"Thắt" - "mở" việc cho vay ngoại tệ
Tài chính - Ngày đăng : 07:10, 07/06/2016
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Theo Thông tư số 07/2016/TT-NHNN được NHNN ban hành cuối tháng 5 vừa qua, tổ chức tín dụng (TCTD) xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh (SXKD) hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam. Điều kiện được đưa ra là khách hàng phải có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay. Khi được giải ngân vốn vay, khách hàng phải bán số ngoại tệ vay đó cho TCTD theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay. Quy định này thực hiện đến hết ngày 31-12-2016.
Theo NHNN, quy định mới được đưa ra là dựa trên cơ sở trong những tháng đầu năm 2016, kinh tế vĩ mô xuất hiện những thách thức, như tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Tình hình hạn hán ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và xâm nhập mặn ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn diễn biến phức tạp. Sự cố bất thường tại một số tỉnh ven biển miền Trung tác động tiêu cực đến hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản và du lịch biển... Bởi vậy, việc NHNN "nới" quy định cho vay ngoại tệ góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trong hoạt động SXKD.
Sự điều chỉnh kịp thời về cho vay ngoại tệ của NHNN đã tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Như Ý |
Trước đó, tại Thông tư số 24/2015/TT-NHNN (ngày 8-12-2015) của NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú, việc cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án SXKD hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay, chấm dứt từ ngày 1-4-2016. Rõ ràng là chỉ sau 2 tháng "siết", nguồn vốn vay ngoại tệ lại một lần nữa được mở ra, bởi trong thời gian thực hiện quy định dừng cho vay ngoại tệ, không ít DN xuất khẩu đã rơi vào cảnh khó khăn khi phải chuyển sang vay vốn lưu động bằng VND với lãi suất cao hơn, làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh với các DN nước ngoài. Thực tế này đã khiến không ít tổ chức, DN "đứng ngồi không yên", nên nhiều tổ chức đã gửi đơn kiến nghị tới cơ quan chức năng đề nghị xem xét lại quy định nhằm gỡ khó cho DN. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng gia nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu, DN trong nước đã phải chịu nhiều áp lực, từ lãi suất vay cao hơn so với một số quốc gia khác, chi phí sản xuất tăng... nếu phải đối mặt thêm biện pháp "mạnh tay" của NHNN là dừng cho vay ngoại tệ, các DN sẽ bị "khó chồng khó". Bởi vậy, việc NHNN "gỡ" khó cho DN bằng việc cho phép vay ngoại tệ trở lại được coi là quyết định kịp thời.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực (Ngân hàng Đầu tư - Phát triển), việc gia hạn thời gian cho vay ngoại tệ sẽ hỗ trợ tích cực cho các DN, nhất là DN xuất khẩu, cũng như các DN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Nên tăng lãi suất huy động USD?
Mặc dù "nới" lại cho vay ngoại tệ với các DN xuất khẩu là một bước đi đúng của NHNN, nhưng "nới" thế nào để không làm chậm lại tiến trình chống đô la hóa nền kinh tế là vấn đề đáng quan tâm. Thực tế, việc mở cho vay ngoại tệ có thể sẽ khiến nhu cầu ngoại tệ tăng trở lại, gây áp lực cho tỷ giá vốn không dễ để có thể bình ổn. Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc cho vay bằng USD đòi hỏi các ngân hàng phải có thanh khoản, trong khi hiện tại lãi suất huy động USD đang là 0%. Do vậy, cùng với việc mở cửa tín dụng ngoại tệ, NHNN nên xem xét nâng lãi suất huy động USD lên mức lãi suất hơn 0%.
Để giảm kỳ vọng về USD của người dân, NHNN đã phải sử dụng giải pháp kéo dần lãi suất huy động USD xuống thấp, từ 2%/năm, xuống 1%/năm, hiện chỉ còn 0%. Biện pháp này đã tác động tới tâm lý "găm" USD của người dân, không ít người đã chuyển đổi từ USD sang VND gửi ngân hàng để hưởng lãi suất. Nhưng, cũng có khá nhiều người lại rút USD gửi ở ngân hàng để tự bảo quản, khiến một lượng lớn USD vẫn còn "đọng" trong dân. Đó là chưa kể đến tình trạng các ngân hàng phải "lách" quy định của NHNN bằng việc cộng lãi suất "ngầm" cho khách hàng để giữ chân khách gửi USD, song không phải ai cũng "mặn mà" với chiêu này của các ngân hàng thương mại, nên vẫn chọn cách tự giữ tiền. Do vậy, để lượng tiền này quay trở lại nền kinh tế, đã đến lúc biện pháp "cứng" của NHNN cần mềm dẻo hơn, đó là điều chỉnh lãi suất huy động cho USD, để đồng tiền này cũng có thể sinh lời.
Theo TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, cùng với việc mở lại tín dụng ngoại tệ, việc điều chỉnh trần lãi suất huy động USD cũng cần được cân nhắc để có sự đối ứng phù hợp. Thời gian qua, trần lãi suất huy động USD được áp dụng là 0% khiến các khoản tiền gửi ngoại tệ được chuyển về dạng không kỳ hạn, tiền gửi thanh toán. Các ngân hàng cũng vì thế phải "lách" trần lãi suất huy động, hoặc tìm cách vay từ nước ngoài để có đủ nguồn vốn. Do đó, việc nâng lãi suất lên hơn 0% sẽ tạo động lực kéo nguồn ngoại tệ nhàn rỗi về các ngân hàng, giúp DN có cơ hội tiếp cận vốn.
"Thắt" rồi "mở", giảm rồi tăng, chính sách tiền tệ cũng cần phải linh hoạt tùy vào từng thời điểm. Trong điều kiện nền kinh tế đang cần vốn cho các hoạt động SXKD, nên chăng cùng với việc "nới" cho vay ngoại tệ với DN xuất khẩu, NHNN cần tính đến bài toán tăng lãi suất huy động USD đối với khách hàng cá nhân, để nguồn tiền nhàn rỗi này không còn ở trong từng gia đình, mà sẽ được đưa ra phục vụ nền kinh tế.