Xử lý dược liệu không rõ nguồn gốc: Cần tăng mức xử phạt
Kinh tế - Ngày đăng : 07:06, 07/06/2016
Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, việc buôn bán dược liệu không rõ nguồn gốc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sự an toàn của người sử dụng. Vì vậy, cơ quan chức năng cần tăng các chế tài xử phạt đủ sức răn đe với các đối tượng nhập lậu dược liệu.
Thời gian qua, Chi cục QLTT Hà Nội phối hợp với các ngành chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn bán dược liệu nhập lậu từ Trung Quốc. Từ đầu năm 2016 đến nay, Chi cục đã chỉ đạo các đội QLTT kiểm tra, xử lý 15 vụ vi phạm trong kinh doanh đông dược, phạt hành chính 45,2 triệu đồng, tiêu hủy 42.751kg đông dược các loại. Mới đây, Phòng 7 Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) phối hợp cùng Đội QLTT số 4 (Chi cục QLTT Hà Nội) đã phát hiện, bắt giữ một xe tải chở 6 tấn dược liệu các loại, như ngọc trúc, đại hoàng, tam thất… không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc. Chủ hàng Bùi Minh Đức (trú tại xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) khai nhận toàn bộ số hàng được mua từ Trung Quốc để đưa về Hà Nội tiêu thụ, với giá 5.000-6.000 đồng/kg. Trước đó, gần 10 tấn dược liệu không rõ nguồn gốc, gồm táo tàu, thục địa, cam thảo, hoài sơn, đương quy, đỗ trọng… cũng nhập lậu từ Trung Quốc đã bị lực lượng chức năng tỉnh Hưng Yên bắt giữ, xử lý.
Theo Chi cục QLTT Hà Nội, thủ đoạn vận chuyển, che giấu của bọn buôn lậu rất tinh vi, khó phát hiện, bắt giữ. Đối tượng vận chuyển chủ yếu là thành phần côn đồ, chống trả quyết liệt khi bị lực lượng chức năng phát hiện. Nguyên liệu để chế biến thuốc đông y chủ yếu có nguồn gốc từ tỉnh Hưng Yên, có giấy xác nhận nguồn gốc. Ngoài ra, các hộ kinh doanh còn khai thác mua lẻ tại các tỉnh, nhưng là rễ cây hoa, lá, củ, quả, nên không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc. Đặc biệt, có loại dược liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, khiến việc quản lý chất lượng gặp khó khăn. Trước đó, một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh trực tiếp nhập khẩu có hóa đơn theo quy định. Nhưng, từ sau khi Bộ Y tế ban hành Thông tư số 03/2016/TT-BYT (ngày 21-1-2016) quy định, nếu các doanh nghiệp, hộ kinh doanh dược liệu không bảo đảm được các điều kiện chứng nhận về xuất xứ, chất lượng và điều kiện kho bảo quản… thì không được phép nhập khẩu. Điều này dẫn đến tình trạng nhập lậu dược liệu từ các tỉnh biên giới phía Bắc, sau đó đưa về cung cấp cho các hộ kinh doanh tại Ninh Hiệp và cả nước.
Qua kiểm tra tại làng nghề đông dược Ninh Hiệp còn cho thấy, việc kinh doanh chế biến được các hộ dân làm tại nhà, nên điều kiện an toàn thực phẩm không bảo đảm, sơ chế theo hình thức thủ công, hấp sấy bằng lò than, có hộ còn sử dụng chất diêm sinh để chống ẩm mốc… Hàng hóa bày bán ghi nhãn không đầy đủ theo quy định, không niêm yết giá… Đáng lo ngại, theo kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đối với dược liệu nhập lậu, thì trong số 49 mẫu có 15 mẫu có hàm lượng lưu huỳnh, thạch tín vượt quá chỉ số cho phép nhiều lần. Kết quả xét nghiệm 65 loại dược liệu phổ biến của Trung Quốc do Tổ chức Hòa bình xanh thực hiện có đến 50 loại dương tính với dư lượng thuốc trừ sâu...
Ông Chu Xuân Kiên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, trước tình trạng buôn bán, vận chuyển dược liệu nhập lậu, kém chất lượng từ biên giới Việt - Trung có xu hướng tăng mạnh, Chi cục QLTT Hà Nội đã chỉ đạo các đội QLTT phối hợp với các lực lượng chức năng, các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, có biện pháp quản lý hiệu quả; xử lý dứt điểm tình trạng sản xuất, sơ chế, kinh doanh dược liệu không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn tại Ninh Hiệp và trên toàn thành phố. BCĐ đã yêu cầu xã Ninh Hiệp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân không sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển dược liệu không rõ nguồn gốc, không an toàn sức khỏe người tiêu dùng; đồng thời yêu cầu các ngành liên quan phối hợp đồng bộ để quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất, sơ chế của các hộ kinh doanh để bảo đảm chất lượng, an toàn với các sản phẩm đông dược.