địa bàn rộng hơn. Dĩ nhiên họ sẽ có thu nhập ổn định hơn.
Mùa hè là thời điểm các shipper "ăn nên làm ra" nhất. Vì thời tiết nắng nóng, xe cộ đông đúc, nhiều người ngại ra đường nên mua bán gì cũng cậy nhờ vào các shipper. Lê Hoài Nam, sinh viên năm thứ ba Đại học Giao thông - Vận tải Hà Nội chia sẻ: "Cứ đến hè, thi xong em lại đi làm ship. Mùa này việc làm không xuể, nhiều khi còn phải từ chối". Nam cho biết, các đơn hàng vào mùa hè chủ yếu là đồ ăn nhanh, hoa quả, chè thập cẩm, đồ tươi sống, hải sản… Việc giao hàng rất mệt vì không thể chậm giờ, lại phải hết sức cẩn thận do đồ dễ hư hỏng. Thế nên, trái với cảnh phải đôn đáo tìm đơn hàng như các mùa khác, mùa hè các shipper được dịp "làm mình làm mẩy" với cửa hàng để đòi tăng phí ship.
Nói về bí quyết của nghề, Đặng Văn Lâm, một shipper chuyên nghiệp ở Cầu Giấy cho biết, để có thu nhập cao, không phải cứ nhận nhiều đơn hàng là được. Quan trọng là biết sắp xếp đơn hàng khéo léo, sao cho chỉ cần đi 1 - 2 cung đường vẫn có thể giao được mười mấy đơn, tiết kiệm chi phí. "Chuyển một đơn hàng từ Cầu Giấy xuống Hai Bà Trưng, phí ship chỉ có 20 nghìn, nhưng trên đoạn đường đi đó, mình có thể nhận và giao thêm các đơn hàng ở Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn… cái nọ bù cho cái kia thì về cơ bản vẫn lợi hơn là chỉ đi đến đúng địa chỉ rồi về", Lâm cho hay.
Nhọc nhằn trên mỗi đơn hàng
Làm nghề ship, nếu chăm chỉ sẽ có mức thu nhập tương đối cao. Thế nhưng, làm rồi mới biết kiếm được đồng tiền không dễ chút nào, có đủ cả mồ hôi, nước mắt và những tủi nhục. Những giờ cao điểm từ 11h đến 13h, từ 17h đến 19h là lúc thời tiết khắc nghiệt nhất và đi đường vất vả nhất, nhưng lại là khung giờ phổ biến mà các shipper phải đi giao hàng. Nghề ship không chậm giờ được, mưa nắng, tắc đường cũng phải đi, nhiều khi phải nhịn đói dài để giao hàng cho đúng hẹn.
Nếu mọi việc thuận lợi, một ngày có thể giao vài chục đơn, nhưng lỡ gặp phải khách đưa địa chỉ sai, hoặc shipper gặp sự cố trên đường thì phải lòng vòng mấy lượt mới giao được hàng. Tiền công nhận được có khi không đủ để bù chi phí. Chưa kể chuyện gặp khách hàng khó tính, mang hàng đến nơi lại không ưng, shipper phải vòng về trả cho cửa hàng. Thế là mất công đi, công về mà có khi không nhận được đồng nào.
Những chuyện dở khóc, dở cười khi đi giao hàng thì nhiều vô số kể mà hầu như ai đã từng làm shipper đều vấp phải một vài lần. Nguyễn Thành Tuân, shipper khu Láng Hạ chia sẻ, có lần nhận được cuộc gọi ship đồ ăn đêm lên đường Âu Cơ, nhưng đi lên đến nơi thì tìm không thấy địa chỉ. Gọi điện lại cho khách mới biết khách gọi đưa cơm đến đường Âu Cơ trong TP Hồ Chí Minh chứ không phải Hà Nội. Còn với Bùi Huy Hội, chuyến ship nhớ đời nhất là giao hàng đến Định Công, gọi gần 30 cuộc điện thoại mà khách không nghe máy. Đang lúc chán nản định bỏ về thì khách gọi điện lại, gặp được thì nghe câu "Chị để chế độ im lặng, em thông cảm".
Nhưng với các shipper, có lẽ bị khách hàng xúc phạm là điều tủi nhục nhất. Lê Thu Hà, sinh viên năm thứ hai Học viện Báo chí và Tuyên truyền kể, có lần đi ship 20 cốc chè thập cẩm giữa trưa nắng. Vì tắc đường, Hà đến chậm 10 phút làm tan hết nước đá trong cốc chè. Khách xuống lấy đồ chẳng những không trả tiền ship mà còn mắng như tát nước vào mặt. Lần ấy, Hà tủi thân, khóc từ đó về nhà, sau này đi ship nhiều, nghe khách phàn nàn nhiều rồi cũng quen, không khóc nữa.
Những rủi ro khác luôn ám ảnh đối với các shipper là những tai nạn có thể xảy ra trên đường. Đi vội cho kịp giờ giao hàng, vừa đi vừa nghe điện thoại của khách, nhiều shipper xảy ra va quệt với người đi đường dẫn đến xô xát hoặc bị thương. Dương Văn Châu, shipper khu Xuân Đỉnh cho biết, một lần vội anh vượt đèn đỏ đã đâm phải người khác. Chẳng những phải đền cho người bị nạn, tiền cho chủ cửa hàng, Châu còn bị dập mắt cá chân, phải nằm viện cả tuần trời.
Những rủi ro lừa đảo
Làm shipper cũng phải đối diện với những rủi ro lừa đảo rất cao. Hai hình thức lừa đảo phổ biến là đưa đơn hàng không đúng giá trị và kẹp hàng cấm vào gói hàng nhờ chuyển. Lê Văn Dũng, shipper có thâm niên 3 năm làm nghề tiết lộ, với hình thức lừa đảo thứ nhất, chủ hàng sẽ đưa hàng kém chất lượng, đưa địa chỉ giả, yêu cầu shipper đặt tiền bảo đảm rồi quỵt tiền. Đến khi shipper phát hiện ra thì đã muộn. Bản thân Dũng ngày mới đi làm shipper đã dính phải kiểu lừa đảo này. Khách nhờ chuyển hai chai rượu vang, yêu cầu đặt 1,2 triệu tiền bảo đảm, nhưng khi đến nơi, Dũng mới phát hiện đây là địa chỉ ma, hai chai vang cũng là rượu rởm, gọi điện lại thì khách đã tắt máy từ bao giờ. Hình thức lừa đảo thứ hai, theo Dũng nguy hiểm hơn nhiều là kẹp hàng cấm vào gói đồ. Nếu chỉ là hàng cấm bình thường còn đỡ, rủi gặp phải hêrôin, thuốc lắc, shipper có thể phải lĩnh án, dù trong trường hợp này, họ hoàn toàn bị oan. Thế nên, đối với mỗi một đơn hàng, shipper có kinh nghiệm sẽ phải tìm hiểu thông tin về khách hàng, tìm hiểu kỹ gói đồ mình nhận giao và không bao giờ nhận giao hàng ngoài đường.
Lừa đảo trong nghề làm shipper không chỉ đến từ phía chủ hàng, nó còn đến từ chính những "đồng nghiệp" với nhau. Đó là mạo danh nhau, giành đơn hàng của nhau, nhiều khi "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay". Đồng tiền kiếm được trong nghề shipper thực sự là mồ hôi, nước mắt và cả máu. Tuy nhiên, ở một bộ phận, lại có những shipper chuyên đi lừa ngược lại chủ cửa hàng. Bằng việc làm thân quen với các chủ cửa hàng, sau đó lấy cớ không mang tiền, không đặt tiền bảo đảm, các shipper này ăn cắp đồ của chủ hàng. Điều này khiến cho hình ảnh nghề shipper trong mắt không ít chủ hàng trở nên méo mó, với những định kiến không mấy tốt đẹp.
Dù vậy, shipper vẫn là một công việc được ưu tiên chọn lựa để làm trong xã hội hiện nay, bởi tính cơ động và khả năng kiếm tiền. Mong mỏi của các shipper là mọi người, đặc biệt các khách hàng nên có cái nhìn cảm thông và dành cho họ sự tôn trọng nhất định.