Cuộc đối đầu chưa có hồi kết

Thế giới - Ngày đăng : 06:41, 07/06/2016

(HNM) - Sau 3 ngày làm việc với nội dung dày đặc, Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 diễn ra tại Singapore vừa kết thúc trong bất hòa, sau khi Trung Quốc và Mỹ có màn

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ A.Carter gặp người đồng nhiệm Hàn Quốc Han Minkoo (phải) và Nhật Bản Gen Nakatani bàn về những thách thức khu vực tại Shangri-La lần thứ 15.


Không phải ngẫu nhiên trong bài phát biểu tại phiên họp toàn thể của Đối thoại Shangri-La 15 với chủ đề "Đương đầu những thách thức an ninh phức tạp của Châu Á", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã nhắc đi nhắc lại tới 38 lần cụm từ "có nguyên tắc" như một khái niệm an ninh mới trong khu vực. Điều này thể hiện quan điểm rõ ràng của Washington trước những hành vi cải tạo, xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông; đồng thời nhấn mạnh khả năng hình thành cơ chế hợp tác giữa các nước để ngăn chặn những hành vi của Bắc Kinh nhằm thay đổi hiện trạng trong vùng biển này.

Nói cách khác, có thể đây sẽ là một "mạng lưới an ninh" do Mỹ hậu thuẫn, liên kết các quốc gia bảo vệ tự do hàng hải tại khu vực đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận thế giới. Dù không đưa ra những hành động cụ thể nào thời gian tới, nhưng có thể thấy rõ lập trường cứng rắn của Mỹ khi Bộ trưởng A.Carter nhấn mạnh: "Căng thẳng đang gia tăng trong khu vực và ngay trong khán phòng này" vì các hành động của Trung Quốc. Phần kết thúc bài phát biểu của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ cũng không kém phần gay gắt khi nêu "một số hành động bành trướng khó lường" của chính quyền quốc gia đông dân nhất thế giới trong các vấn đề Biển Đông, không gian mạng... đã gây lo ngại. Ông chủ Lầu Năm Góc kêu gọi Bắc Kinh đi theo xu hướng của khu vực, nếu không sẽ tự xây “Vạn lý trường thành” cô lập mình.

"Song hành" với Bộ trưởng Quốc phòng A.Carter, trong chuyến thăm Mông Cổ hôm 5-6 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng không ngần ngại đưa ra cảnh báo, Washington sẽ xem việc Trung Quốc đơn phương thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông là hành động khiêu khích, gây mất ổn định khu vực. Theo ông J.Kerry, hành động như vậy sẽ gây căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia Châu Á khác, củng cố những hoài nghi về cam kết giải quyết các tranh chấp về chủ quyền biển đảo bằng biện pháp ngoại giao của Trung Quốc.

Đáp trả những động thái của Mỹ, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Tôn Kiến Quốc đã khiến Shangri-La "bốc hỏa" bằng giọng điệu mà giới quan sát gọi là thiếu thiện chí. Dù khẳng định Bắc Kinh luôn chủ trương bắt tay, đối xử hòa hiếu, tương trợ láng giềng và bạn bè; song tướng Tôn lại tuyên bố Trung Quốc "có chủ quyền lịch sử không thể bác bỏ" đối với Biển Đông và rằng chủ quyền này bị các quốc gia lân cận, đặc biệt là Philippines "xâm lược". Vị tướng Trung Quốc lên án việc Philippines đưa tranh chấp Biển Đông lên Tòa trọng tài Thường trực của LHQ (PCA) là "hành động đơn phương, khiêu khích, vi phạm cam kết song phương"; đồng thời cho rằng PCA "không có thẩm quyền phân xử tranh chấp lãnh thổ". Vì thế, Trung Quốc sẽ bác bỏ phán quyết PCA sắp đưa ra. Đại diện Trung Quốc chỉ trích Mỹ, cụ thể là Bộ trưởng Quốc phòng A.Carter đã thổi phồng tranh chấp ở Biển Đông.

Theo giới bình luận quốc tế, khát vọng muốn cân bằng chiến lược với Mỹ ở cả sân chơi quyền lực toàn cầu lẫn ưu thế chiến lược vượt trội tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang trở thành động lực chính để Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động bành trướng trên Biển Đông. Hậu quả tất yếu có thể thấy là các tranh chấp tại khu vực ngày càng bị đẩy lên cao với những diễn biến leo thang do chính sách được cho là khiêu khích từ phía Trung Quốc, cụ thể là việc sử dụng sức mạnh quân sự và chính trị để ép các quốc gia Đông Nam Á yếu hơn về cả quân sự lẫn tiềm lực kinh tế, những nước đang bị Trung Quốc thách thức về yêu sách chủ quyền. Đúng như Robert Kaplan, chuyên gia hàng đầu Bắc Mỹ về các vấn đề chiến lược đã nhận định: "Nếu như lãnh thổ nước Đức là chiến tuyến trong thời kỳ Chiến tranh lạnh thì Biển Đông cũng có thể trở thành giới tuyến quân sự trong những thập kỷ tới". 

Lâm Phương