Huy động sức dân cải tạo môi trường sống

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:41, 06/06/2016

(HNM) - Những thay đổi về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân huyện Thanh Trì những năm gần đây có vai trò rất lớn của cấp ủy cơ sở, xuất phát từ một chủ trương rất trúng của Huyện ủy.


Tại xã Tứ Hiệp, từ đường lớn, càng đi sâu vào trong các ngõ xóm, càng thấy rõ cảnh quan môi trường có bàn tay chăm chút của con người. Đường vào thôn Cổ Điển B, hai bên là hàng cây được cắt tỉa gọn gàng. Vào mùa hoa mười giờ nở, những cụm hoa vàng, đỏ nhỏ xinh nở rộ điểm tô thêm nét tươi vui, thanh bình của làng quê. Theo ông Trương Văn, Bí thư Chi bộ 3 thôn Cổ Điển B, hơn một năm trước khi thôn tổ chức trồng cây, vệ sinh đường làng ngõ xóm, dân làng tham gia đông vui như ngày hội. Ven các tuyến đường rộng còn có những chiếc ghế đá do người dân ủng hộ để phục vụ nhân dân trong làng ngồi hóng mát lúc chiều về.

"Điều quan trọng là ý thức giữ gìn vệ sinh chung của người dân được nâng lên nhiều. Không chỉ tham gia quét dọn dịp cuối tuần, hằng ngày người dân còn chủ động vệ sinh trước nhà mình" - ông Trương Văn nói.

Không chỉ ở thôn Cổ Điển B, ý thức cộng đồng về giữ gìn vệ sinh môi trường được nhân rộng ra toàn xã Tứ Hiệp. Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Trương Đức Long cho biết, giữa năm 2013, thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy Thanh Trì, Đảng ủy xã đã ban hành Chương trình 03 về việc cải tạo cảnh quan môi trường xây dựng đường làng ngõ xóm gắn với xây dựng nông thôn mới. "Khi bàn về xây dựng nông thôn mới, chúng tôi thống nhất cao rằng, tiêu chí về môi trường rất quan trọng. Bây giờ không nghĩ ngay đến bảo vệ môi trường, cảnh quan thì sau này muốn làm cũng không làm được" - Bí thư Đảng ủy xã Tứ Hiệp nói. Cách mà Tứ Hiệp đã thực hiện thành công là đẩy mạnh tuyên truyền, huy động sức dân cả về kinh phí và công lao động triển khai một cách bài bản. Nhờ đó, toàn xã đã trồng được gần 1.000 cây sấu tạo bóng mát trên các tuyến đường.

Cùng với Tứ Hiệp, những chuyển biến về cảnh quan môi trường, vệ sinh còn phổ biến ở 15 xã, thị trấn còn lại trên địa bàn huyện Thanh Trì. Đó là thành quả mà điểm xuất phát là Đề án "Nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ môi trường huyện Thanh Trì đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020" của Huyện ủy. Thực hiện đề án này, 16 xã, thị trấn trong huyện đã có kế hoạch chi tiết, với lộ trình thực hiện cụ thể. Cả hệ thống chính trị vào cuộc. Các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể luân phiên phụ trách một tuần vừa tham gia, vận động vừa kiểm tra, giám sát việc thực hiện vệ sinh môi trường… Những đoạn đường tự quản, tuyến đường văn minh ngày càng được nhân rộng. Nhiều ao, hồ trong các điểm di tích lịch sử văn hóa, quanh khu dân cư được đầu tư nạo vét, kè xung quanh, bơm nước mới… Nhiều ao tù, nước đọng giờ trong xanh, trẻ em có thể tập bơi. Cũng từ đề án này, Thanh Trì trở thành huyện đầu tiên của Hà Nội xóa bỏ 100% điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ.

Tiếp nối thành công của đề án, Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Trì vừa ban hành Nghị quyết chuyên đề "Về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện". Ông Phùng Xuân Trường, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy (cơ quan tham mưu xây dựng Nghị quyết) cho biết: "Huyện ủy xác định, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp bách của cấp ủy, chính quyền... và phải được thực hiện bắt đầu từ mỗi cá nhân, gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện". Ngoài duy trì những thành quả đã đạt được, Huyện ủy Thanh Trì sẽ kiên quyết xử lý các khu vực, cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn huyện.

Nghị quyết mới của Ban Thường vụ Huyện ủy đang được triển khai tới các xã, thị trấn và sẽ được phổ biến đến từng chi bộ. Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tứ Hiệp Trương Đức Long cho biết: "Đảng ủy xã sẽ cố gắng thực hiện tốt Nghị quyết của huyện. Trước mắt, chúng tôi sẽ thực hiện một số việc mới gắn với "Năm trật tự và văn minh đô thị" như bó gọn dây điện, dây cáp; vận động nhân dân sơn tường đồng màu hoặc trang trí bằng tranh gốm; kè và làm sạch thêm một số ao; xây dựng khu vui chơi…". Bí thư Chi bộ 3 thôn Cổ Điển B Trương Văn cũng khẳng định: "Toàn bộ 43 đảng viên đang sinh hoạt sẽ được phân công phụ trách các ngõ. Đây là những hạt nhân nêu gương và vận động quần chúng. Chúng tôi tin là sẽ thực hiện tốt Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy, làm cho môi trường sống của chính mình tốt hơn lên".

Ngoài ngân sách của Nhà nước, những năm qua huyện Thanh Trì đã huy động nhân dân đóng góp được trên 137 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp giao thông nông thôn, cải tạo kênh mương, ao hồ. Nhân dân đã hiến 11.380m2 đất để mở rộng đường giao thông nông thôn đồng bộ với hệ thống cấp nước, thoát nước. 64 điểm tập kết rác thải được quy hoạch và xây dựng mới; 98% lượng rác thải phát sinh trong ngày đã được thu gom, vận chuyển đến nơi quy định.

Võ Lâm