Cay nồng vị gừng Kỳ Sơn

Nông nghiệp - Ngày đăng : 14:01, 04/12/2022

(HNM) - Gừng được trồng từ lâu đời ở huyện miền núi Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) - nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc H’mông. Tại đây, người dân trồng hai loại gừng là gừng dé và gừng trâu. Gừng dé Kỳ Sơn củ nhỏ, thân tròn, nhiều nhánh; vỏ và ruột màu trắng ngà, lõi màu vàng nhạt, nhiều xơ; mùi thơm đặc trưng, vị cay nồng đậm. Gừng trâu Kỳ Sơn củ to, thân tròn, ít nhánh; vỏ và ruột màu trắng, lõi màu vàng nhạt, ít xơ; mùi thơm đặc trưng, vị cay nồng, cay đậm.

Huyện Kỳ Sơn có địa hình chủ yếu là núi cao trên 700m so với mực nước biển, độ dốc tương đối lớn, hiểm trở. Chất lượng gừng Kỳ Sơn được quyết định nhờ đặc điểm địa hình và tính chất đất chứa nhiều đồng, kẽm, đạm, lân... Đặc biệt, hàm lượng kali trong đất cao giúp hình thành chất cay gingerol và hàm lượng tinh dầu của gừng Kỳ Sơn cao hơn sản phẩm cùng loại ở các vùng khác.

Bên cạnh yếu tố tự nhiên, kinh nghiệm và bí quyết chọn giống, lựa chọn mùa vụ canh tác phù hợp, quy trình chăm sóc... của người sản xuất nơi đây đã làm nên chất lượng đặc thù của gừng Kỳ Sơn. Gừng dé Kỳ Sơn chủ yếu dùng để tiêu thụ nội địa còn gừng trâu hướng tới xuất khẩu.

Gừng Kỳ Sơn được người tiêu dùng rất ưa chuộng, có thể chế biến thành tinh dầu, làm hương liệu, dược liệu, gia vị… Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gừng Kỳ Sơn. Tại Hà Nội, sản phẩm có bán tại các chợ, siêu thị, sàn thương mại điện tử.

Tuyền Lâm