Hà Nội cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển

Kinh tế - Ngày đăng : 15:22, 04/06/2016

(HNMO)- Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” do UBND thành phố Hà Nội tổ chức được khai mạc sáng nay tại Khách sạn Lotte.


Tới dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan. Về phía Hà Nội, có Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung. Ngoài ra còn có khoảng 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội; đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các hiệp hội, doanh nghiệp, các nhà đầu tư…cùng tham dự.

Bảo đảm kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững

Phát biểu khai mạc và chào mừng hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Với mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô nghìn năm văn hiến trở thành một đô thị hiện đại xứng tầm là một trong những trung tâm lớn của khu vực, Hà Nội quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu và những đột phá trong nhiệm kỳ 2015-2020, đồng thời cam kết thực hiện các nội dung sau:

Một là, bảo đảm kinh tế tăng tưởng nhanh, bền vững, đồng thời chú trọng đến an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường. Đảm bảo sự công bằng, nhanh chóng, thuận lợi trong tiếp cận dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.

Hai là, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, trong đó tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo động lực quan trọng để thúc đẩy thu hút nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển và hiện thực hóa các cơ hội trong hội nhập quốc tế. Xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch; nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ba là, khuyến khích nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển các sản phẩm công nghệ cao, chất lượng cao để sẵn sàng hội nhập và phát triển.

Bốn là, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hệ thống hạ tầng khung: giao thông, cấp, thoát nước, điện, viễn thông,… tạo diện mạo đô thị hiện đại, văn minh.

Năm là, bảo đảm sự phát triển hài hòa trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ đô, tăng cường hợp tác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, tạo chuỗi liên kết phát triển vùng nguyên liệu sản xuất thị trường.

“Từ yêu cầu và nhiệm vụ đầy thách thức của giai đoạn 2016-2020, Hà Nội cần huy động khoảng 2,5-2,6 triệu tỷ đồng vốn đầu tư xã hội. Trong đó, vốn đầu tư ngân sách chiếm khoảng 20%; vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài khoảng 80%-tức là đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ là nòng cốt cho sự phát triển kinh tế của Thủ đô” - Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Tiếp đó, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã có bài phát biểu về Định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020; những lợi thế của Hà Nội; những giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư nhằm tạo động lực để thúc đẩy, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển; giới thiệu danh mục các dự án đầu tư mà Thành phố Hà Nội sẽ triển khai trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đã xác định 3 khâu đột phá: Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thủ đô; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện.

Theo đó, các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020: Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020: 8,5-9,0%; GRDP bình quân/người: 6.700-6.800 USD; Huy động vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016-2020: khoảng 2,5-2,6 triệu tỷ đồng (tương đương mức tăng: 13-14%/năm). Trong đó vốn ngoài ngân sách chiếm 80%; Năng suất lao động xã hội tăng bình quân: 6,5%/năm: Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo: 70 - 75%: Tỷ lệ thất nghiệp thành thị: dưới 4%.

Phát triển đồng bộ hạ tầng gắn với văn minh đô thị

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, để thực hiện những mục tiêu cụ thể đó, Thành phố đã định hướng đầu tư cụ thể: Một là, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung đáp ứng yêu cầu phát triển tạo diện mạo đô thị hiện đại, văn minh. Đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông kết nối nhanh, lan tỏa từ trung tâm ra các vùng ngoại vi, gồm hệ thống trục đường hướng tâm (như cải tạo mở rộng quốc lộ 1 cũ, đường 6, đường Hoàng Quốc Việt kéo dài); Hệ thống đường vành đai: vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5, vành đai 3, vành đai 3,5; Một số trục đô thị lớn, kết nối hạ tầng giao thông; các công trình để giảm thiểu ùn tắc giao thông.

Các dự án hạ tầng điện, viễn thông, công nghệ thông tin, khoa học công nghệ. Các dự án dịch vụ đô thị như: công viên (xây dựng mới 25 công viên trong đó có 5 công viên là các khu vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn khu vực, quốc tế; Cây xanh (phát động chương trình một triệu cây xanh cho Hà Nội), cấp, thoát nước,... Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư cho các dự án hạ tầng nông thôn, chú trọng nước sạch nông thôn. Triển khai thu hút đầu tư thực hiện dự án đô thị trục Nhật Tân - Nội Bài; các đô thị vệ tinh. Phát triển các khu đô thị mới, đồng thời cải tạo, chỉnh trang đô thị. Khuyến khích đầu tư bảo vệ môi trường bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Hai là, đầu tư trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Các dự án về hạ tầng khu công nghiệp, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, hạ tầng du lịch; hạ tầng phát triển nông nghiệp sạch, khu nông nghiệp công nghệ cao.

Ba là, đầu tư trong các ngành, lĩnh vực để nâng cao chất lượng dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp hướng tới dịch vụ chất lượng cao theo tiêu chuẩn của khu vực ASEAN và quốc tế. Bên cạnh đó, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và giữ gìn bản sắc nghìn năm văn hiến. Trong đó, lĩnh vực y tế: Xây dựng các cụm trung tâm bệnh viện, chất lượng cao; tăng cường và hoàn thiện Trung tâm y tế chuyên sâu; xây dựng một số bệnh viện đa khoa và chuyên khoa; mạng lưới y tế dự phòng và mở rộng dịch vụ theo mô hình bác sĩ gia đình. Lĩnh vực giáo dục, đào tạo: Xây dựng trường học giải quyết vấn đề thiếu trường, thiếu lớp, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; các trường đạt chuẩn cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu hội nhập. Lĩnh vực văn hóa thể thao: Đầu tư để bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích, di sản; gắn phát huy giá trị các di sản và bản sắc văn hóa với phát triển du lịch. Đầu tư hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa như: Cải tạo Cung Thiếu nhi cũ, Nhà văn hóa Học sinh sinh viên. Xây dựng Cung Thiếu nhi mới. Đầu tư nâng cấp, xây mới một số khu liên hợp, trung tâm thể thao, cơ sở thể dục thể thao trọng điểm.

Kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa

Để đảm bảo mức tăng trưởng GRDP từ 8,5-9,0%/năm và đạt được những mục tiêu đã đề ra, Hà Nội cần phải huy động tổng nguồn vốn đầu tư trong 5 năm 2016-2020 khoảng 2,5-2,6 triệu tỷ đồng.

“Vì vậy Quan điểm đầu tư của Thành phố là: Kết nối với nguồn đầu tư của Ngân sách Trung ương trên địa bàn, Ngân sách Thành phố chỉ tập trung đầu tư vào những dự án hạ tầng kỹ thuật khung; những dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội có tính chất lan tỏa; những dự án chỉ nhà nước tham gia quản lý như an ninh, quốc phòng; những dự án đặc thù về kỹ thuật: ví dụ như đầu tư sản xuất mạng điện, mạng lưới truyền dẫn, tư nhân sẽ đầu tư vào mạng lưới bán lẻ. Thành phố đặc biệt coi trọng và kêu gọi đầu tư xã hội xã hội theo nhiều hình thức” – Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.

Đồng thời cho biết quan điểm về thu hút đầu tư nước ngoài, theo đó, Thành phố đổi mới chính sách thu hút đầu tư theo hướng tập trung vào chất lượng thay vì số lượng. Kêu gọi các dự án có quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghệ sinh học; phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ hiện đại…

Thành phố kêu gọi các dự án đầu tư theo hình thức PPP, các dự án xã hội hóa trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng, dịch vụ đô thị và an sinh xã hội. Ngay trong thời gian tới, tập trung vào các lĩnh vực : đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị trong đó ưu tiên cho tăng trưởng xanh (phát động chương trình một triệu cây xanh cho Hà Nội), ưu tiên đầu tư các công viên, các khu vui chơi giải trí; nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở cải tạo chung cư cũ, nước sạch nông thôn. Chú trọng đầu tư công nghệ cao cho lĩnh vực y tế, sản xuất công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp kỹ thuật cao; Đặc biệt quan trọng công nghệ mới và năng lượng sạch, trong đó chú trọng đến công nghệ xanh và những công nghệ tiên tiến trong quản lý; đồng thời chăm lo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ, có kỉ luật để hội nhập với nền kinh tế ASEAN và thế giới.

Công bố danh mục các dự án kêu gọi đầu tư

Trong bài phát biểu, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cũng cho biết danh mục các dự án Hà Nội dự kiến kêu gọi đầu tư với các nội dung thông tin, sau Hội nghị, các nhà đầu tư có thể đăng ký triển khai các thủ tục thực hiện đầu tư.

Thứ nhất là, danh mục các dự án dự kiến kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư) giai đoạn 2016-2020 (Đợt 1). Tập trung trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung, y tế, khu công nghệ cao... Thành phố giới thiệu 52 dự án và tổng mức đầu tư (dự kiến): 338,725 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 16 tỷ đôla Mỹ): Cụ thể, về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật: 35 Dự án về đường sắt đô thị, các dự án giao thông trọng điểm, Dự án cầu qua sông Hồng và sông Đuống và các hạ tầng kỹ thuật khác. Tổng mức đầu tư là 331, 955 nghìn tỷ đồng. Lĩnh vực hạ tầng xã hội: 5 dự án thuộc lĩnh vực y tế. Tổng mức đầu tư là 4,947 nghìn tỷ đồng. Lĩnh vực nước sạch nông thôn: 12 dự án. Tổng mức đầu tư là 1,823 nghìn tỷ đồng.

Thứ hai là, danh mục dự án kêu gọi xã hội hóa. Tổng số 43 dự án – Tổng mức đầu tư dự kiến là 372,25 nghìn tỷ đồng. Theo đó, lĩnh vực công nghiệp thương mại dịch vụ: 15 dự án. Tổng mức đầu tư: 15,15 nghìn tỷ đồng. Tập trung vào các dự án khu, cụm công nghiệp; dịch vụ, thương mại; xây dựng hệ thống trung tâm thương mại tập trung). Lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật: 05 dự án (các bãi đỗ xe). Tổng mức đầu tư: 3 nghìn tỷ đồng. Lĩnh vực hạ tầng xã hội: 11 dự án về công viên, bệnh viện. Tổng mức đầu tư: 36,8 nghìn tỷ đồng. Lĩnh vực nhà ở: 10 dự án. Tổng mức đầu tư: 316,8 nghìn tỷ đồng. Cho các dự án nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ. Lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao: 02 dự án. Tổng mức đầu tư: 500 tỷ đồng.

Sẽ có 200.000 DN thành lập mới

Nhằm đạt được yêu cầu mà Chính phủ đã chỉ đạo tại Nghị quyết 19, Nghị quyết số 35 và Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển của đất nước” ngày 29/4/2016 và cam kết Hà Nội với VCCI dưới sự chứng kiến của Chính phủ, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, Thành phố Hà Nội khẳng định và cam kết sẽ triển khai mạnh mẽ các biện pháp để tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng, hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện, là địa điểm đầu tư an toàn và thành công của các nhà kinh doanh.

Cụ thể, Chính quyền Thành phố sẽ làm tốt vai trò kiến tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo. Ngay sau Hội nghị này, Thành phố sẽ thành lập Quỹ hỗ trợ Doanh nghiệp khởi nghiệp. Thành phố sẽ ban hành chương trình để thúc đẩy khởi nghiệp, chuyển các hoạt động phi chính thức sang chính thức trên diện rộng bằng các việc làm rất cụ thể như: hỗ trợ, làm thủ tục từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo để từ chủ hộ kinh doanh thành chủ các doanh nghiệp; Hỗ trợ tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ, đất đai.

Phấn đấu, trong giai đoạn 2016-2020, Thành phố có thêm 200 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới và hoạt động có hiệu quả. Sẽ xây dựng hệ thống Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố làm điểm bứt phá, liên kết các hiệp hội doanh nghiệp; Phát huy vai trò là cấu nối giữa các doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước; Coi Hiệp hội doanh nghiệp như “cánh tay nối dài” của chính quyền Thành phố.

Hà Nội coi trọng nguồn vốn đầu tư xã hội. Xác định Doanh nghiệp là động lực của sự phát triển. Trong đó, doanh nghiệp dân doanh, đầu tư nước ngoài và của các doanh nghiệp nhỏ và vừa giữ vai trò quyết định, không chỉ trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế, mà cả mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Thực hiện mô hình “liên thông” tập trung giải quyết thủ tục đầu tư tại một địa điểm.

Tăng cường đối thoại chính quyền - doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tham gia đóng góp ý kiến về các quy định, chính sách của Thành phố. Công khai minh bạch các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính, các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Lãnh đạo Thành phố cam kết sẽ chỉ đạo các cơ quan thanh tra, kiểm tra xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm, chấm dứt việc thanh tra chồng chéo. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp: đăng ký kinh doanh, thuế, bảo hiểm xã hội, hải quan… theo hướng tăng cường một cửa liên thông, hướng tới “một cửa liên thông điện tử”.

Hà Nội phấn đấu đi đầu cả nước về xây dựng Chính quyền điện tử. Ngay trong năm 2016 sẽ thực hiện các nhiệm vụ: Từ tháng 6/2016, các hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được giải quyết trong 2 ngày làm việc (giảm 1 ngày so với quy định) đối với quá trình giao dịch trên mạng. Thực hiện liên thông cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài. Cắt giảm đến 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư. Duy trì tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử đạt 100%, nộp thuế điện tử tối thiểu đạt 100%. Giảm 20% thủ tục hành chính trong các lĩnh vực giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giảm 50% trong lĩnh vực quy hoạch. Rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng xuống còn 21 đến 26 ngày, giảm từ 10 đến 15 ngày so với Quy định.

Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, phù hợp với những cam kết quốc tế trong các lĩnh vực: tiếp cận đất đai, tiếp cận nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp cận thị trường, khoa học và công nghệ,…Bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Hà Nội sẽ hợp tác chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trên cả nước cùng xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh, kết nối thị trường, liên kết vùng. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trên tinh thần 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”. Thành phố sẽ quyết tâm đổi mới để cả bộ máy hành chính sẽ cải cách theo hướng: “Xác định người dân và doanh nghiệp là đối tượng để phục vụ”.

Châu Anh