Hà Nội phải vội mới thành

Kinh tế - Ngày đăng : 22:45, 05/06/2016

(HNMO) - Hà Nội cần phải làm thế nào để doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế cho mình và đất nước? Đó là vấn đề đã được đưa ra tại Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển”…

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức hội nghị bàn với chủ đề: “Hợp tác đầu tư và phát triển” cùng với doanh nghiệp. Hội nghị do UBND TP Hà Nội tổ chức vào ngày 4/6/2016 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải… cùng trên 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo một số tỉnh và đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các hiệp hội, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Hà Nội –nhiều lợi thế phát triển

Có thể nói Hà Nội có rất nhiều lợi thế mà không phải địa phương nào cũng có. Cụ thể, đó là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hợp tác mọi mặt của lãnh đạo Đảng, nhà nước, Quốc hội… cùng các địa phương trên cả nước.

Hà Nội có bề dày văn hóa lịch sử với hàng nghìn làng nghề truyền thống; người Hà Nội cần cù chăm chỉ, cởi mở thân thiện, có lực lượng lao động trẻ ở độ tuổi vàng chiếm trên 60% lực lượng lao động, lao động có tỷ lệ qua đào tạo cao nhất cả nước và là nơi tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao; là nơi đầu tư an toàn. Sau 30 năm đổi mới Hà Nội đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường.

Hà Nội nhiều lợi thế phát triển...



Đặc biệt Hà Nội có vị trí địa lý kinh tế thuận lợi để kinh doanh phân phối hàng hóa cho các địa phương cũng như các nước nằm trong hành lang kinh tế các tiểu vùng sông Mê Kông. Bên cạnh đó, Hà Nội còn là địa phương rất chú trọng đến an sinh xã hội, xây dựng nhiều nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân… Không những vậy, một thuận lợi không thể không nhắc đến nữa là cộng đồng doanh nghiệp luôn mong muốn đồng hành cùng Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, Hà Nội hội tụ mọi tiềm năng và cơ hội phát triển trở thành Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại.

Với những thuận lợi đó, Hà Nội hoàn toàn có thể phát huy những mặt mạnh để vượt qua mọi thách thức thời hội nhập. Bởi vậy, trong giai đoạn 2016-2020 này, Hà Nội đã đặt ra một số mục tiêu cần phải đạt như mức tăng trưởng GRDP bình quân năm khoảng 8,5-9,0%; GRDP bình quân/người khoảng 6.700-6.800 USD.

Đặc biệt, thành phố đặt mục tiêu huy động vốn đầu tư xã hội giai đoạn này khoảng 2,5-2,6 triệu tỷ đồng (tương đương mức tăng: 13-14%/năm), trong đó vốn ngoài ngân sách chiếm 80%; Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị trong đó ưu tiên cho tăng trưởng xanh, ưu tiên đầu tư các công viên, các khu vui chơi giải trí với việc xây dựng mới 25 công viên, trong đó có 5 công viên là các khu vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn khu vực, quốc tế…

Ba đột phá nhằm thu hút đầu tư

Để đạt những mục tiêu đó, không có con đường nào khác, Hà Nội cần phải có sự hợp tác đầu tư từ các doanh nghiệp, các đối tác nước ngoài, nhờ đó mới phát huy tốt các thế mạnh của mình… “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển” là hội nghị bàn bàn về vấn đề đó.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, muốn có hợp tác, đầu tư tốt, Hà Nội cần thực hiện ba khâu đột phá đó là: Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Ba khâu đột phá đó, thực chất cũng liên quan đến các vấn đề mà các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang lo ngại. Nhất là vấn đề cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút các doanh nghiệp.

Đại diện VCCI cho rằng, Hà Nội chọn ba khâu đột phá đó là rất trúng. Tuy nhiên, Hà Nội chỉ cần thực hiện thật tốt Nghị quyết 19 và mới đây là Nghị quyết 35 là thu hút được nhiều nhà đầu tư, chứ chưa cần sáng tạo gì thêm. Bàn về tạo điều kiện tốt nhất cho DN thì Hà Nội chưa phải là địa phương được xếp thứ hạng cao nhất mặc dù đây là nơi rất hấp dẫn các nhà đầu tư.

Vì vậy, Hà Nội cần quan tâm tới cải cách hành chính ở ba lĩnh vực liên quan đến các doanh nghiệp như là vấn đề thuế, bảo hiểm xã hội, thủ tục đất đai… Việc tổ chức thanh tra, kiểm tra cũng vậy, hầu hết các doanh nghiệp đều rất ngại việc kiểm tra trùng, chéo. Tình trạng thanh tra, kiểm tra trùng lặp trên một danh nghiệp hiện còn chiếm đến 57%, đó là con số Hà Nội nên quan tâm.

Cũng tại Hội nghị này, Hà Nội đã công bố kết quả thu hút nguồn vốn đầu tư từ đầu năm đến nay cùng các định hướng đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Đó là, đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông kết nối nhanh, lan tỏa từ trung tâm ra các vùng ngoại vi. Hệ thống đường vành đai vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3, vành đai 3,5.

Đầu tư vào lĩnh vực công viên, khu vui chơi giải trí theo hướng hiện đại, chất lượng quốc tế; Chú trọng đầu tư công nghệ cao cho lĩnh vực y tế, lĩnh vực giáo dục, sản xuất công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp kỹ thuật cao; Đặc biệt quan trọng công nghệ mới và năng lượng sạch…Thành phố chú trọng kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư) tập trung vào các lĩnh vực kể trên.

“Với quyết tâm đổi mới sâu sắc và hội nhập quốc tế toàn diện của đất nước, Thành phố Hà Nội sẽ triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các biện pháp để mở cửa cho đầu tư kinh doanh, và chúng tôi muốn mọi thứ đơn giản, hấp dẫn nhất có thể để các bạn đầu tư, kinh doanh lâu dài, ổn định, cùng có lợi” - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định.

Như vậy, để thu hút sự đầu tư từ các doanh nghiệp, Hà Nội phải vội mới thành!

Minh Bắc