Hội nghị Paris về xung đột Israel - Palestine: Nỗ lực tìm giải pháp hòa bình

Thế giới - Ngày đăng : 07:15, 06/06/2016

(HNM) - Sáng kiến ngoại giao của Pháp chưa được đền đáp xứng đáng, khi Hội nghị hòa bình Trung Đông do nước này đề xuất diễn ra cuối tuần qua, với mục đích đưa Israel và Palestine quay trở lại bàn đàm phán vẫn đang gặp nhiều thách thức.

Giải pháp hai nhà nước với sự tồn tại song song của Palestine và Israel là con đường duy nhất dẫn đến hòa bình.


Với sự tham gia của 26 quốc gia và tổ chức, trong đó có các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, Mỹ và Liên đoàn Arab, hội nghị đã vượt xa tất cả các khuôn khổ diễn đàn đa phương khác nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho xung đột ở Trung Đông. Các nhà ngoại giao hàng đầu của 26 quốc gia cho biết sẽ tích cực hợp tác để chuẩn bị cho hội nghị cấp cao, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có lãnh đạo Israel và Palestine, trước cuối năm nay. Dù vậy, kết quả cũng chỉ hạn chế bởi hội nghị không khắc phục được điểm yếu cố hữu là thái độ của các bên trực tiếp liên quan. Tuy nhiên, điều này đã mang đến niềm tin về việc những nỗ lực giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine đã được tái khởi động.

Trước đây, Pháp từng nỗ lực cứu vãn bế tắc trong đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine do Mỹ bảo trợ vào năm 2014 nhưng đã đổ vỡ vì quan điểm cứng rắn và quá cố chấp của lãnh đạo Israel. Kể từ đó, các nỗ lực nối lại hòa đàm bị "chết" trong bối cảnh thế giới có quá nhiều điểm nóng mới và những vấn đề cấp bách nảy sinh như khủng hoảng Ukraine, nội chiến Syria, chống khủng bố IS, khủng hoảng người di cư… Lần này, nước Pháp lại "ra tay" nhằm tháo gỡ cuộc xung đột tồn tại suốt bao thập kỷ qua và người Palestine tiếp tục hy vọng vào một giải pháp hiệu quả cuối cùng. Điều này có thể được thấy rõ qua các hoạt động ngoại giao tích cực và sôi động của các quan chức Pháp thời gian qua. Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault đã liên tục có các cuộc gặp song phương với những đối tác liên quan trực tiếp đến tiến trình hòa bình Trung Đông như Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hay Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Hội nghị lần này không có sự tham dự của hai nước có liên quan trực tiếp là Israel và Palestine. Theo giải thích của phía Pháp, họ đưa ra quyết định này vì chính quyền Tel Aviv luôn từ chối thỏa hiệp. Hơn nữa, mục đích của hội nghị là để tạo nền tảng giúp kích hoạt trở lại tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. Tuy nhiên phía Israel đã tỏ rõ thái độ phản đối, không muốn tham gia vào sáng kiến của Pháp, trong khi chính quyền Palestine hoan nghênh nỗ lực này.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu liên tục bác bỏ khả năng tham gia vào bất kỳ nỗ lực đa phương nào nhằm giải quyết cuộc xung đột giữa họ với Palestine. Ông B.Netanyahu nhấn mạnh, "cách duy nhất để thúc đẩy hòa bình thực chất với Palestine là thông qua đàm phán trực tiếp giữa hai bên mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào". Nhà lãnh đạo Israel vẫn khăng khăng đòi đối thoại, đàm phán trực tiếp song phương với Palestine dù biện pháp này đã thực hiện trong suốt hàng chục năm qua mà không mang lại kết quả gì. Israel không chấp nhận một Nhà nước Palestine độc lập dù trong thành phần Chính phủ nước này có những người ủng hộ tiến trình hòa bình Trung Đông.

Trước áp lực của thế giới Arab và cộng đồng quốc tế, Israel buộc phải "hợp tác" với Palestine để tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột giữa hai bên. Nhưng vấn đề là Tel Aviv muốn duy trì đàm phán trên thế mạnh, không muốn có bất kỳ sự nhượng bộ nào đối với Palestine về các vấn đề cơ bản trong tiến trình hòa bình Trung Đông, buộc Palestine phải thương lượng trên thế yếu, chấp nhận những giải pháp nằm trong lợi ích của Israel.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng tỏ ra không mấy mặn mà với sáng kiến của Pháp. Sau nhiều tuần do dự, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cuối cũng đã nhất trí tham dự hội nghị đa phương về tiến trình hòa bình Trung Đông. Tuy nhiên, Mỹ vẫn tỏ ra lo ngại về khả năng thất bại của sáng kiến lần này có thể ảnh hưởng đến triển vọng xây dựng hòa bình lâu dài. Nhiều chuyên gia nhận định, những nỗ lực ngoại giao của Pháp cứu vãn hòa bình Trung Đông sẽ không đạt được bước tiến nếu không có sự hỗ trợ tích cực của Mỹ.

Dẫu hội nghị quốc tế về hòa bình Trung Đông theo sáng kiến của Pháp chưa thu hẹp được bất đồng, nhưng không thể phủ nhận những nỗ lực của chính quyền Paris nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng Israel - Palestine tồn tại nhiều thập kỷ qua. Sự can dự của Pháp đã cho thấy, nước này nói riêng và Châu Âu nói chung đang thực sự lo ngại về việc nếu cộng đồng quốc tế không nhanh chóng khởi động trở lại tiến trình hòa bình, không nhanh chóng thúc đẩy tiến trình giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Khu vực Trung Đông vốn đã bất ổn có thể bất cứ lúc nào chìm sâu hơn trong bạo lực, xung đột khi vấn đề cốt lõi là hòa bình cho người Palestine không được thúc đẩy và thực hiện.

Thùy Dương