Thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội: Nỗ lực cho một kỳ thi công bằng

Tuyển sinh - Ngày đăng : 06:38, 07/06/2016

(HNM) - Ngày mai 8-6, hơn 75 nghìn thí sinh (TS) trên địa bàn TP Hà Nội sẽ tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2016-2017.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý kiểm tra công tác chuẩn bị tại điểm thi Trường THCS Phan Đình Phùng (quận Ba Đình). Ảnh: Khánh Huy


Sẵn sàng trước giờ "G"

Năm học 2016-2017, Hà Nội tiếp tục thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 THPT bằng phương thức xét tuyển kết hợp với thi tuyển. Phần xét tuyển là kết quả học tập và rèn luyện của học sinh (HS) ở cấp THCS - đã được các nhà trường hoàn thành trong tháng 5 vừa qua. Toàn bộ dữ liệu điểm của từng HS lớp 9 cũng đã được công bố công khai, để HS tự kiểm tra, đồng thời tạo sự giám sát chéo lẫn nhau. Nhiều năm nay, Hà Nội đã áp dụng phần mềm quản lý điểm của từng HS tại các trường THCS, bắt đầu từ khi các em bước vào lớp 6. Việc quản lý, công khai điểm số của HS lớp 9 tại các trường THCS trên địa bàn Hà Nội vừa qua không để xảy ra trường hợp sai sót, khiếu nại nào. Phần thi tuyển sẽ do Sở GD-ĐT tổ chức chung vào ngày 8-6 tới đây cho HS trên địa bàn thành phố với hai môn thi ngữ văn, toán.

Dù kỳ thi đã được tổ chức nhiều năm, với cách thức thi và môn thi không thay đổi, song tinh thần được lãnh đạo Sở GD-ĐT quán triệt tới từng hiệu trưởng nhà trường, các thầy cô giáo tham gia làm thi không được chủ quan, mà coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nỗ lực cao nhất để không để xảy ra bất kỳ một sai sót nào. Theo chỉ đạo của Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Văn Đại, các nhà trường cần làm tốt ngay từ khâu chuẩn bị, bởi công tác chuẩn bị càng chu đáo bao nhiêu thì mức độ thành công của kỳ thi càng cao bấy nhiêu.

Kỳ thi vào lớp 10 THPT của Hà Nội có 154 điểm thi với 3.166 phòng thi. Bà Hoàng Thị Oanh, Phó Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT cho biết: Từ ngày 30-5 đến ngày 3-6 đã có 15 đoàn kiểm tra của Sở kiểm tra trực tiếp từng điểm thi. Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện một số tồn tại như quạt hỏng, thiếu tường rào, nhà vệ sinh hỏng, sân trường còn đang thi công, chưa có đủ bàn ghế, thiếu nhân viên y tế… Ngày 4-6, theo báo cáo nhanh, hầu hết các điểm thi đã khắc phục những tồn tại này và khẳng định đáp ứng các yêu cầu của kỳ thi.

Ông Vũ Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (Ba Vì) khẳng định: Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện bảo đảm trật tự an toàn cho kỳ thi của nhà trường đã hoàn tất. Đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường cũng đã nhận quyết định điều động, sẵn sàng làm nhiệm vụ với ý thức trách nhiệm cao nhất để kết quả thi phản ánh đúng thực chất năng lực của từng HS, chọn đúng HS có năng lực vào trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cấp THPT. Bà Phó Thị Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Tây (Sơn Tây) cũng khẳng định mọi điều kiện bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc đã hoàn thành. Khâu được lưu ý nhất với đội ngũ cán bộ, giám thị là ở khâu coi thi, bởi vậy việc tập huấn về quy chế thi được đặc biệt coi trọng, dứt khoát không để giám thị nào không thuộc quy chế được nhận nhiệm vụ.

Thí sinh đối chiếu danh sách tại kỳ thi năm học 2015-2016. Ảnh: Như Ý


Chủ động kiểm soát diễn biến kỳ thi

Để tổ chức kỳ thi này, Sở GD-ĐT Hà Nội đã huy động 10 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ. Hà Nội vẫn áp dụng cách thức đổi chéo cán bộ, giáo viên giữa các quận, huyện, thị xã nhằm tăng cường tính nghiêm túc của kỳ thi, bảo đảm cho việc tạo ra một "sân chơi" bình đẳng giữa các thí sinh.

Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT, trưởng điểm thi là người chịu trách nhiệm cao nhất tại từng điểm thi. Yêu cầu của Ban chỉ đạo thi thành phố là trưởng các điểm thi khi đến nhận nhiệm vụ phải trực tiếp rà soát lại mọi đầu việc chuẩn bị tổ chức kỳ thi, điều kiện đáp ứng của từng phòng thi từ những việc nhỏ nhất. Nếu phát hiện điều gì chưa thực sự yên tâm có thể kiến nghị để bổ sung, chỉnh lý kịp thời. Việc trao quyền chủ động cho các trưởng điểm thi là cách làm được Hà Nội duy trì nhiều năm qua, vừa tăng cường trách nhiệm của cá nhân cũng đồng thời phát huy ý thức tự giác, tự chủ, năng động của người thực thi.

Dù là kỳ thi mang phạm vi địa phương, song là kỳ thi có quy mô lớn - với hơn 75 nghìn TS dự thi, kỳ thi mang tính cạnh tranh khá cao, lãnh đạo ngành nhận định mọi diễn biến của kỳ thi đều sẽ nhận được sự quan tâm của phụ huynh có con tham dự kỳ thi nói riêng và toàn xã hội nói chung. Tại hội nghị hướng dẫn coi thi diễn ra ngày 4-6 vừa qua, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Văn Đại nhấn mạnh: Là người được trao trọng trách lớn nhất tại điểm thi, các trưởng điểm thi phải chủ động kiểm soát diễn biến tình hình trong từng ngày kỳ thi diễn ra. Dù tại từng điểm thi có nhiều lực lượng cùng tham gia giám sát như thanh tra cắm chốt, thanh tra lưu động, cán bộ giám sát phòng thi… song trưởng điểm thi không được chủ quan, lơ là. Ngoài việc trực tiếp rà soát từng đầu việc, trưởng điểm thi phải thường xuyên có mặt tại từng phòng thi, trong đó đặc biệt lưu ý tới những nơi có nhiều nguy cơ như gần tường rào, sát cửa sổ nhà dân… Trong trường hợp sự cố ngoài thẩm quyền, các trưởng điểm thi có thể nhờ sự hỗ trợ từ Ban Chỉ đạo thi thành phố.

Một số điều thí sinh cần nhớ:

- Ngày 8-6, buổi sáng từ 8h thi môn ngữ văn, buổi chiều từ 14h30 thi môn toán.
- Đến muộn quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài không được dự thi.
- Khi nộp bài thi, phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp, ký xác nhận vào phiếu thu bài thi. Trường hợp không làm được bài cũng phải nộp giấy thi nhưng không nộp giấy nháp.
- Có thể được ra khỏi phòng thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của môn thi. Trước khi ra khỏi phòng thi phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp.
- Trong trường hợp đặc biệt, TS được ra khỏi phòng thi khi được phép của giám thị trong phòng thi và phải chịu sự giám sát của giám thị ngoài phòng thi.

Thống Nhất