Hành trình “giải cứu ve chai”
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:57, 05/06/2016
Ngẫm ra không phải không có lý! Bởi, nếu không có ý tưởng "giải cứu ve chai" của cặp vợ chồng họa sĩ Đinh Thiên Tâm - Nguyễn Diệu Thúy, chủ sở hữu "thiên đường" có một không hai ấy, chẳng rõ những thành phẩm giàu chất thẩm mỹ nơi đây sẽ phải chịu chung số phận hẩm hiu với họ hàng ve chai của chúng tới bao giờ…?
Những sản phẩm "ve chai handmade". |
"Thiên đường ve chai"
Nằm kế con đường xanh mát ven Hồ Tây, "thiên đường ve chai", như cách nhiều khách hàng "ruột" thường gọi là một quán cà phê kiêm tổ hợp xưởng vẽ, chế tác vật dụng trang trí, trưng bày... Trong quán, hàng nghìn chai, lọ thủy tinh cũ, hỏng, được sắp đặt một cách gọn gàng, ngăn nắp đầy tính nghệ thuật và vì vậy có cái tên lãng mạn "thiên đường ve chai". Thiên đường ấy ẩn chứa những "phép màu", biến hàng nghìn phế phẩm thủy tinh mỗi năm thành những vật dụng, đồ trưng bày "sang chảnh", gây bất ngờ cho nhiều người lần đầu chiêm ngưỡng. Bất ngờ bởi cách đây chưa lâu, những sản phẩm đa sắc độc đáo ấy còn bị coi là thứ đồ vô dụng, bị hắt hủi, vùi lấp ở những khu rác thải hoặc bị lãng quên tại xó xỉnh nào đó. Với sự hiện diện của "thiên đường ve chai", cũng là tâm huyết của đôi vợ chồng trẻ Đinh Thiên Tâm - Nguyễn Diệu Thúy, những phế phẩm này có cơ hội đổi đời, tiếp tục trở thành vật dụng hữu ích phục vụ cuộc sống.
Đinh Thiên Tâm kể: "Vợ chồng mình là dân thiết kế, lại từng làm nhiều công việc khác nhau nên máu phiêu lưu lúc nào cũng sẵn. Khoảng năm 2013, khi đang làm chế tác đá quý, mình nảy ra ý tưởng chế lại một món đồ thủy tinh đã qua sử dụng cũng chỉ vì thấy đẹp quá, bỏ đi thì tiếc! Sau khi cắt, gọt rồi loay hoay tô vẽ, thành quả thu về hết sức bất ngờ khiến mình vô cùng hào hứng, có thêm quyết tâm tìm tòi, thử nghiệm trên nhiều sản phẩm khác. Rồi sự hồ hởi đón nhận của gia đình, người thân cũng khiến mình vững tin hơn vào con đường này, dù không hẳn dễ đi, nhưng chắc chắn sẽ mang lại nhiều trải nghiệm thú vị, đặc biệt ý nghĩa của công việc biến những món đồ vô dụng trở thành sản phẩm hữu ích, góp phần bảo vệ môi trường. "Hành trình giải cứu ve chai" đã trở thành cuộc phiêu lưu mới của vợ chồng mình như thế đó!".
Gác lại công việc chế tác đá quý, Đinh Thiên Tâm lao vào nghề... thu gom ve chai khiến không ít người quen biết anh, lần đầu nghe tin đều sững sờ, thậm chí cho rằng "thằng này mất trí!". Chỉ đến khi hiểu tường tận câu chuyện, những dự định cùng ý nghĩa của công việc đầy mới mẻ này và đặc biệt là mục sở thị những thành phẩm tinh tế vốn xuất thân từ nguyên liệu ve chai, người ta mới tin vào con đường vợ chồng anh chọn. Không chỉ có vậy, việc làm của vợ chồng Tâm - Thúy còn tác động tích cực đến tư duy, ý thức của những người sống quanh họ. Nhiều người thu gom tập hợp chai, lọ đã qua sử dụng, người khác sẵn lòng ngó nghiêng bất cứ khi nào có thể để sưu tầm phế phẩm thủy tinh làm quà tặng bạn. Đầu tiên là giúp bạn, sau rồi giúp môi trường sống, đỡ oằn lưng gánh rác, chừng nào hay chừng đó! "Từ nhóm sản phẩm đầu tiên làm ra để tặng người thân, dần dần người biết tới thương hiệu "ve chai handmade" ngày một đông lên" - Thiên Tâm hồ hởi cho biết thêm: "Đối tượng khách hàng của quán rất đa dạng. Học sinh, sinh viên tìm quà tặng; cán bộ, nhân viên văn phòng tìm vật dụng trưng bày, du khách nước ngoài tìm đồ lưu niệm… rồi đến các nhà hàng, quán xá muốn có đồ độc, đẹp, thiết kế thống nhất về ý tưởng cũng tới đặt hàng… Lúc này, chính khách hàng là nguồn cảm hứng, ý tưởng sáng tạo bất tận cho xưởng sản xuất. Từ những mặt hàng thông dụng như ly cốc, lọ hoa, đồ đựng thức ăn, hoa quả… được cắt gọt, tô vẽ hoàn toàn thủ công, "ve chai handmade" mở rộng nhiều nhóm vật dụng khác như: Đèn bàn, tranh kính, vách ngăn… hay kỳ công hơn là những sản phẩm nghệ thuật sắp đặt... Tất cả đều được tận dụng từ nguyên liệu duy nhất là những chai, lọ thủy tinh đã qua sử dụng".
Muốn "sống xanh", hãy hành động!
Với mỗi sản phẩm làm ra được định giá từ vài chục tới vài trăm nghìn đồng, xưởng làm không hết việc, nghề không giống ai ấy không chỉ mang lại cho vợ chồng họa sĩ Đinh Thiên Tâm - Nguyễn Diệu Thúy thu nhập ổn định mà còn giúp họ từng bước hiện thực hóa những ước mơ bấy lâu ấp ủ. Đó là duy trì một phòng nghệ thuật tại 110E Ngọc Hà, trưng bày những tác phẩm thủy tinh tái chế, trở thành nơi gặp gỡ của những người có cùng sở thích, đam mê. Mở rộng cơ sở sản xuất, làm địa chỉ hướng dẫn các bạn trẻ yêu thích công việc chế tác phế liệu tìm hiểu về nghề chế tác thủy tinh đã qua sử dụng, đồng thời thông qua đó gửi gắm thông điệp sống có trách nhiệm với môi trường. Xa hơn nữa, đôi vợ chồng nhiều ý tưởng độc đáo này mong muốn sẽ có thể mở thêm một cơ sở khác, làm nơi hướng dẫn, dạy nghề chế tác ve chai, tạo việc làm cho người khuyết tật… Những việc làm này, không nằm ngoài ước mơ dễ thương mà họ đã ấp ủ từ những ngày đầu lập nghiệp là đưa công việc này trở thành một nghề thủ công mỹ nghệ của nước ta, gắn liền với ý niệm sống xanh từ những hành động nhỏ. Vì không muốn rời xa mục đích bảo vệ môi trường, nên mặc dù nhận được nhiều đề xuất, gợi ý về việc làm thêm sản phẩm từ những chất liệu khác thay vì sử dụng đồ dùng tái chế "sẽ dễ thiết kế, sáng tạo hơn, sản phẩm đa dạng hơn, nguồn thu sẽ cao hơn…" vợ chồng Tâm - Thúy đều mỉm cười, từ chối. Nguyễn Diệu Thúy bộc bạch: "Có thể đưa nguyên liệu đặt sẵn vào sản xuất, chúng mình sẽ thu về nguồn lợi cao hơn nhưng ý nghĩa sử dụng nguyên liệu tái chế sẽ không còn nữa. Thế nên, vợ chồng mình thấy hài lòng với lựa chọn của mình".
Tiếp lời vợ, họa sĩ Đinh Thiên Tâm cho biết: "Mình thường nghĩ nếu có suy nghĩ, cảm xúc, chắc hẳn những phế phẩm ngoài kia sẽ chọn cơ hội hồi sinh, đổi phận, trở thành một vật dụng có ích phục vụ cuộc sống thay vì chịu chôn vùi ở một khu rác thải bất kì nào đó, chờ ngày trở thành tác nhân gây hại môi trường. Nói ra điều này, sẽ khó tránh việc nhiều người cười chúng mình là những kẻ mơ mộng hay suy diễn. Vậy thực tế thì sao khi những phế liệu không thể tự lên tiếng, định đoạt số phận? Chúng ta, những người có đủ ý thức, tư duy và trách nhiệm, có thể giúp chúng thỏa nguyện ước mơ, cũng là giúp chính mình, người thân quanh mình gìn giữ, bảo vệ không gian sống trong lành cho bây giờ và các thế hệ sau này hay không? Nghĩ như vậy, có mơ mộng quá?" - Mong bạn đọc dành chút thời gian để nghĩ về những câu hỏi của họa sĩ Thiên Tâm!