Gieo mầm xanh cho tương lai

Xã hội - Ngày đăng : 06:22, 06/06/2016

(HNM) - Như báo Hànộimới đã đưa tin sáng 4-6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng lãnh đạo tỉnh Sơn La, Điện Biên đã tham gia trồng 1.000 cây hoa ban trên đường Võ Nguyên Giáp, Hà Nội. Chương trình trồng thêm một triệu cây xanh cho thành phố cũng chính thức khởi động từ ngày này với mục tiêu tăng mật độ cây xanh từ 7,8m2/người lên 9-10m2/người…

Những hoạt động vừa hết sức cụ thể vừa có định hướng lâu dài này nhắc nhở chúng ta về ngày Môi trường thế giới (5-6). Ngoài việc hưởng ứng phát động của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), hoạt động này còn thực sự xuất phát từ chính tiếng gọi cấp thiết của môi trường sống người dân. Không phải ngẫu nhiên mà năm 2016, Việt Nam hưởng ứng ngày Môi trường thế giới với chủ đề "Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta". Với Hà Nội, thông điệp này một lần nữa nhắc nhở mỗi công dân hãy lắng nghe tiếng gọi khẩn thiết ấy từ chính không gian nuôi dưỡng mình. Đó là từng ngôi nhà, khu dân cư, phường, xã, là thành phố thân yêu ta hòa mình trong đó mỗi ngày.

Tiếng gọi ấy thúc giục những nỗ lực không ngừng để gieo mầm văn hóa sống xanh, thể hiện trong mọi hoạt động của thành phố! Vì một cuộc sống nhân bản và những lợi ích lâu dài mang tính quốc gia cũng như toàn cầu.

Thực tế, Hà Nội cũng như nhiều đô thị lớn khác đang phải gánh chịu những tác động ghê gớm của biến đổi khí hậu tới đời sống người dân. Hoạ sĩ người Hà Nội - Đỗ Phấn đã từng có tập tản văn "Hà Nội thì không có tuyết". Nhưng, chẳng ai ngờ hiện tượng thời tiết bất thường này thực sự xảy ra ở Ba Vì. Những cụm từ "không khí lạnh kỷ lục", "nhiệt độ thấp lịch sử", "nắng nóng dữ dội", "băng giá xuất hiện"… không còn là chuyện hiếm trên phạm vi cả nước và Thủ đô. Ô nhiễm không khí, sự thu hẹp diện tích mặt nước sông, hồ càng làm cho "thành phố trong sông" thêm mỏi mệt.

Diễn biến này một phần là do sự tác động chung khó lường của biến đối khí hậu trên phạm vi toàn cầu, nhưng quan trọng không kém còn là do sự vô cảm của một bộ phận người dân với môi trường sống của chính mình. Hồ Tây - chiếc gương của thành phố, lá phổi xanh của Thủ đô đã bị lấn chiếm như thế nào và ô nhiễm do rác thải cũng như các hoạt động đánh bắt cá của người dân ra sao cũng đủ để… giật mình. Và cũng chính người dân đang làm ô nhiễm nặng nề môi trường khi vô tư xả thẳng rác thải độc hại như pin, túi ni lông, hóa chất độc hại xuống lòng đất...

Hà Nội - thành phố của sông hồ, cây xanh thực sự đã phải trải qua một cuộc "giằng co" dữ dội để bảo toàn chính sự trong lành của bầu sinh quyển đô thị; để gìn giữ cho Thủ đô một hình ảnh tươi đẹp thực sự chứ không phải hình ảnh trong thơ văn. Tinh thần này cũng thể hiện trong ý chí của hệ thống chính trị từ trung ương tới thành phố.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 đã nêu rõ mục tiêu "Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố "xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại". Trong đó, phần "Định hướng không gian xanh và mặt nước" xác định không gian xanh của thành phố bao gồm hành lang xanh, vành đai xanh dọc Sông Nhuệ, các nêm xanh và công viên đô thị. Quy hoạch chung sẽ tăng cường hệ thống không gian xanh, công viên đô thị, cải tạo hệ thống sông hồ, cơ cấu lại quỹ đất của công sở, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện sau khi di dời để nâng cao diện tích cây xanh. Chỉ tiêu cây xanh tại đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh đạt 12 đến 15m2/người. Bên cạnh đó là quy hoạch không gian cảnh quan sinh thái bảo vệ môi trường sinh học dọc các tuyến sông nối kết với các không gian xanh, các trung tâm văn hóa, kinh tế, xã hội lớn của thành phố… để tạo ra đặc trưng môi trường: Văn hóa, sinh thái, kiến trúc, mặt nước, cây xanh.

Cụ thể hơn nữa, trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI của Đảng bộ TP Hà Nội đã nêu rõ những mục tiêu "nóng" đến 2020 được thông qua như "Tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam: Khu vực đô thị là 95-100%; khu vực nông thôn là 90-95%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 100%. Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý: 90-95%. Bên cạnh đó 90-100% chất thải y tế phải được xử lý. Và nhiều nội dung quan trọng khác như 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 50% là nước sạch. Cũng sẽ bảo đảm sao cho 95-100% hộ dân đô thị có nguồn nước sạch để sử dụng…

Phía sau những con số, những mục tiêu là bộn bề lo toan, hành động!

Hà Nội thực sự đã trăn trở và có nhiều nỗ lực trên hành trình xây dựng Thủ đô xanh màu nước, màu cây, xanh bầu trời và xanh trong lối sống. "Năm trật tự và văn minh đô thị 2016" đang được triển khai tích cực với nhiều hiệu quả mới. Bài học từ việc ứng xử với cây xanh sao cho khoa học, hiệu quả, thông suốt "ý Đảng với lòng dân" được áp dụng ngay trong thực tế. Những tuyến phố phong quang, sáng sủa, khi hàng hàng cây xanh được cắt tỉa gọn gàng, giảm nguy cơ gãy đổ ảnh hưởng đến người tham gia giao thông. Mô hình cơ giới hóa xử lý rác thải theo phương thức "4 kín" của Hà Nội sau hai tháng thí điểm đã cho thấy những ưu điểm vượt trội. Cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ được chăm sóc; hàng trăm tuyến phố được bó gọn, thanh thải dây, cáp thông tin, tạo cảm giác về sự chuyển biến không nhỏ trong trật tự mỹ quan đô thị…

Tuy nhiên, thách thức trước mắt là không nhỏ! Năm 2020, thành phố sẽ đối mặt với quy mô dân số khoảng 7,3 đến 7,9 triệu người, đến năm 2030 ước khoảng 9,0 đến 9,2 triệu người. Dân số tăng sẽ tiếp tục tạo áp lực về nhiều mặt lên đời sống đô thị, đặc biệt là môi trường. Trong khi đó việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, đẩy mạnh các hoạt động của cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường lại đòi hỏi phải có thời gian.

Vì vậy, để chủ động đối diện với thách thức, bên cạnh sự quyết tâm, sáng tạo của hệ thống chính trị thì thành phố rất cần sự ý thức vào cuộc của mỗi công dân. Trồng nhiều cây, cải tạo sông hồ, chỉnh trang đô thị… không chỉ là việc làm đẹp về hình thức mà sâu xa hơn là hình thành một thái độ ứng xử đúng mực, nhân văn với môi trường sống của cộng đồng.

Một khi các cấp chính quyền quyết liệt, các tổ chức, cá nhân hưởng ứng tích cực và nhất là trong từng gia đình, người lớn làm gương trong cách sống này thì tất yếu trẻ thơ cũng hiểu rằng bỏ rác vào đúng nơi quy định là một hành động đẹp và gìn giữ môi trường sống cho thành phố phải thể hiện bằng từng việc làm cụ thể.

Mỗi việc nhỏ như vậy sẽ hợp thành giá trị lớn, gieo mầm văn hóa sống xanh, khởi nguồn cho sự phát triển hài hòa, bền vững của Thủ đô để trong mỗi chúng ta còn mãi niềm cảm hứng bất tận "Xanh, xanh thắm bầu trời xanh Hà Nội. Hồ Gươm xanh như mái tóc em xanh…"

Cao Hải Giang