Thực phẩm an toàn: Vì sao "vàng, thau" lẫn lộn?
Xã hội - Ngày đăng : 06:47, 03/06/2016
Người tiêu dùng khó phân biệt chất lượng các loại nông sản bày bán trên thị trường. Ảnh: Khánh Huy |
Ông Phạm Khắc Diến, Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Vụ việc một số trường học trên địa bàn quận Tây Hồ trà trộn rau không rõ nguồn gốc vào bếp ăn bán trú đầu năm 2016 thực sự là hồi chuông cảnh báo cho xã hội. Đây không phải là trường hợp hiếm mà khá phổ biến ở nhiều quận, huyện khác. Nếu như các bệnh viện, trường học, gia đình sử dụng thực phẩm an toàn với thái độ nghiêm túc và hợp tác thực sự thì các vùng nông sản an toàn đã không bí đầu ra.
Đến với vùng rau an toàn (RAT) Thôn Ngọ và thôn Văn Phú, thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), hàng chục năm nay, người trồng rau đã có thói quen canh tác, tuân thủ quy trình sản xuất an toàn được cơ quan chức năng tập huấn. Gặp chị Nguyễn Thị Nam (Thôn Ngọ) đang thu hoạch rau mùng tơi, chị cho biết: Trước kia, nông dân ở đây sản xuất kiểu "đèn nhà ai nấy rạng", nhà ai phun thuốc kệ người ta nhưng giờ các hộ giám sát lẫn nhau để bảo đảm thời gian cách ly. Thuốc bảo vệ thực vật cũng do HTX cung ứng, ngoài ra chính quyền đoàn thể kiểm tra gắt gao nên việc tuân thủ quy trình sản xuất RAT khá nghiêm túc. Tuy nhiên, vùng rau này hiện mới chỉ tiêu thụ được 30% nông sản đúng với giá thành sản xuất.
Lý giải vấn đề này, ông Hoàng Văn Thám, Phó phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ khẳng định: Huyện không thiếu sản phẩm RAT để cung ứng cho các bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp, trường học trên địa bàn. Để thúc đẩy sản xuất, huyện đã đề nghị Phòng Giáo dục - Đào tạo hợp tác đưa sản phẩm RAT trên địa bàn vào tiêu thụ nhưng đến nay kết quả chưa như mong muốn. Nguyên nhân là do nhà trường, các khu công nghiệp chưa tin tưởng nơi cung ứng sản phẩm, hoặc đánh đồng giữa sản phẩm an toàn và không an toàn, trong khi lãnh đạo các đơn vị còn khoán trắng bếp ăn bán trú cho cấp dưới…
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết: Thông thường, để định hình được một vùng sản xuất RAT hoặc cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, vùng lúa sinh học… nhanh cũng phải 3 đến 5 năm, có khi tới cả chục năm, bởi liên quan đến nhiều vấn đề. Vì vậy, ở đâu cán bộ thiếu tâm huyết, thiếu trách nhiệm thì ở đó mô hình khó nhân rộng. Thực tế cho thấy, người tiêu dùng còn e ngại, chưa có thói quen lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ cũng có cơ sở.
Những câu chuyện trên cho thấy, đi đôi với việc tăng cường quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm, thời gian tới, nhiệm vụ then chốt của ngành nông nghiệp Hà Nội là tích cực tuyên truyền cho các vùng sản xuất nông sản an toàn từ các trang trại sản xuất tốt đến các vùng rau, quả, lúa chất lượng cao… Nhằm động viên khuyến khích nông dân sản xuất tốt, chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt trong giám sát nông hộ làm ăn chưa tốt. Địa phương nào để xảy ra vấn đề sản xuất nông sản không an toàn thì chính quyền tại địa phương đó phải chịu trách nhiệm, không thể để tình trạng "trên nóng, dưới nguội" diễn ra phổ biến như hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Vững, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chương Mỹ cho biết: Năm học 2015-2016, trên địa bàn huyện có 114 trường học, trong đó có 39 trường mầm non, 38 trường tiểu học, số còn lại là trường THCS. Hầu hết các bếp ăn bán trú chỉ có ở cấp học mầm non. Cấp tiểu học chỉ có 6 trường và cấp THCS có một trường tổ chức ăn bán trú với số lượng học sinh mỗi trường chưa đến 100. Đa số trường mầm non có diện tích rộng nên nhà trường tự trồng rau để phục vụ bữa ăn của cô và trẻ... Nhiều năm nay, tại các nhà trường trên địa bàn huyện chưa để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào. Minh Đức |