Bài 2: Bầu thêm - Mừng hay lo?

Chính trị - Ngày đăng : 06:59, 08/06/2016

(HNM) - Tính đến nay, tại các tỉnh, thành phố trên cả nước đã và đang công bố kết quả bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và danh sách các đại biểu trúng cử. Song cuộc bầu cử năm nay cũng ghi nhận một thực tế đáng chú ý. Trước hết là có khá nhiều địa phương bầu không đủ đại biểu HĐND, đặc biệt ở cấp xã, phường, thị trấn và phải bầu thêm… Thực tế này đáng mừng hay đáng lo?


Cũng là chuyện bình thường

Trong số các địa phương bầu thiếu đại biểu HĐND, tỉnh Thanh Hóa nằm trong tốp đầu với lượng bầu cử thiếu tới hơn 400 đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2016-2021. Thậm chí, tại xã Phú Nhận (huyện Như Thanh) cả bí thư và chủ tịch UBND xã không trúng cử HĐND. Hay như tại Nam Định cũng bầu thiếu 3 đại biểu HĐND cấp huyện, hơn 200 đại biểu HĐND cấp xã.

Ngay tại Hà Nội, ngày 5-6 vừa qua 67 đơn vị bầu cử trên toàn TP Hà Nội đồng loạt tổ chức bầu 122 đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2016-2021 còn thiếu theo quy định của luật. Trong đó, huyện Quốc Oai có 2.500 cử tri của 3 xã Tuyết Nghĩa, Ngọc Liệp và Liệp Tuyết đi bầu cử trong số 14 ứng cử viên HĐND cấp xã để chọn ra 6 đại biểu bổ sung cho HĐND. Tại huyện Chương Mỹ, các cử tri của 6 xã: Văn Võ, Đồng Phú, Tiên Phương, Phú Nghĩa, Đồng Lạc và Hoàng Diệu đã đi bầu thêm 16 đại biểu HĐND cấp xã. Huyện Sóc Sơn bầu thêm 19 đại biểu ở 11 đơn vị bầu cử của 9 xã. Huyện Ba Vì cũng tổ chức bầu bổ sung 9 đại biểu HĐND cấp xã tại 4 đơn vị bầu cử. Tất cả các điểm đều thực hiện quy trình bỏ phiếu, kiểm phiếu tương tự như bầu cử lần một diễn ra ngày 22-5.

Trước một số ý kiến cho rằng phải chăng có yếu tố cục bộ địa phương trong bầu cử HĐND cấp xã, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Lê Minh Thông khẳng định, không nên quá bất ngờ trước hiện tượng này. Khi ý thức của người dân ngày càng cao, trách nhiệm chính trị của người dân ngày càng nâng lên, việc người dân không tín nhiệm ai đó trong danh sách ứng cử viên cũng là câu chuyện bình thường.

Điều đó cho thấy cử tri cân nhắc, lựa chọn cẩn thận ở cấp HĐND cuối cùng. Bởi vì những ứng cử viên đó là những người sống gần với họ, họ có điều kiện chia sẻ thông tin và đánh giá được năng lực của các ứng cử viên - những người đại diện trực tiếp cho dân và giải quyết những công việc nơi người dân sinh sống.

Phiếu bầu thể hiện lòng dân

Là người theo sát diễn biến cuộc bầu cử, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc - người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV (khóa thứ 4 liên tiếp) nhận định, kết quả bầu cử bao hàm nhiều lý do. Đó có thể còn là một số cử tri đã bỏ phiếu không đúng quy cách... nhưng điều thấy rõ là người dân đã chú trọng hơn việc bầu ra những người đại diện cho mình, họ mong muốn những điều tốt đẹp hơn. Cùng chung quan điểm, nguyên Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Cuông nhận định, những kỳ trước cũng có chuyện bầu thiếu, phải tiến hành bầu thêm nhưng rất hãn hữu. Trước đây nhận thức của cử tri đối với công tác bầu cử nói chung và lựa chọn nhân sự đại diện cho mình nói riêng chưa được quan tâm đúng mức.

Hiện tượng cả gia đình chỉ có một người đi bầu cử thay cho cả nhà, thậm chí có người cầm cả nắm lá phiếu ra hỏi người của tổ bầu cử gạch ai rồi cứ thế làm theo từng diễn ra. Nay cử tri đi bầu đã nghiên cứu rất kỹ về từng ứng cử viên, đòi hỏi người đại diện cho họ phải tiêu biểu, mẫu mực, thực sự vì dân thì mới được sự tín nhiệm. Sự va chạm, cọ sát giữa cán bộ và người dân thường xuyên, lề lối sinh hoạt, chương trình hành động của ứng cử viên là cơ sở để họ lựa chọn người đại diện một cách sát thực. Từ đó lá phiếu bầu có tính thực chất hơn, thể hiện được lòng dân.

Vấn đề nữa là trong thiết chế bầu cử hiện nay cũng thể hiện sự công khai, minh bạch hơn, ví dụ trong danh sách ứng viên tại các đơn vị bầu cử nếu bầu lấy 3 người sẽ dư 2, nghĩa là danh sách có 5 người. Với số dư nhiều hơn trước, nên khi bầu phiếu sẽ phân tán. Cùng với đó, sự lựa chọn của người dân qua lá phiếu của mình cũng tác động ngược trở lại vào việc thực thi trách nhiệm của đại biểu trong cơ quan dân cử. Đây cũng là dịp để nhắc nhở từ người ứng cử đến người trúng cử cần nhìn lại mình, cố gắng điều chỉnh xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân... Các đại biểu dân cử phải thực sự gần dân, hiểu dân và dám thẳng thắn, trung thực nói lên những nguyện vọng của nhân dân. Nếu không vì dân, xa dân, chỉ lo cho lợi ích cá nhân, thậm chí có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực thì dù được Đảng và cơ quan giới thiệu ra ứng cử người dân sẽ không bầu.

Qua sự việc trên, cũng cho thấy, HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, nơi quyết định những vấn đề quan trọng về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và đời sống dân sinh, nhưng chất lượng ứng cử viên HĐND cấp cơ sở còn hạn chế. Qua tiếp xúc cử tri, một số ý kiến phản ánh, công tác tham gia xây dựng và tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương của Đảng, Nhà nước, nghị quyết của HĐND còn thiếu chủ động; việc xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng, nhất là về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, xây dựng cơ bản có lúc còn mang tính hình thức; hoạt động giám sát hiệu quả chưa cao, nhiều kiến nghị thông qua hoạt động giám sát chưa được các cơ quan có trách nhiệm giải quyết kịp thời. Một số đại biểu HĐND chưa làm tròn trách nhiệm của người đại biểu dân cử, chưa dành thời gian cần thiết cho hoạt động của HĐND, chưa thường xuyên tiếp công dân theo quy định.

Ngoài năng lực đại biểu, nguyên nhân một phần do cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động còn bất cập. Cụ thể, điều kiện bảo đảm cho các hoạt động của HĐND, đại biểu HĐND còn hạn chế; một số ban, ngành, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của HĐND; ý thức chấp hành nghị quyết của HĐND ở một số cơ quan nhà nước chưa cao. Những điều này phải được quy định rất cụ thể trong các văn bản pháp luật… 

Hà Phong