Xe "dù", bến "cóc": Nhiều biến tướng tinh vi

Giao thông - Ngày đăng : 07:08, 03/06/2016

(HNM) - Báo Hànộimới đã nhiều lần phản ánh về vấn nạn xe

Nhiều xe khách đón trả khách tại các tuyến đường cấm trong trung tâm TP Hồ Chí Minh.


Diễn biến phức tạp

Theo ghi nhận, cứ tầm sáng và chiều hằng ngày, tại đầu đường Võ Văn Kiệt (khu vực hầm vượt sông Sài Gòn, Quận 1), các nhà xe như Hoa Mai, Toàn Thắng, Thiên Phú, Kumho Samco… (chạy tuyến Bà Rịa - Vũng Tàu - TP Hồ Chí Minh) liên tục dừng trả khách, tạo nên cảnh mất trật tự và lộn xộn. Tình trạng trên diễn ra vài tháng nay và vô hình trung trở thành bến "cóc" để các nhà xe hoạt động nhưng không gặp phải sự nhắc nhở hay xử phạt nào của lực lượng chức năng. Chưa dừng lại, đội quân xe ôm, xe taxi luôn vây quanh chèo kéo mỗi lần nhà xe dừng trả khách, khiến cho khu vực này luôn ùn ứ vào giờ cao điểm.

Bên cạnh đó, nhân viên điều hành các hãng xe vẫn tiếp tục đón và gom khách tại các tuyến đường khu vực trung tâm, khi đủ số lượng thì cho xe trung chuyển chạy qua hầm vượt sông Sài Gòn rồi dồn khách lên xe đã chờ sẵn trên đường Mai Chí Thọ (Quận 2). Điều đáng nói, đường Mai Chí Thọ đã được Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh cắm biển cấm dừng, đậu vào giờ cao điểm đối với xe ô tô trên 9 chỗ ngồi, nhưng xem ra biện pháp này không có tác dụng.

Theo ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, riêng các tuyến khu vực miền Đông (chạy các tuyến đi Tây Nguyên, miền Trung và các tỉnh phía Bắc) có hơn 50 tụ điểm đón trả khách của các xe hoạt động trá hình núp dưới danh nghĩa xe chạy hợp đồng, xe du lịch. "Thực chất những xe này chuyên chở khách tuyến cố định với khoảng 400 chuyến và 10.000 khách mỗi ngày" - ông Hải nêu con số đáng báo động.

Theo thống kê từ UBND TP Hồ Chí Minh, thực trạng xe "dù", bến "cóc" vẫn rất phức tạp và hiện tồn tại ở 36 điểm trên địa bàn thành phố.

Xe "dù" cần được vào bến

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GT-VT) cho biết, xe "dù", bến "cóc" hoạt động ngày càng biến tướng. Theo lý giải của ông Ngọc, các loại xe hợp đồng trá hình thường sử dụng hợp đồng vận chuyển khách đã được doanh nghiệp hay hợp tác xã ký khống trước khi vận chuyển. Khi lực lượng chức năng kiểm tra, lái xe mới điền đầy đủ thông tin trong hợp đồng để hợp thức hóa việc vận chuyển khách trên hành trình.

Còn theo đại diện các bến xe lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, về bản chất, tình trạng bến "cóc", xe "dù" không giảm mà có chiều hướng tăng. Thậm chí, có những doanh nghiệp vận tải lợi dụng các văn phòng đại diện, phòng bán vé, đại lý bán vé để đón trả khách, gây mất trật tự. Có những xe đăng ký chạy tuyến cố định nhưng chỉ vào bến ký lệnh vận chuyển, khi chạy lại không vào bến mà chạy theo hợp đồng trá hình.

Về giải pháp xử lý xe "dù, bến "cóc", ông Thượng Thanh Hải đề nghị nên tạo điều kiện cho xe "dù" được vào bến liên tỉnh hoạt động vì theo quy hoạch chi tiết luồng tuyến, các xe này rất khó có số chuyến để chạy trong bến một khi không được hoạt động, do đó các chủ xe sẽ tìm mọi cách để tiếp tục chạy "dù".

Đại diện doanh nghiệp vận tải kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để tổ chức thanh tra toàn diện và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vận tải tổ chức xe khách trá hình, chuyên đón, trả khách tại các bến xe "chui". Đồng thời, Sở GT-VT cần rà soát dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (GPS) của các xe hợp đồng, xe du lịch trá hình, để sàng lọc và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bộ GT-VT cần sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để tạo điều kiện cho xe hợp đồng và xe du lịch trá hình được vào bến hoạt động.

Trước vấn nạn xe "dù", bến "cóc", Bộ GT-VT vừa đề nghị Tổng cục Đường bộ phối hợp với Vụ Vận tải hoàn thành bản đồ số vào tháng 
11-2016 để cơ quan quản lý và doanh nghiệp vận tải giám sát hoạt động tốt hơn. Mặt khác, giao Sở GT-VT thành phố xây dựng đề án nâng cao hiệu quả quản lý vận tải hành khách, giải quyết vấn nạn xe "dù", bến "cóc" trình Bộ GT-VT thời gian tới.

Hà Phạm