Cần làm rõ trách nhiệm trong phát triển BHYT toàn dân

Chính trị - Ngày đăng : 10:42, 03/06/2016

(HNMO) - Sáng 3-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân.

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến bàn các giải pháp đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân. Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nâng cao tỷ lệ BHYT tiến tới BHYT toàn dân là việc rất thiết thực, nhất là đối với người nghèo, đối tượng gặp nhiều khó khăn. Đây là một trong những việc quan trọng nhất để bảo đảm an sinh xã hội. Sau gần 25 năm thực hiện (từ năm 1992) chính sách BHYT, các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực và đạt nhiều kết quả; chính sách pháp luật được hoàn thiện, đối tượng tham gia BHYT được mở rộng, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao với tỷ lệ lên đến hơn 76%. Thủ tướng khẳng định, đây là những tiến bộ rất đáng mừng cho thấy, công tác mở rộng BHYT đã được chú trọng, quan tâm nhưng các bộ ngành, địa phương cần phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa, cao hơn nữa.

Thế nhưng, Thủ tướng đặt vấn đề: “Chỉ tiêu BHYT nâng lên bao nhiêu, 85% hay 90%? Tôi nghĩ là phải là 91%”. Thủ tướng gợi ý và đề nghị các ý kiến thảo luận tại hội nghị cần làm rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương trong phát triển BHYT toàn dân, không chỉ số lượng mà cả chất lượng nhằm bảo đảm người bệnh có thẻ BHYT được hưởng đầy đủ các quyền lợi trong chăm sóc sức khỏe.

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh báo cáo và đề xuất một số kiến nghị để đẩy nhanh việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân theo Nghị quyết 21 của Đảng về một số vấn đề trong công tác BHXH, BHYT, đồng thời nâng cao chất lượng quản lý lĩnh vực này. Về phát triển và mở rộng đối tượng tham gia BHYT, thực hiện Luật BHXH sửa đổi, bổ sung, BHXH Việt Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo BHXH các địa phương theo Quyết định 1548 của Thủ tướng. Năm 2015 đã nỗ lực hoàn thành vượt mức chỉ tiêu bao phủ với 76,5% người dân cả nước tham gia BHYT, đầu năm 2016 có 70,8 triệu người tham gia, tăng 0,83 triệu so với năm 2015 và đang nỗ lực mở rộng. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. BHXH Việt Nam chưa được giao đầy đủ trách nhiệm để đề xuất các cơ chế, chính sách. Thủ tướng xem xét quyết định điều chỉnh chỉ tiêu bao phủ tới 2020, với định hướng tới năm 2020 có ít nhất 90% người dân có BHYT. Cụ thể, đề nghị Chính phủ giao BHXH Việt Nam chủ động hơn nữa trong việc tham mưu cơ chế chính sách.

Về hệ thống thông tin giám định thanh toán BHYT, đến nay BHXH đã cơ bản tập huấn vận hành cho các cán bộ, công chức. Nhưng có một số khó khăn vướng mắc, như hệ thống danh mục dùng chung giữa BHXH và cơ sở khám chữa bệnh chưa thống nhất, đầu ra của nhiều cơ sở chưa theo chuẩn… nên công tác tin học hóa còn chậm, chưa đạt như mong muốn. Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, BHXH đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giám định thanh toán chi trả BHYT. Thực tế tại các địa phương và theo các chuyên gia trong nước và quốc tế, hệ thống giám định này không thể chia cắt, nhiều doanh nghiệp tham gia sẽ không đồng bộ. Để liên thông với 14.000 cơ sở khám chữa bệnh, cần thiết lập hệ thống thông tin thống nhất. BHXH đã thống nhất lựa chọn Viettel, doanh nghiệp nhà nước có uy tín, hội đủ các yêu cầu và có khả năng bao phủ rộng lớn để thực hiện chương trình này. Dự kiến tổng mức đầu tư là 500 tỷ đồng cho 5 năm, mỗi cơ sở y tế chỉ cần 10 triệu một năm, mỗi hồ sơ bệnh án chỉ phải chi 1.500 đồng để giám định, khi vận hành sẽ tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Để hoàn thành hệ thống này trước 30/6/2016, BHXH kiến nghị Bộ Y tế ban hành bộ mã dùng chung về thuốc, vật tư… chỉ đạo các Sở Y tế phê duyệt đầy đủ danh mục, hoàn thành liên thông kết nối thông tin trên hệ thống mạng thông tin toàn quốc… Ngoài ra, UBND các tỉnh chỉ đạo các Sở Y tế, các cơ sở y tế thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ như liên thông dữ liệu với BHXH đúng tiến độ.

Đề cập đến giải pháp nâng tỷ lệ tham gia BHYT, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, năm 2015, tỷ lệ BHYT đạt 76,52%, để tăng tỷ lệ và tính hấp dẫn của BHYT, Bộ Y tế đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, thu hút người dân khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải BV, cải cách, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh khoảng 50 phút, ban hành tiêu chí đánh giá chất lượng BV, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế... Ngành Y tế cũng đặc biệt chú trọng thực hiện đề án đổi mới toàn diện thái độ, phong cách, quy định nghiệp vụ tổ chức của các bệnh viện trong tiếp nhận, chăm sóc người dân, bệnh nhân, đồng thời chấn chỉnh thái độ, xử lý hơn 7.000 nhân viên, cán bộ y tế các tuyến từ cơ sở đến trung ương có hành vi không đúng với người bệnh. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, theo chỉ tiêu của Quốc hội, đã đặt ra mục tiêu tỷ lệ BHYT năm 2020 phải đạt 80% nhưng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải đạt 90%, Bộ Y tế kiến nghị các bộ, ngành, đặc biệt là từng địa phương thực hiện nghiêm các chỉ thị, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về BHYT, nhất là các tỉnh, địa phương có tỉ lệ BHYT còn dưới 70%; tiếp tục thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ, kỹ thuật y tế đối với người bệnh chưa sử dụng BHYT để bảo đảm bình đẳng và thu hút người dân tham gia BHYT dưới dạng tự nguyện và hộ gia đình; các cơ sở y tế cần tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại điểm cầu Hà Nội sáng 3-6.


Tại điểm cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất việc tập trung triển khai tăng số người tham gia BHYT. Cụ thể là tiếp tục mở rộng, đa dạng mạng lưới Đại lý thu BHYT để người dân thuận tiện tham gia BHYT. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lao động, BHXH, BHYT; xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, nhất là hành vi trốn đóng, nợ đóng và gian lận, trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tổ chức kiểm tra việc triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của UBND cấp huyện, cấp xã; xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách trên địa bàn. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, để tăng số người tham gia BHYT điều quan trọng là phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT trên địa bàn, bảo đảm sự hài lòng của người bệnh. Mặt khác, tổ chức, quản lý tốt việc khám chữa bệnh BHYT và đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người tham gia BHYT; thực hiện minh bạch, công khai chi phí khám chữa bệnh BHYT nhằm hạn chế, ngăn chặn không để xảy ra tình trạng trục lợi quỹ BHYT. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho rằng, cần phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều thuận lợi nhất khi doanh nghiệp, người dân tham gia và giải quyết các chế độ BHYT; đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Từ tháng 5/2015 đến nay, thành phố đã tổ chức 5 hội nghị tập huấn, hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh BHYT mã hoá các danh mục dùng chung để thực hiện kết nối dữ liệu khám chữa bệnh BHYT toàn quốc. Viettel Hà Nội tổ chức khảo sát và đang triển khai lắp đặt đường truyền, lắp đặt máy vi tính tại 670 cơ sở y tế có tổ chức khám chữa bệnh BHYT. UBND TP Hà Nội chỉ đạo thực hiện hoàn thành việc tin học hoá trong thực hiện giám định thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trước ngày 30/6/2016.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, ở các nước tiên tiến, người nào không có BHYT mà có bệnh thì cực kỳ nguy hiểm. Chính vì vậy, Quốc hội đã thảo luận và khẳng định tinh thần BHYT toàn dân. Ở nhiều nước, tỷ lệ BHYT đều trên 99%. Lúc đầu, chúng ta đặt mục tiêu tới 2015, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 75% và tới năm 2020 là 80%. Khi đó, có ý kiến nói năm 2015 không thể đạt 75%, chúng ta đã tổ chức hội nghị trực tuyến và giao nhiệm vụ cho từng địa phương, cuối cùng đã đạt vượt mục tiêu là 76%. Phó Thủ tướng đặt vấn đề, tháng 9/2015, Thủ tướng đã ký quyết định ban hành chỉ tiêu tới 2020 phải đạt 80% như Quốc hội yêu cầu. Nhưng tới nay, chúng ta bàn để điều chỉnh quyết định đó, đây là lần đầu tiên Quốc hội giao chỉ tiêu mà Chính phủ mạnh dạn đi trước và đi trước rất lớn. Và con số, tỷ lệ bao phủ BHYT được đề xuất đến năm 2020 là 90% liệu có khả thi?

Phó Thủ tướng cũng đưa ra giải pháp để đạt được mục tiêu trên. Phó Thủ tướng cho rằng, quan trọng nhất là ngành Y tế, cơ sở y tế, các bệnh viện phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đầu tiên là không phân biệt giữa khám dịch vụ và BHYT. Dù thời gian qua, chất lượng khám chữa bệnh đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn có sự phân biệt. “Tôi đã trực tiếp đi kiểm tra ở một số địa phương như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… nhưng vẫn thấy có sự khác biệt giữa khám BHYT và khám dịch vụ. Vậy phải làm sao để người dân đóng BHYT khi vào BV họ không bị phân biệt đối xử và phải bỏ chi phí từ tiền túi ít hơn. Đây là trách nhiệm của ngành Y tế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Xuân Dũng