Bí thư Thành ủy TP HCM: Tuyệt đối không dạy, học thêm

Giáo dục - Ngày đăng : 11:59, 07/06/2016

Làm việc với lãnh đạo Bộ GD&ĐT sáng 7/6, Bí thư Thành ủy TP HCM chỉ đạo Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Hồng Sơn chấn chỉnh, nghiêm cấm tình trạng dạy thêm, học thêm trong năm học tới.

Sáng 7/6, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác Bộ GD&ĐT làm việc với lãnh đạo TP HCM về nội dung phát triển giáo dục và đào tạo TP HCM.

Tại buổi làm việc, Bí thư Đinh La Thăng yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Hồng Sơn chấn chỉnh, nghiêm cấm tình trạng dạy, học thêm ở trường ngay trong năm học 2016-2017. Các trường phải phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi nhưng không được dạy trong trường.

“Chuyện dạy, học thêm tôi rất hoan nghênh, nhưng chúng ta phải mở các trung tâm, doanh nghiệp đào tạo, khi đó ai có nhu cầu đến đăng ký dạy, học sinh đến đăng ký học”, ông Thăng nói.

Bí thư Đinh La Thăng yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM Lê Hồng Sơn cần chấm dứt tình trạng dạy, học thêm ngay trong năm học 2016-2017. Ảnh: Phước Tuần


Bí thư Đinh La Thăng khẳng định: “Hội nhập thì sao phải còn chạy trường, chạy lớp. Hội nhập mà còn dạy, học thêm là không được. Thời gian qua cử tri phản ánh rất nhiều tình trạng học trái tuyến, cần chấm dứt ngay”.

Cũng tại buổi làm việc, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng TP HCM mong muốn Bộ GD&ĐT cho cơ chế thí điểm. TP có cơ chế đột phá mới phát huy hết tiềm năng.

Ông Thăng cho rằng, TP HCM là trung tâm giáo dục của cả nước, mà giáo dục phải đi đầu trong hội nhập. Khi xây dựng chương trình đào tạo cần đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Những cái liên quan cơ chế chính sách, mô hình, khi quyết định cần phải dựa trên khoa học giáo dục đào tạo.

Thời gian qua, TP rất quyết liệt thực hiện nghị quyết 10 Đại hội Đảng TP HCM. Nâng cao nguồn nhân lực là một trong bảy giải pháp trọng điểm mà TP đang tập trung.

Nhưng để làm được điều này, TP HCM cần nâng cao giáo dục, thay đổi, đổi mới toàn diện căn bản giáo dục ở các cấp học. Giáo dục TP HCM phải đưa tinh thần khởi nghiệp vào giảng dạy, phát triển toàn diện giáo dục thể chất, giữ gìn bản sắc con người Nam Bộ trong đào tạo.

Để phát triển, việc xã hội hóa giáo dục rất quan trọng, nếu cái gì cũng lấy từ ngân sách cấp sẽ không bao giờ đủ.

“Không xã hội hóa, các anh không thể cho các cháu học đầy đủ được. Mỗi lần gặp mặt đầu năm, các cháu đều mong muốn giảm tải, muốn học bơi nhưng giờ TP kiếm đất, kiếm tiền đâu ra? Vì thế phải cần xã hội hóa ngay để tạo điều kiện con em học tập thật tốt”, ông Thăng nói.

Bí thư Thăng cũng nhấn mạnh không phân biệt các trường tư, dân lập với trường công. Đào tạo ở trường phải gắng với các doanh nghiệp, đẩy mạnh khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng. Chương trình giáo dục phải đưa tinh thần khởi nghiệp vào giảng dạy. Trường học phải là nơi đào tạo, nuôi dưỡng ước mơ hoài bão cho sinh viên.

Theo Phước Tuấn/Zing