Sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ODA: Giảm dần gánh nặng nợ công
Kinh tế - Ngày đăng : 07:28, 04/06/2016
Cầu Nhật Tân, một trong những công trình sử dụng nguồn vốn ODA mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Nam Khánh |
Nợ công tăng nhanh vì sao?
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, số dư nợ công của nước ta 5 năm trở lại đây tăng khá nhanh. Nếu như năm 2010, nợ công của Việt Nam ở mức 58,897 triệu USD thì đến năm 2014 đã tăng lên mức 110,467 triệu USD. Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ nợ công của Việt Nam đã ở mức 61,3% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 41,5%, trong giới hạn cho phép. Tính riêng trong năm 2015, số vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài theo các hiệp định đã ký được giải ngân ước tính khoảng hơn 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, mặc dù các chỉ số tổng dư nợ công, dư nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn an toàn, song dư nợ Chính phủ đã vượt trần cho phép. Nợ công tăng mạnh đã dấy lên nhiều quan ngại về áp lực trả nợ cũng như nguyên nhân làm gánh nặng nợ công tăng cao. Thậm chí, có nhiều ý kiến cho rằng, các khoản vay ODA chính là một trong những nguyên nhân đẩy nợ công tăng cao. Theo đánh giá của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), một trong những nhà tài trợ ODA lớn tại Việt Nam, dư nợ vay ODA Nhật Bản (tính theo USD) khá ổn định và tỷ lệ nợ này trên nợ công lại đang giảm. Nếu như năm 2010, dư nợ vay ODA Nhật Bản là 9,1 triệu USD, chiếm 15,5% trên tổng nợ công của Việt Nam thì đến năm 2014, con số này là 11,8 triệu USD và 10,7% trên tổng nợ công của Việt Nam. Trong khi đó, tổng nợ công của Việt Nam trong thời gian này đã tăng từ 58,8 triệu USD (năm 2010) lên 110,4 triệu USD vào năm 2014.
Tại hội thảo về "Nhận diện nợ công ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra" vừa diễn ra vào trung tuần tháng 5, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã bày tỏ lo lắng khi nợ công của Việt Nam tăng quá nhanh, đến năm 2015 đã tăng gấp đôi so với năm 2010. Trên thực tế, các khoản chi tiêu công gia tăng trong những năm gần đây là nguyên nhân chính đẩy tỷ lệ bội chi ngân sách tăng cao. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, 5 tháng đầu năm 2016, tổng thu ngân sách đạt 346,2 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, tổng chi ngân sách lên tới 412,6 nghìn tỷ đồng. Bội chi ngân sách tất yếu sẽ góp phần đẩy nợ công tăng cao.
Cần sử dụng hiệu quả vốn vay
Nhà ga hành khách T2 sân bay quốc tế Nội Bài - một trong những dự án sử dụng nguồn vốn ODA đạt hiệu quả cao. Ảnh: NHẬT NAM |
Đánh giá về hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản, Trưởng đại diện JICA Việt Nam, ông Fujita Yasuo cho biết, Chính phủ Việt Nam và JICA đã, đang ưu tiên sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản đầu tư vào những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội, qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, đặc biệt là tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, như nhà ga hành khách T2 Sân bay quốc tế Nội Bài, cầu Nhật Tân, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Dầu Giây đã giúp cải thiện đáng kể hoạt động lưu thông hàng hóa từ hai thành phố lớn đi các tỉnh lân cận.
Đặc biệt, nguồn vốn vay ODA Nhật Bản cũng góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Điều này được thể hiện trên giá trị các hợp đồng mà công ty Việt Nam trúng thầu trong các dự án sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản có xu hướng tăng hằng năm (từ 31,2 tỷ yên năm 2010 lên 73,5 tỷ yên năm 2014). Bên cạnh đó, ODA của Nhật Bản còn hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và nâng cao năng lực cho Việt Nam thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, y tế và phát triển nguồn nhân lực. Mặc dù các dự án ODA đôi khi bị chỉ trích vì yêu cầu phải sử dụng nhà thầu và công nghệ do nhà tài trợ chỉ định. Tuy nhiên, các khoản vay ODA Nhật Bản đòi hỏi sử dụng công ty và vật liệu của Nhật Bản chỉ dành cho các dự án có yêu cầu công nghệ đặc biệt tiên tiến. Từ năm 2010 đến 2014, những dự án sử dụng vốn vay ràng buộc chỉ chiếm dưới 40% tổng số vốn cam kết.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, qua đó góp phần giảm gánh nặng nợ công của Việt Nam, ông Fujita Yasuo cho rằng, bên cạnh việc lựa chọn kỹ dự án phù hợp để cấp vốn, cần tránh chậm trễ trong triển khai dự án thông qua việc công khai các bước thực hiện của tất cả các dự án vốn vay. Với cách làm này, thông tin về các đơn vị nhà nước chậm trễ trong quá trình ban hành quyết định sẽ được công khai trên truyền thông để người dân biết, từ đó giúp hạn chế tình trạng chậm tiến độ dự án.
Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, thời gian qua, nguồn vốn vay ODA đã góp phần giúp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển, thay đổi diện mạo của đất nước. Tuy nhiên, cơ chế sử dụng vốn chủ yếu dựa vào cấp phát từ ngân sách nhà nước, Nhà nước chịu rủi ro toàn bộ như hiện nay đặt ra nhiều vấn đề. Đó là tình trạng đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước và chưa thực sự khuyến khích các chủ đầu tư sử dụng vốn vay tiết kiệm, có hiệu quả.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg ngày 14-2-2015 về tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, trong đó xác định cơ chế cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với địa phương, đồng thời yêu cầu các địa phương cần xác lập các kênh thông tin giữa các cơ quan địa phương với nhau để bảo đảm tính công bằng, thống nhất, minh bạch khoản vay. Như vậy, HĐND, UBND các địa phương sẽ điều hành khoản vay hợp lý hơn dựa trên nguồn thông tin đủ, đúng. Bên cạnh đó, các địa phương cũng buộc phải đăng ký khoản vay trước khi thực hiện giúp Chính phủ kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn vay, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.