Khát vọng Trường Sa

Đời sống - Ngày đăng : 14:47, 06/06/2016

(HNMO) - Mặc dù dự báo thời tiết báo ngoài khơi đang biển động do ảnh hưởng từ cơn áp thấp nhiệt đới nhưng đúng 8 giờ sáng chuyến tàu KN 490 đưa đoàn công tác số 15 ra thăm Trường Sa vẫn xuất phát đúng kế hoạch mang theo những khát vọng Trường Sa...

Lễ kéo cờ trên đảo Đá Lớn C


Điều dễ nhận thấy nhất ở Quần đảo Trường Sa là các bãi san hô, rạn đá ngầm, cồn cát và các đảo chìm đảo nổi được hình thành bởi các miệng núi lửa đã “chết” hàng triệu năm. Các miệng núi lửa này hình vành khăn hoặc elip nhô lên gần mặt nước biển, vùng nước nông nằm ở phía bên trong. Vô vàn mảnh vụn san hô đời này qua đời khác “tạo hóa” trộn lẫn với sinh vật, cây cối chết, phân chim… hình thành chất mùn xốp ở mặt đảo. Trong các tài liệu và bản đồ cổ của Việt Nam và nước ngoài từ nhiều thế kỷ trước ghi rõ quần đảo Trường Sa là lãnh thổ và nằm trong hệ thống địa lý hành chính Việt Nam. Lê Quý Đôn, trong tác phẩm “Phủ biên tạp lục” viết năm 1776 có ghi: “Phủ Quảng Ngãi, ở ngoài cửa biển xã An Vinh, huyện Bình Sơn có núi gọi là Cù Lao Ré, phía ngoài đó có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hóa vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi ba ngày đêm thì mới đến”. Địa điểm Lê Quý Đôn nói tới là quần đảo Trường Sa ngày nay. Qua tài liệu các thời kỳ trước năm 1884, từ năm 1884 đến tháng 1-1950, từ năm 1950 đến tháng 4-1975 và từ năm 1975 đến nay đều khẳng định quần đảo Trường Sa từ lâu đã là một bộ phận lãnh thổ cụ thể, có tên tuổi, có người quản lý, làm chủ thuộc Nhà nước Việt Nam.

Sau 2 ngày lênh đênh trên biển, rạng sáng ngày thứ 3 chúng tôi đến đảo Đá Lớn. Bây giờ là cuối tháng 5, vẫn nằm vào mùa ít gió, nắng nhè nhẹ do đang chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tuy nhiên do vĩ độ thấp nên trời hơi oi bức. Đảo Đá lớn là đảo chìm. Thềm san hô của đảo Đá Lớn khép kín tạo nên hồ nước mặn dài khoảng 10km và rộng 1km. Khi thủy triều xuống khoảng 0,5m mét thì những rặng đá mồ côi nhô lên khỏi mặt nước, khi thủy triều lên cao nhất, toàn đảo bị ngập trong nước. Để giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, tránh bị xâm lấn trái phép, từ năm 1988, bộ binh hải quân đã xây dựng ba nhà lâu bền trên đảo Đá Lớn tại thềm san hô phía Bắc, phía Nam và phía Đông. Do thủy triều trên đảo là chế độ nhật triều, một lần nước lên, một lần nước xuống, nên tàu chở chúng tôi phải neo đậu phía ngoài đảo chờ thủy triều lên mới đi ca-nô vào đảo.

Lính đảo đón nhận món quà động viên từ những người thợ điện trong đất liền.


Chính trị viên đảo Đá Lớn A - Hoàng Văn Sinh cho biết, thường thì đảo Đá Lớn chịu sự chi phối của ba khối gió mùa Đông Bắc, Đông Nam và Tây Nam, nhưng tháng này đang giao mùa nên lúc thì gió Đông Bắc, lúc thì Tây Nam. Gió mang hơi nước từ biển nên có ảnh hưởng đến sức khỏe của anh em trên đảo. Giữa biển nước mênh mang, xanh ngắt, phía trước đảo Đá Lớn nổi C lên một doi cát trắng ngần, các chàng lính đảo nói rằng: Bãi cát không đứng yên mà đang đi, đang dịch chuyển dần, đến tháng mười thì nó sang phía Đông Nam đảo. Hết biên độ, bãi cát lại dịch chuyển trở lại. Còn nhiều đảo khác cũng có bãi cát dịch chuyển sinh động; tất cả đều bắt đầu từ gió, bão và thủy triều. Chính sự biến ảo nhìn thấy này là điều kỳ lạ của Trường Sa.

Nhưng, con người mới làm nên đều kỳ diệu ở Trường Sa. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã từng viết: “Đảo tự giấu mình trong màu nước lam xanh/ Cái giọt máu thiêng dưới ngầu ngầu bọt sóng/ Tổ quốc ơi! Tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống/ Bóng chúng tôi trùm khắp đảo Thuyền Chài...” Chúng tôi mà nhà thơ Trần Đăng Khoa nói đến chính là những người lính. Có người lính bảo vệ đảo chìm đảo nổi; lại có những người lính xây đảo lên cao, không để đảo phải “giấu mình trong nước màu lam” nữa. Tôi đã nghe, đã đọc về những người lính vác đá, cát, sắt thép, xi măng, vác nước ngọt trộn vữa… xây đảo lớn đảo bé trong nắng gió Trường Sa. Nhưng hôm nay, đã được nhìn thấy bằng xương bằng thịt những người lính biển, họ còn rất trẻ, chỉ hơn đôi mươi. Người lính công binh hải quân Nguyễn Văn Hoàn, 22 tuổi, quê Hưng Yên, rời ghế nhà trường là nhập ngũ và ra đảo để cùng đồng đội xây dựng Nhà Văn hóa Đa Năng- món quà thể hiện tấm lòng tình cảm của 106 nghìn CBCNV Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang hướng về biển đảo. Như Thành viên Hội đồng thành viên Phạm Mạnh Thắng đã nói: Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát triển vững mạnh như ngày hôm nay một phần là nhờ có môi trường chính trị ổn định, thuận lợi, quốc phòng an ninh bảo đảm. Do vậy, việc tài trợ, ủng hộ cho Trường Sa nói riêng và thực hiện nhiệm vụ đảm bảo cho phát triển kinh tế xã hội , cung cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo nói chung là trách nhiệm và nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Thời gian tới Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng với quân và dân Trường Sa để sẻ chia bớt những khó khăn vất vả thiếu thốn về vật chất, tinh thần của những chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Ấy là điều kỳ diệu.

Vững chắc tay súng giữ biển trời quê hương.


Người lính trẻ Nguyễn Văn Hoàn, Vũ Đức Chiến, Đỗ Quang Huân, chính trị viên Hoàng Văn Sinh hay thủy thủ trên những chuyến tàu làm nhiệm vụ kết nối đảo và đất liền Hoàng Ngọc Dương, Đào Trọng Hiếu, Vũ Mạnh Cường, Võ Đông Ny…mà tôi gặp hôm nay cũng như hàng triệu người Việt Nam yêu nước, họ đã sống và thầm lặng hy sinh để giữ gìn biển đảo, bờ cõi, để không một phút giây hổ thẹn với tiền nhân. Họ là những hậu duệ của hùng binh Hoàng Sa năm xưa sẵn sàng xả thân cho biển đảo của Tổ quốc là vì cái lý rất cao cả. Cái lý của người thủy thủ, người lính đảo Trường Sa: Một thước núi, một tấc sông của ta, thì ta phải quyết giữ, cái lý đanh thép, bình dị và vĩnh hằng như chân lý cuộc đời…

Khát vọng khơi xa là khát vọng ngàn đời nay của người lính biển. Đến với Trường Sa hôm nay, tôi hiểu thêm về cuộc sống của những người lính biển: Vất vả, nhọc nhằn. Trên thì trời, dưới thì nước. Rồi sóng to gió cả. Đầy những hiểm nguy rình rập. Bão tố phong ba vốn đã quá quen thuộc với họ, giờ lại là những mặt người nhòm ngó, gây gổ, đuổi xua. Nhưng tôi tin, hơn ai hết, người lính biển đang biết phải làm gì để vượt qua những khó khăn, gian khổ ấy. Và càng thấu hiểu cái giá của độc lập tự do đã phải đổi bằng “một tấc non sông, một dòng máu đỏ” của quân và dân Trường Sa. Máu xương, nước mắt, mồ hôi của quân và dân Trường Sa đổ xuống đang được đền đáp khi cột cờ chủ quyền luôn tung bay trên vị trí cao nhất của đảo, lồng lộng giữa sóng gió Biển Đông, chợt nghe trong gió, trong đất, trong từng cây cỏ nơi hòn đảo tiền tiêu này vọng lại lời của vua Lê Thánh Tông (1442-1497) nói với các quan phụ trách biên cương, đứng đầu là Thái bảo Kiến Dương Bá Lê Cảnh Huy vào tháng tư năm 1473, được ghi lại trong sách Đại Việt sử ký toàn thư: "Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ đi được. Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di"…

Đảo Đá Lớn C.


Trường Sa đã “vận” vào số phận định mệnh dân tộc ta ở hai chiều quá khứ và tương lai. Cuộc chiến giữ gìn biển đảo của Tổ quốc đã, đang và sẽ vô cùng phức tạp, dài lâu. Biển, từng ấy cây số vuông. Đảo, nổi chìm ngần ấy hòn... mãi mãi là một phần không thể tách rời, là hồn cốt của dân tộc Việt Nam.

Thanh Mai