Gia tăng giá trị cho nông sản

Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:57, 02/12/2022

(HNM) - Nhằm nâng tầm vị thế, giá trị cho nông sản, đặc sản, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp như thúc đẩy các doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết, quy hoạch vùng nguyên liệu phát triển bền vững; tăng gắn kết nông dân với doanh nghiệp, chuyển hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường. Đặc biệt, đặc sản của các địa phương, nông sản ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu được hỗ trợ tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và các hội chợ giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ...

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm OCOP của Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Bảo Minh. Ảnh: Mai Nguyễn

Tôn vinh sản vật địa phương

Thị xã Sơn Tây có nhiều đặc sản lợi thế khi tham gia Chương trình OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm nổi tiếng của địa phương. Ông Kiều Văn Quý, chủ cơ sở sản xuất kẹo dồi, kẹo lạc Quý Thảo (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây) cho biết: “Ở quê tôi, hầu như gia đình nào cũng biết làm kẹo dồi, kẹo lạc, một số gia đình sản xuất số lượng lớn để bán ra thị trường. Tham gia Chương trình OCOP, chúng tôi được cơ quan chức năng tư vấn, hỗ trợ thay đổi bao bì, nhãn mác, lại được tạo điều kiện tham dự các hội chợ xúc tiến thương mại... Nhờ đó, sản phẩm kẹo lạc, kẹo dồi Đường Lâm được nhiều người tiêu dùng biết đến, sản xuất phát triển hơn, chúng tôi cũng tăng thu nhập so với trước khi tham gia OCOP”.

Người dân tại xã Minh Khai (huyện Hoài Đức) có nghề làm miến truyền thống. Anh Đỗ Danh Xuân ở thôn Minh Hiệp 2, xã Minh Khai cho biết, gia đình anh chọn sản phẩm miến sắn dây tham gia Chương trình OCOP và đã được chứng nhận 4 sao. Hiện nay, miến Minh Khai - đặc sản của địa phương đã trở thành thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng. Tương tự, với đam mê làm bánh mứt kẹo, nghệ nhân Ngô Thị Tính, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Bảo Minh đã phát triển hàng chục dòng sản phẩm bánh, mứt, kẹo, qua đó lưu giữ, phát huy tinh hoa ẩm thực truyền thống của Hà Nội trong xu thế tiêu dùng hiện đại. Đưa đi dự thi đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm của công ty đã được chứng nhận như: Bánh cốm, bánh phu thê, bánh nướng, bánh dẻo, bánh chả…

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, trong 6 nhóm sản phẩm của Chương trình OCOP (thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm - nội thất - trang trí, vải và may mặc, dịch vụ du lịch nông thôn), nhiều nông sản có giá trị cao về kinh tế gắn với nét văn hóa đặc trưng của người Hà Nội… Thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến công, đặc biệt là Chương trình OCOP, nhiều đặc sản của Hà Nội như: Bưởi Phúc Thọ, gà Mía, kẹo lạc, kẹo dồi xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), gạo Khu Cháy (huyện Ứng Hòa), bưởi đỏ Tráng Việt (huyện Mê Linh), gạo nếp hoa vàng Dục Tú (huyện Đông Anh), bánh mứt kẹo Bảo Minh (quận Bắc Từ Liêm)… ngày càng nâng tầm giá trị, được nhiều người trong và ngoài nước biết đến.

Thúc đẩy chế biến sâu

Từ lâu, việc trồng và sơ chế sản phẩm dược liệu chăm sóc sức khỏe được nhiều đơn vị doanh nghiệp quan tâm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long, xã Đại Yên (huyện Chương Mỹ) cũng đã xây dựng được vùng nguyên liệu trên 20ha. Trong 1 năm, công ty thu hoạch được hơn 200 tấn nguyên liệu cà gai leo - một vị thuốc Nam quý, được y học cổ truyền ghi nhận có tác dụng ổn định tế bào gan, tăng cường chức năng gan. Từ nguyên liệu thô, công ty đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc sơ chế, chế biến nguyên liệu thô thành 10 dòng sản phẩm dược như: Trà túi lọc cà gai leo, trà hoàn ngọc, trà mật gấu dây thìa canh… Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long Phan Trung Kiên cho biết, với việc xây dựng được thương hiệu và chất lượng được kiểm nghiệm qua Chương trình OCOP, sản phẩm của công ty đang được tiêu thụ rộng rãi, nhất là qua kênh bán hàng trực tuyến...

Trước tình trạng “được mùa - mất giá” và thực tế nông sản thô chưa qua chế biến có giá rất rẻ, khâu bảo quản gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã đẩy mạnh hoạt động liên doanh, liên kết chế biến, tiêu thụ. Đơn cử như Công ty cổ phần Rượu núi Tản (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì) đã liên kết với các vùng trồng mơ tại ngoại thành Hà Nội và miền núi phía Bắc, thu mua quả mơ tươi để ngâm ủ, chiết xuất rượu mơ. Năm 2020, “Rượu mơ núi Tản” đã được thành phố Hà Nội chứng nhận OCOP 4 sao.

Tham gia Chương trình OCOP, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất được thành phố hỗ trợ đổi mới quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, mẫu mã... nhằm đáp ứng tiêu chí để được cấp sao. Đó là minh chứng cho chất lượng để nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường. Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí, Hội đồng thẩm định OCOP của thành phố khuyến khích đánh giá, phân hạng sản phẩm chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản chủ lực của Hà Nội. Đó cũng là cách thúc đẩy các doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết, quy hoạch vùng nguyên liệu phát triển bền vững, nâng cao giá trị cho nông sản của Hà Nội và các tỉnh, thành phố...

Nguyễn Mai